Chạy đua sản xuất thiết bị 5G: “Ván bài” giữa các doanh nghiệp lớn

Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, VNPT, Vingroup đang bước vào cuộc đua nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị mạng 5G.
Hiện Viettel tập trung 300 kỹ sư giàu kinh nghiệm cho dự án 5G. Ảnh: H.T Hiện Viettel tập trung 300 kỹ sư giàu kinh nghiệm cho dự án 5G. Ảnh: H.T

Kế hoạch sản xuất thiết bị 5G

“Trái tim” của thiết bị đầu cuối 5G là chipset. Doanh nghiệp nào nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chipset 5G sẽ chủ động “làm chủ” trong cuộc chơi 5G mới. Không những vậy, lợi ích kinh tế từ việc sản xuất thiết bị 5G vô cùng lớn.

Vì vậy, từ khi chưa có giấy phép thử nghiệm 5G, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD cho nghiên cứu phát triển chip 5G. Hiện Viettel tập trung 300 kỹ sư giàu kinh nghiệm cho dự án 5G, chi 500 tỷ đồng cho phát triển Microcell 5G và đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel cho biết, Viettel sẽ phát triển mạng 5G, bao gồm cả các thiết bị mạng lõi 5G và mạng truy cập vô tuyến. Mục tiêu của Viettel là đến năm 2020 có thể triển khai các microcell (tế bào vi mô mạng) trên mạng lưới và hoàn thành Core 5G NSA EN-DC. Tiếp đó là triển khai các macrocell (tế bào vĩ mô mạng) và hoàn thành Core 5G SA.

VNPT cũng bắt đầu nghiên cứu và tiếp cận chuẩn bị cho 5G từ rất sớm. Bước đầu, VNPT tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng nguồn nhân lực, nhằm làm chủ và tham gia hệ sinh thái 5G.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT xây dựng kế hoạch sản xuất các thiết bị mạng 5G, trong đó có thiết bị small cell (tương tự trạm phát sóng cỡ nhỏ) để từng bước làm chủ trong mảng này giống như đã làm đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định trước đây. Tuy nhiên, chỉ thiết bị nào có số lượng đặt hàng lớn, thì VNPT sẽ chủ động làm, thậm chí xây dựng nhà máy sản xuất.

Mới đây nhất, Vingroup cho biết đang nghiên cứu sản xuất điện thoại đầu cuối 5G. Để chuẩn bị cho chiến lược này, Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (thuộc Vingroup) đã ký thỏa thuận hợp tác với Fujitsu (Nhật Bản) và Qualcomm (Mỹ) trong phát triển điện thoại thông minh 5G.

“Dự kiến, đến tháng 7/2020, chúng tôi sẽ ra mắt sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên; đến tháng 8/2020, sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. VinSmart đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G”, ông Ngô Hoàng Anh (Viện Nghiên cứu thiết bị viễn thông, thuộc VinSmart) cho biết.

“Ván bài” 5G

Công nghệ 5G sẽ tạo ra những thay đổi căn bản ở nhiều ngành công nghiệp, như các ngành công nghiệp sản xuất, giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh. 5G cũng tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành và tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả. 5G được ví như đường cao tốc của kinh tế số khi thúc đẩy phát triển AI, IoT, blockchain...

Ngoài ra, 5G còn thúc đẩy tích hợp dữ liệu, dịch vụ, kết nối nhiều giải pháp khác nhau từ các doanh nghiệp, start-up trong mạng lưới chính phủ số. Vì vậy, mảng sản xuất thiết bị hạ tầng, các ứng dụng, dịch vụ cho công nghệ 5G là thị trường vô cùng rộng lớn.

Theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách tận dụng các công nghệ liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 để cải thiện hiệu suất và duy trì tăng trưởng trong tương lai. Việc triển khai dịch vụ 5G sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp và đem tới những lợi ích đáng kể.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, trên thế giới, không có nhiều nước sản xuất được thiết bị 5G, ngay cả Mỹ cũng chưa sản xuất được. “Việt Nam mà sản xuất được thiết bị 5G thì có thể bán được sang Mỹ. Đến thời điểm này, có khá nhiều công ty của Mỹ đã đặt vấn đề là, nếu Việt Nam sản xuất được thiết bị 5G, thì họ sẽ mua”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Đó chính là lý do để các doanh nghiệp Việt như Viettel, Vingroup, VNPT không tiếc nguồn lực đầu tư sản xuất thiết bị 5G. 5G sẽ là một “ván bài” của các doanh nghiệp này, bởi từ trước đến nay, Việt Nam chưa sản xuất được chipset để thương mại hoá. Điều thuận lợi của các doanh nghiệp Việt Nam là không phải nghiên cứu công nghệ 5G từ đầu mà sẽ dựa  vào các phát minh có sẵn, chỉ nghiên cứu áp dụng để phát triển sản phẩm 5G. 

Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ tự nghiên cứu, sản xuất, làm chủ và thậm chí xuất khẩu thiết bị 5G.

Thị trường vô cùng rộng lớn

Theo Báo cáo “5G tại Đông Nam Á: Tái khởi động tăng trưởng tại các thị trường doanh nghiệp và tiêu dùng”, giai đoạn tăng trưởng ban đầu của việc áp dụng 5G dự kiến sẽ đến từ các khách hàng cao cấp và các thiết bị giá trị cao, sau đó số lượng thuê bao sẽ bắt đầu tăng lên nhanh chóng cùng việc các thiết bị này trở nên phổ biến hơn. Nghiên cứu dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập của mạng 5G sẽ ở mức 25 - 40% tại các quốc gia chính trong khu vực. Tổng số thuê bao 5G tại khu vực ASEAN được dự báo vượt mức 200 triệu vào năm 2025.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục