RCEP - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới dự kiến được ký vào cuối tuần này

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Mười lăm quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm cả Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới vào cuối tuần này.

RCEP - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới dự kiến được ký vào cuối tuần này

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm các quốc gia trải dài từ Nhật Bản đến Australia và New Zealand, nhằm giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc thương mại điện tử mới.

Việc thông qua hiệp định này có thể gây bất lợi cho một số công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia khác bên ngoài khu vực, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại châu Á Thái Bình Dương riêng biệt trước đây được gọi là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sau khi Ấn Độ rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP vào năm ngoái, 15 quốc gia còn lại đã tìm cách công bố thỏa thuận này vào cuối Hội nghị cấp cao ASEAN trong tuần này.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali nói với các phóng viên rằng, thỏa thuận sẽ được ký kết vào Chủ nhật (15/11) và gọi đây là đỉnh cao của “tám năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt”.

Shaun Roache, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết: “Mặc dù RCEP còn khá nông, ít nhất là so với TPP, nhưng nó rộng khi bao gồm nhiều nền kinh tế và hàng hóa, và đây là điều hiếm thấy trong thời đại bảo hộ như thế này”.

Thỏa thuận này là đỉnh cao trong những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh nhằm hội nhập kinh tế nhiều hơn với một khu vực chiếm gần 1/3 tổng GDP toàn cầu. Và tác động này có thể mở rộng ra ngoài khu vực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (được tổ chức theo hình thức trực tuyến) vào sáng thứ Sáu (13/11) rằng, các nhà lãnh đạo Đông Á sẽ chứng kiến ​​việc phê duyệt RCEP “trong thời gian ngắn”.

“Việc ký kết RCEP sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ, tích cực cho việc thúc đẩy hội nhập khu vực và toàn cầu hóa kinh tế”, ông nói qua webcast.

Tiến trình của thỏa thuận minh họa cách Tổng thống Trump rút khỏi TPP, hiện được gọi là Hiệp định Thương mại toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã làm giảm khả năng của Mỹ trong việc đối trọng với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Thách thức đó có thể sớm dịch chuyển sang Tổng thống đắc cử Joe Biden như dự kiến.

William Reinsch, một quan chức thương mại trong chính quyền Clinton và cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết, câu hỏi liệu RCEP có thay đổi động lực khu vực có lợi cho Trung Quốc hay không phụ thuộc vào phản ứng của nước Mỹ.

“Nếu Mỹ tiếp tục phớt lờ hoặc bắt nạt các quốc gia ở đó, quả lắc ảnh hưởng sẽ xoay hướng về phía Trung Quốc. Nếu Joe Biden có một kế hoạch đáng tin cậy để khôi phục sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này, thì con lắc có thể quay ngược trở lại theo cách của chúng ta”, William Reinsch đánh giá.

Mặc dù RCEP không có tầm ảnh hưởng sâu rộng như TPP, nhưng việc thực thi hiệp định này có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh hơn với quan hệ đối tác do Trung Quốc hậu thuẫn.

Mary Lovely, giáo sư kinh tế Đại học Syracuse cho biết: “Sự lựa chọn của Joe Biden là rất rõ ràng. Việc đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định TPP để đảm bảo quyền tiếp cận cho các công ty Mỹ”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục