ADB: Con đường phục hồi của các quốc gia đang phát triển châu Á vẫn không đồng đều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 đối với các quốc gia đang phát triển Châu Á, trong bối cảnh vẫn còn có những quan ngại về đại dịch do vi-rút corona gây ra (COVID-19).
ADB: Con đường phục hồi của các quốc gia đang phát triển châu Á vẫn không đồng đều

Theo bản cập nhật ấn phẩm kinh tế hàng đầu của ADB là Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) năm 2021, ADB dự báo mức tăng trưởng đạt 7,1% trong năm nay, so với mức dự báo về tăng trưởng vào tháng Tư là 7,3%. Triển vọng tăng trưởng cho năm 2022 được nâng từ mức 5,3% lên 5,4%.

Các biến thể COVID-19 mới, các đợt bùng phát cục bộ mới, việc khôi phục các cấp độ hạn chế và phong tỏa khác nhau cũng như việc triển khai vắc xin chậm và không đồng đều đang làm giảm triển vọng của khu vực.

Ông Joseph Zveglich Jr., Quyền Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho biết, các quốc gia đang phát triển châu Á vẫn dễ bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, khi các biến thể mới bùng phát, dẫn đến những hạn chế đi lại mới ở một số nền kinh tế.

“Các biện pháp chính sách không nên chỉ tập trung vào việc kiềm chế đại dịch và tiêm chủng mà còn phải tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng như định hướng lại các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để thích ứng với một 'trạng thái bình thường mới' khi đại dịch lắng xuống để khởi động quá trình phục hồi”, ông Joseph Zveglich Jr. nói.

Số ca nhiễm COVID-19 ở các quốc gia đang phát triển khu vực châu Á đã tăng lên kể từ khi biến thể Delta của vi-rút xuất hiện vào tháng Tư. Trong tháng 5, số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức cao nhất là 430.000. Ngày 31/8, hơn 163.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận.

Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng ở các quốc gia đang phát triển châu Á vẫn không đồng đều và tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển. Tính đến ngày 31/8/2021, 28,7% dân số trong khu vực được bảo vệ bằng vắc xin đầy đủ, so với tỷ lệ bao phủ 51,8% ở Hoa Kỳ và 58,0% ở Liên minh châu Âu.

Con đường phục hồi trong khu vực được ADB cho rằng vẫn không đồng đều. Dự báo tăng trưởng của Đông Á cho năm nay đã được nâng lên 7,6% từ mức 7,4% vào tháng 4, do nhu cầu toàn cầu đối với các mặt hàng nhiên liệu xuất khẩu từ khu vực này tăng mạnh. Triển vọng tăng trưởng của Đông Á cho năm 2022 vẫn giữ nguyên ở mức 5,1%.

Dự báo tăng trưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nền kinh tế lớn nhất của khu vực, vẫn ở mức 8,1% vào năm 2021 và 5,5% vào năm 2022.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế Trung Á trong năm nay được nâng lên 4,1% từ mức 3,4% theo dự báo hồi tháng 4, trong bối cảnh triển vọng của Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, và Uzbekistan đã được cải thiện. Triển vọng năm 2022 của tiểu vùng đã được cải thiện, tăng từ 4,0% lên 4,2%.

ADB dự kiến mức ​​tăng trưởng kinh tế ở Nam Á đạt 8,8% trong năm nay, so với mức 9,5% dự báo hồi tháng 4 cho tiểu vùng. Tuy nhiên, triển vọng cho năm 2022 đã được cải thiện từ 6,6% lên 7,0%. Dự báo cho Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng - bị hạ xuống còn 10,0% từ mức 11,0% vào năm 2021, trong khi triển vọng cho năm tới đã được cải thiện, tăng từ mức 7,0% lên 7,5%.

Dự báo cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cũng đã được điều chỉnh giảm, do các nền kinh tế ở các tiểu vùng này tiếp tục phải vật lộn với các biến thể mới của vi-rút, các biện pháp phong tỏa và hạn chế tiếp tục được áp dụng, và tiến độ triển khai vắc xin chậm.

Các dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á cho năm 2021 và 2022 đã được hạ xuống lần lượt 3,1% và 5,0%, so với mức dự báo 4,4% và 5,1% hồi tháng Tư.

Nền kinh tế Thái Bình Dương dự kiến ​​giảm còn 0,6% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 1,4% theo dự báo hồi tháng 4, trước khi tăng lên mức 4,8% vào năm 2022.

Riêng tại Việt Nam, Bản cập nhật này điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 từ mức dự báo 6,7% trong báo cáo ADO 2021 xuống 3,8%. Với giả định rằng đến cuối năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và đến quý II/2022 tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vắc-xin chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm sau được điều chỉnh thành 6,5%, vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó.

Dự báo tỷ lệ lạm phát cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021, do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% vào năm 2022 khi tăng trưởng tăng tốc.

Trong khi đó, câu chuyện lạm phát ở các quốc gia đang phát triển châu Á dự kiến ​​sẽ vẫn trong tầm kiểm soát, ở mức 2,2% trong năm nay và 2,7% vào năm 2022. Xu hướng giá thực phẩm và hàng hóa quốc tế cao hơn hiện nay có thể gây ra lạm phát ở một số nền kinh tế trong khu vực.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục