Lo ngại về sự gián đoạn trong khí đốt của Nga đến châu Âu và tồn kho thấp đã khiến châu lục này nhập khẩu khối lượng kỷ lục khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy giá lên mức cao kỷ lục vào đầu năm nay và làm dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng của người mua trên toàn cầu.
Chi đầu tư các năm qua thấp đồng nghĩa với việc nguồn cung mới khan hiếm, trong khi nguồn cung của Nga đang gặp rủi ro khi nhiều quốc gia chuyển từ than sang khí đốt để đáp ứng các mục tiêu khí hậu trong vài năm qua khi giá LNG ở mức thấp.
Peder Bjorland, Phó chủ tịch tiếp thị và kinh doanh khí đốt tự nhiên tại Equinor ASA cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu hiện tại cao hơn so với hai năm trước, vì vậy chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hợp đồng dài hạn và vấn đề an ninh năng lượng”.
Ông nói thêm rằng, các khách hàng châu Âu đối với đường ống dẫn và LNG đang tìm kiếm nguồn cung trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm, trong khi các hợp đồng dài hạn kéo dài từ 15 - 20 năm hấp dẫn hơn đối với các thị trường châu Á.
Giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm khoảng 50% so với mức cao kỷ lục vào tháng 12, nhưng vẫn tăng gần gấp ba lần so với hồi tháng 5/2021 do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt với việc người mua châu Âu ngưng sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga sau xung đột Ukraine.
Các nhà điều hành ngành cho biết, sự biến động về giá có thể vẫn sẽ tiếp tục do sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu và điều kiện thời tiết. Trong khi điều này thúc đẩy người mua chốt nguồn cung, nó cũng trở thành một trở ngại giữa người bán và người mua để chốt giao dịch.
"Rõ ràng là có rất nhiều nhu cầu đối với LNG, và tôi nghĩ rằng rất khó để thỏa thuận về giá cả khi có sự biến động cao, bởi vì người mua sẽ luôn nói với bạn rằng giá cao bất thường và người bán sẽ nói đây là cách mọi thứ đang vận hành”, Kevin Gallagher, Giám đốc điều hành của Santos Ltd. cho biết.