"Các nền kinh tế châu Á sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, vì họ tiêu thụ phần lớn nhất trong số 14 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày từ Eo biển Hormuz", Aditya Saraswat, Giám đốc nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Rystad Energy cho biết.
Eo biển Hormuz là một tuyến đường biển hẹp nằm giữa Oman và Iran, kết nối các nhà sản xuất dầu khí Trung Đông với các thị trường thế giới. Trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện, nó có thể làm tắc nghẽn tuyến đường quan trọng này, dẫn tới nguy cơ mất tới 12 triệu thùng dầu mỗi ngày.
"Các quốc gia nhập khẩu dầu ở châu Á sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, làm gia tăng mối lo ngại của thị trường", báo cáo của Rystad Energy cho biết.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào nhập khẩu dầu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số những nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, nhưng các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan cũng là những nước tiêu thụ dầu và khí đốt lớn.
Theo nhà phân tích Saraswat, Trung Quốc và Ấn Độ cũng nhập khẩu dầu từ Iran. "Nếu những dòng chảy này bị ảnh hưởng thì các quốc gia sẽ phải sắp xếp lại dòng chảy nhập khẩu", ông cho biết.
Cho đến nay, căng thẳng địa chính trị gia tăng vẫn chưa làm gián đoạn nguồn cung. Hoạt động thượng nguồn (giai đoạn đầu của quá trình sản xuất dầu) ở Iran và Israel vẫn ổn định bất chấp xung đột khu vực sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10/2023.
Báo cáo cho biết, sản lượng dầu của Iran đã tăng 227.000 thùng/ngày lên 3,27 triệu thùng vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng khí đốt của Israel dự kiến sẽ tăng 5% trong năm nay.
Các nhà phân tích cho biết căng thẳng ở Trung Đông sẽ gây ra nhiều rủi ro cho châu Á.
Nobuko Kobayashi, Trưởng nhóm thực hiện chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của EY cho biết, kể từ ngày 7/10/2023, hoạt động vận chuyển thương mại qua Biển Đỏ, đặc biệt là trên các tuyến thương mại Đông-Tây từ Thượng Hải đến Rotterdam đã giảm hơn 70%. Do đó, giá cước vận tải đường biển trên tuyến đường này đã tăng hơn 200%, hiện dao động khoảng 3.400 USD cho một container 40 feet.
Mặc dù vậy, chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu của Cục Dự trữ Liên bang New York vẫn gần mức trung bình dài hạn, cho thấy có một số sự giảm nhẹ so với giai đoạn Covid-19.
"Về lâu dài, có nguy cơ đáng kể về việc giá dầu tăng do các cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của Iran. Điều này có thể dẫn đến chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng trên toàn cầu, có khả năng làm bùng phát lại lạm phát và làm phức tạp thêm các quyết định hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương”, nhà phân tích Kobayashi cho biết.
Theo Antonio Fatas, giáo sư kinh tế tại INSEAD, những rủi ro này đang làm gia tăng bầu không khí bất ổn trên khắp châu Á.
“Cho đến nay, tác động vẫn còn nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn nếu chúng ta xem xét rằng xung đột vẫn tiếp tục leo thang và đạt đến mức độ nguy hiểm. Nhưng người ta có thể hình dung ra những tình huống mà sự leo thang đạt đến điểm chặn các tuyến đường chính để xuất khẩu năng lượng”, ông cho biết.
“Chúng ta vẫn chưa đến đó. Nhưng, chúng ta cần phải thận trọng và sẵn sàng nghĩ đến những kịch bản mà tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều”, ông cho biết thêm.
Các nhà phân tích cho biết, rủi ro giá dầu tăng cao có thể ngăn cản các ngân hàng trung ương giảm lãi suất hiện đang ở mức thấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất quỹ liên bang 50 điểm cơ bản xuống còn 4,75% đến 5% vào tháng 9.
Theo Jamus Lim, phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh ESSEC, lãi suất thấp hơn của Fed cho phép các ngân hàng trung ương khác có nhiều không gian hơn để cắt giảm lãi suất mà trước đó họ không thể làm được.
"Hầu hết các nền kinh tế châu Á đều bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cú sốc đại dịch, phục hồi chậm hơn, nhưng cũng trải qua tỷ lệ lạm phát thấp hơn sau đó. Do đó, nhiều nền kinh tế muốn hạ lãi suất và bị ràng buộc bởi nỗi sợ về sự gia tăng dòng vốn chảy ra, nếu họ hạ lãi suất trước khi Fed hành động", ông cho biết.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ liệu giá dầu có bùng phát theo cùng một cách như trước đây hay không do nhu cầu toàn cầu giảm, lãi suất thấp hơn và nguồn cung năng lượng mở rộng như dầu của Nga có sẵn cho châu Á.
Trung Quốc và Ấn Độ đã nổi lên là những người mua dầu quan trọng của Nga bất chấp các lệnh hạn chế của châu Âu nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Rủi ro lớn nhất từ cuộc xung đột ở Trung Đông là sự gián đoạn đối với các hành lang vận chuyển, "nhưng rủi ro này hiện đã giảm bớt do việc định tuyến lại trong năm qua", giáo sư Jamus Lim cho biết.
Các nhà phân tích khác cho biết không thể loại trừ khả năng giá dầu tăng mạnh nếu tình hình căng thẳng ở Trung Đông leo thang thành một cuộc tấn công trực tiếp vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.
Gnanasekar Thiagarajan, người sáng lập CommTrendz Research cho biết tình huống như vậy sẽ gần như chưa từng có kể từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi giá dầu tăng gấp đôi lên khoảng 46 USD/thùng.
"Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra nữa", ông cho biết.