Châu Á hình thành khối thương mại lớn nhất thế giới, bước đột phá lịch sử

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã thành lập khối thương mại tự do lớn nhất thế giới vào Chủ nhật (15/11).

Hình ảnh đại diện của các nước ký kết trong lễ ký kết Hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020. Nguồn: AFP Hình ảnh đại diện của các nước ký kết trong lễ ký kết Hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020. Nguồn: AFP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội.

RCEP có thể củng cố vị thế của Trung Quốc vững chắc hơn với tư cách là một đối tác kinh tế với Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào vị thế tốt hơn để định hình các quy tắc thương mại của khu vực.

Việc Mỹ vắng mặt trong cả RCEP và CPTPP khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị loại khỏi hai nhóm thương mại trải dài khắp khu vực phát triển nhanh nhất trên trái đất.

Ngược lại, “RCEP có thể giúp Bắc Kinh cắt giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và công nghệ, một sự thay đổi được đẩy nhanh bởi sự rạn nứt ngày càng sâu sắc với Washington”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng ING của Greater China cho biết.

RCEP gồm nhóm 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định này đặt mục tiêu trong những năm tới là giảm dần thuế quan trên nhiều lĩnh vực.

Thỏa thuận được ký bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN trực tuyến được tổ chức khi các nhà lãnh đạo châu Á giải quyết căng thẳng ở Biển Đông và đưa ra các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch ở một số khu vực mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.

“RCEP sẽ sớm được các nước ký kết phê chuẩn và có hiệu lực, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong cuộc họp.

Theo đó, RCEP sẽ chiếm 30% nền kinh tế toàn cầu, 30% dân số toàn cầu và tiếp cận 2,2 tỷ người tiêu dùng.

Bước đột phá lịch sử

Bộ trưởng tài chính Trung Quốc cho biết, những lời cam kết của các thành viên RCEP bao gồm loại bỏ một số thuế quan trong khối, trong đó một số thuế quan sẽ được loại bỏ ngay lập tức và một số khác trong thời gian 10 năm.

Không có thông tin chi tiết về sản phẩm nào và quốc gia nào sẽ được giảm thuế ngay lập tức.

“Lần đầu tiên, Trung Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận cắt giảm thuế quan song phương, đạt được một bước đột phá lịch sử”, Bộ trưởng tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố mà không cho biết thêm chi tiết.

Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia một hiệp định thương mại tự do duy nhất.

Các nhà phân tích cho biết, mặc dù nằm ngoài RCEP và từng tham gia vào chính quyền Mỹ thúc đẩy Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống đắc cử Joe Biden khó có thể sớm tái gia nhập TPP vì chính quyền của ông sẽ phải ưu tiên xử lý sự bùng phát Covid-19.

“Tôi không chắc rằng Mỹ sẽ tập trung nhiều vào thương mại nói chung, bao gồm cả nỗ lực gia nhập lại TPP trong khoảng năm đầu tiên vì sẽ tập trung nhiều vào cứu trợ Covid-19”, Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ cho biết.

“RCEP sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và đặt ra các quy tắc truyền dữ liệu”, ông Lương Hoàng Thái, Trưởng phòng Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công Thương Việt Nam cho biết.

"Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi có đủ các nước tham gia phê chuẩn hiệp định trong nước trong vòng hai năm tới", Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết.

Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP vào tháng 11 năm ngoái, nhưng các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết cánh cửa vẫn mở để nước này tham gia.

Hạc Hiên
Theo CNBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục