Châu Á: Hoạt động sản xuất suy giảm trong tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động sản xuất của châu Á đình trệ trong tháng 9 do đại dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và Trung Quốc tăng trưởng chững lại do thiếu điện và nguyên vật liệu tăng giá chóng mặt.
Châu Á: Hoạt động sản xuất suy giảm trong tháng 9

Những quốc gia đã từng bùng phát dịch Covid-19 biến chủng Delta nghiêm trọng và hiện đã hạ nhiệt như Ấn Độ và Indonesia, ghi nhận hoạt động sản xuất trong tháng 9 được cải thiện.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất suy giảm ở Malaysia và Việt Nam trong tháng 9 do chưa thể kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh, cùng tình trạng thiếu chip bán dẫn và gián đoạn nguồn cung. Chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 9 không đổi so với 40,2 điểm của tháng 8.

Đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng dần chững lại tạo ra áp lực mới đến triển vọng tăng trưởng của khu vực, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống dưới mốc 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này bất ngờ thu hẹp trong tháng 9 vì hạn chế sử dụng điện diện rộng.

Mặc dù chỉ số PMI tư nhân Caixin/Markit tốt hơn dự báo sau khi giảm trong tháng 8, nhưng dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế thứ hai thế giới đang phủ bóng lên triển vọng của các quốc gia châu Á láng giềng.

Makoto Saito, chuyên gia kinh tế NLI Research Institute cho rằng: “Những hạn chế từ dịch bệnh đến hoạt động kinh tế có thể dần được dỡ bỏ, nhưng với tiến độ chậm, đồng nghĩa với việc các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ còn đình trệ hết năm nay”.

Chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản giảm còn 51,5 điểm trong tháng 9, từ mức 52,7 điểm tháng trước đó, đây cũng là số điểm thấp nhất kể từ tháng 2 đến nay. Các nhà sản xuất tại Nhật Bản đang đối mặt với áp lực từ các hạn chế liên quan đến dịch bệnh và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thiếu nguyên liệu thô và vận tải bị đình trệ.

PMI Hàn Quốc tăng từ 51,2 điểm trong tháng 8 lên 52,4 điểm trong tháng 9 nhờ gia tăng sản xuất và số đơn đặt hàng mới cũng tăng lên. Đây là tháng ghi nhận tăng trưởng thứ 12 liên tiếp nhưng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang làm giảm triển vọng về hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất.

Hoạt động nhà máy tại Đài Loan tiếp tục mở rộng nhưng với tốc độ chậm nhất hơn 1 năm qua. Chỉ số PMI của Đài Loan trong tháng 9 chỉ đạt 54,7 điểm, giảm 3,8 điểm so với mức 58,5 điểm hồi tháng 8.

Chỉ số PMI Indonesia tăng từ 43,7 điểm hồi tháng 8 lên 52,2 điểm trong tháng 9. Hai con số tương ứng của Ấn Độ là 52,3 điểm và 53,7 điểm.

Alex Holmes, Chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi châu Á tại Capital Economics, nhận định: “Các chỉ số PMI trong khu vực cho thấy sự gián đoạn từ các đợt bùng phát dịch lớn tại châu Á đã hạ nhiệt phần nào, tuy nhiên, các đơn đặt hàng chưa thực hiện tiếp tục chất đống, nghĩa là sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng còn tiếp diễn một thời gian nữa”.

Từng được coi là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đang tụt lại trong quá trình phục hồi hậu đại dịch do sự chậm nhịp về tiêm vaccine và số ca nhiễm Covid-19 do biến chủng Delta vẫn gia tăng làm giảm tiêu dùng, và gián đoạn sản xuất.

Di Di

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục