Chi cả tỷ USD nhập khẩu nông sản Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam xuất sang Mỹ nhiều điện thoại, hàng dệt may, giày dép, nhưng cũng nhập từ Mỹ lượng nông sản, gồm thịt lợn, bò, gà, trái cây lên tới cả tỷ USD.
Các loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại nhiều siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: ĐT Các loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại nhiều siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: ĐT

Người Việt chuộng nông sản Mỹ

Các sản phẩm nông - thủy sản Mỹ ngày càng được các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu về Việt Nam nhiều hơn. 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi hơn 600 triệu USD để nhập khẩu thịt, trong đó, Mỹ là một trong 3 thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt lợn lớn nhất của nước ta.

Riêng về thịt bò, Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 (sau Australia), với các sản phẩm thịt bò đã qua giết mổ và lượng lớn bò nguyên con. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 106.500 tấn thịt bò đã qua giết mổ, trong đó 30,7% được nhập từ Mỹ.

Theo ước tính, thị trường thịt tại Việt Nam có giá trị khoảng 18 tỷ USD/năm. Do sự bất ổn của ngành chăn nuôi trong nước và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi kéo dài, nên tại một số thời điểm, nguồn cung thịt nhập khẩu, trong đó có nguồn thịt từ Mỹ, đã giúp ổn định cung - cầu và giá cả trên thị trường.

Trong tương lai gần, xu hướng nhập thịt từ Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, bởi hoạt động xúc tiến thương mại trong nhiều ngành sản xuất được tăng cường, trong đó có Bản ghi nhớ hợp tác về nhập khẩu thịt lợn Mỹ - Việt Nam đã được ký kết giữa Liên minh Việt Nam Trade Alliance (Mỹ) và Tập đoàn Masan với giá trị ước tính khoảng 100 triệu USD cho năm đầu tiên và tổng giá trị giao dịch trong 3 năm lên đến 500 triệu USD. Thỏa thuận này sẽ thiết lập cam kết trong việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh của Mỹ vào Việt Nam.

Nhìn vào danh sách doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt sang Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ đang đứng đầu và tới đây, việc nhập thịt Mỹ về Việt Nam sẽ ngày càng thuận lợi.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài 479 doanh nghiệp Mỹ được cấp phép xuất khẩu thịt, còn có 210 doanh nghiệp đăng ký để được xuất khẩu thủy sản vào nước ta.

Đối với trái cây tươi, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu chính ngạch 6 loại, gồm: táo, nho, lê, cherry, việt quất, cam. Trong đó, táo, nho và cherry Mỹ chiếm thị phần áp đảo trên thị trường trái cây ngoại. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục xem xét, đánh giá rủi ro về kiểm dịch thực vật, an toàn sinh học với bưởi, xuân đào, mơ, mận… của Mỹ.

Hài hòa cán cân thương mại

Ông Benjamin Petlock, Tùy viên cấp cao lĩnh vực nông nghiệp (Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM) cho biết, Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá và tiếp thị các sản phẩm thịt, trái cây đến người tiêu dùng Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, có gần 2.000 doanh nghiệp của 24 quốc gia và vùng lãnh thổ được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ với 479 doanh nghiệp, Pháp (172 doanh nghiệp, Nhật Bản (152 doanh nghiệp), Australia (130 doanh nghiệp), Italia (121 doanh nghiệp) và Brazil (86 doanh nghiệp)…

Đối với các sản phẩm thịt, theo đánh giá của doanh nghiệp Mỹ, thuế nhập khẩu thịt từ Mỹ vào Việt Nam vẫn đang là một điểm nghẽn cần tháo gỡ để hoạt động xuất khẩu của họ được thuận lợi hơn, có thể cạnh tranh với sản phẩm từ nhiều quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Mới đây, hơn 70 nhà lập pháp Mỹ, dẫn đầu bởi các hạ nghị sĩ Ron Kind, Darin LaHood, Jim Costa và Dusty Johnson đã cùng gửi một lá thư tới Đại diện Thương mại Mỹ, kêu gọi ủng hộ việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, gỡ bỏ thuế quan cho các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ tại Việt Nam

Các doanh nghiệp Mỹ khẳng định, thuế nhập khẩu được điều chỉnh hợp lý sẽ là “cây cầu” cho thịt từ Mỹ vào Việt Nam; đồng thời, hoạt động xuất khẩu này cũng sẽ giúp tăng tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sang Việt Nam, giúp giải quyết một phần sự mất cân bằng thương mại và hỗ trợ trực tiếp nông dân, người chăn nuôi và các công ty chế biến của Mỹ.

Minh chứng là, năm 2020, trong bối cảnh giá thịt lợn tại Việt Nam tăng cao do dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam đã tạm thời giảm thuế nhập khẩu ưu đãi theo cơ chế tối huệ quốc (MNF) đối với thịt lợn đông lạnh từ 15% xuống 10%, nhờ đó, xuất khẩu thịt của Mỹ sang Việt Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu này đã hết hạn vào cuối năm 2020.

Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thịt đông lạnh từ 15% xuống còn 10%, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu MFN đã khiến giá nhập khẩu thịt giảm, từ đó có thể gia tăng lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ cũng như từ thị trường khác. Mặt khác, việc giảm thuế dẫn đến giá sản phẩm nhập khẩu giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi do có nhiều sự lựa chọn.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, các chính sách xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại 2 chiều, đặc biệt để hàng hóa Mỹ tăng xuất khẩu vào Việt Nam, tiến tới điều chỉnh cán cân thương mại hài hòa là nền tảng để thương mại song phương phát triển bền vững.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục