Theo số liệu do hãng tin AFP tổng hợp, số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 900.000 ca.
Tính đến chiều 16/3, tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu đã ghi nhận 900.185 trường hợp tử vong trong tổng số 40.083.433 ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Với tổng số người không qua khỏi trên, châu Âu hiện trở thành khu vực có số ca tử vong cao nhất thế giới, sau đó là Mỹ Latinh và Caribe với 721.581 ca tử vong, Canada và Mỹ - 558.110 ca tử vong và châu Á ghi nhận 263.250 ca tử vong.
Anh hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh tại châu Âu xét về số ca tử vong với 125.580 người không qua khỏi trong tổng số 4.263.527 ca nhiễm, sau đó là Italy với 102.499 ca tử vong trong 3.238.394 ca nhiễm.
Nga ghi nhận 92.937 ca tử vong trong 4.409.438 ca nhiễm, tiếp đến là Pháp - 90.788 ca tử vong và 4.078.133 ca nhiễm và Đức - 73.656 ca tử vong trong 2.581.329 ca nhiễm. Số ca tử vong do COVID-19 của 5 nước trên chiếm hơn một nửa tổng số người không qua khỏi của cả châu lục.
Xét về tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu với 218 ca tử vong/100.000 người, sau đó là Bỉ với 194 ca tử vong, Slovenia - 189 ca tử vong, Anh - 185 ca tử vong và Montenegro - 180 ca tử vong.
Cũng theo AFP, trên toàn cầu hiện ghi nhận hơn 120 triệu ca nhiễm, trong đó gần 2,66 triệu ca tử vong.
Về tình hình dịch bệnh ở Bulgaria, nước này ngày 16/3 đã ghi nhận số trường hợp phải nhập viện vì COVID-19 tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ Y tế, hiện tổng số 7.269 người mắc bệnh phải nhập viện, mức cao nhất kể từ ngày 14/12/2020.
Trong 24 giờ qua, Bulgaria ghi nhận 4.637 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Balkan này, nâng tổng số ca bệnh lên 283.194 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Bulgaria cũng tăng lên 11.472 ca sau khi có thêm 187 ca tử vong mới.
Ngày 15/3, Chính phủ Bulgaria tuyên bố nước này vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Hiện đã có hơn 340.000 liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối tới các cơ sở y tế trong nước.