Chỉ có 7% doanh nghiệp không tự tin ứng phó với đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là kết quả khảo sát công bố tại hội thảo trực tuyến tổ chức sáng nay (19/8).  Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo “Lãnh đạo kiên tâm - Doanh nghiệp kiên cường” do Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam phối hợp cùng Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức.
Dịch Covid-19 khiến cho nhiều trung tâm bán lẻ gặp khó vì giãn cách. Ảnh: Thành Nguyễn. Dịch Covid-19 khiến cho nhiều trung tâm bán lẻ gặp khó vì giãn cách. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tại hội thảo này, đại diện Deloitte đã chia sẻ kết quả báo cáo của Deloitte năm 2021 về mức độ kiên cường của các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Cùng với đó, đại diện các doanh nghiệp tham dự cũng có đóng góp cụ thể về những giá trị mà doanh nghiệp Việt Nam mỗi đang kiến tạo để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp kiên cường trong giai đoạn thử thách sống còn của đại dịch.

Ngay trong sự kiện, Ban tổ chức đã tiến hành hai khảo sát nhỏ: Đánh giá của các doanh nghiệp về tâm thế ứng phó với đại dịch, kết quả như sau: Hoàn toàn tự tin: 29%, Tự tin phần nào: 64%, Không tự tin: 7%.

Với khảo sát về Cần lựa chọn các nhân viên có tố chất như thế nào để ứng phó với đại dịch, kết quả là: Chuyên môn giỏi: 3%, Thành thạo công nghệ: 1%, Phù hợp với tổ chức: 15%, Linh hoạt và thích ứng: 67%, Tư duy phản biện: 1%, Sáng tạo: 1%, Thấu cảm: 1%, Dám thay đổi: 10%, Ham học hỏi: 2%.

Tại hội thảo lần này, đại diện nhiều doanh nghiệp lớn như: PNJ, SeaBank, Shinec đã chia sẻ các bài học thực tiễn cụ thể trong việc phòng, chống Covid-19, duy trì sự ổn định và tăng trưởng ở mỗi doanh nghiệp. Trong đó, điểm chung là việc coi trọng yếu tố con người, chuyển đổi số và sự linh hoạt trong điều hành, quản trị doanh nghiệp.

Theo bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank, để thích ứng được với Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin giữ vai trò quan trọng. Với SeABank, do đã đầu tư mạnh cho mảng công nghệ từ nhiều năm trước, nên khi dịch xảy ra, ngân hàng đã kịp thời triển khai nhiều hình thức kinh doanh mới.

"Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Ngân hàng đã giảm được tới 30% thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian giao dịch. Cùng với đó, là việc bắt tay cùng VNPost để triển khai dịch vụ tới các địa bàn vùng xa, tới tận các huyện, xã nhằm giúp khách hàng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ của ngân hàng, làm quen với phương thức giao dịch mới", bà Thủy chia sẻ.

Còn theo ông Lê Trí Thông, CEO kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), chủ động ứng phó và tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự lại giữ một vai trò quan trọng.

Đến nay, PNJ đã có bản kế hoạch ứng phó với Covid-19 lần thứ 5, với các kế hoạch hành động cụ thể cho doanh nghiệp đến năm 2024 trong trường hợp dịch bệnh vẫn còn kéo dài. Trong đó, việc thay đổi phương thức kinh doanh trực tuyến là một giải pháp hiệu quả. Kết quả mang lại là năm 2020, trong khi quy mô thị trường vàng bạc, đá quý châu Á giảm 31% thì PNJ vẫn duy trì tăng trưởng được trên 10%.

Riêng về công tác nhân sự, ông Thông cho rằng, quản trị, đào tạo và bảo vệ nhân sự là ưu tiên số 1, PNJ đã áp dụng nhiều giải pháp đồng thời như linh hoạt thanh toán lương cho người lao động, hỗ trợ thuốc men, thực phẩm, để mỗi nhân sự đều được chăm sóc tốt, an toàn và duy tinh thần làm việc.

"Trước khó khăn do Covid-19, PNJ vẫn nỗ lực để chỉ giảm 50% lương từ cán bộ cấp trưởng phòng, giữ nguyên lương cho nhân viên", ông Thông cho biết.

Còn theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, giải pháp đưa ra đó là tập trung tháo gỡ các khó khăn mà khách thuê gặp phải. Shinec tập trung vào việc chia sẻ tài chính, tư vấn cho các khách thuê tái cấu trúc khối lượng tiêu thụ nguyên, nhiên liệu, đẩy mạnh tiêu thụ nội khối ngay trong khu công nghiệp.

Cùng với các giải pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, tất cả những giải pháp này giúp cho Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền vẫn đang giữ được môi trường an toàn để sản xuất. Mục tiêu là duy trì mức đóng thuế tiếp tục tăng, với năm 2019 là 825 tỷ đồng, năm 2020 là 935 tỷ đồng và năm 2021 sẽ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam kiêm Chủ tịch VIOD, đại diện Ban tổ chức đúc kết, con đường dẫn các doanh nghiệp từ ứng phó, sống sót đến phục hồi và hưng thịnh ngày càng gian nan hơn, lâu dài hơn so với dự định ban đầu. Dịch bệnh lần này là lò luyện để kiểm chứng các yếu tố, các khả năng ứng biến của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Và dù là sự chuyển hóa được thực hiện từ từ hay mạnh mẽ thì nó đều giúp doanh nghiệp đứng vững hơn trong các sự kiện tương tự trong tương lai.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục