Chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Mong Bộ trưởng sớm thực hiện lời hứa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, các đại biểu Quốc hội gửi gắm mong muốn Bộ trưởng sẽ sớm hiện thực hoá lời hứa trước đại biểu và cử tri.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: M.Minh PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: M.Minh

Sáng 4/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Các giải pháp đã thẳng thắn, cụ thể, mong Bộ trưởng hiện thực hóa lời hứa

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sau phiên chất vấn buổi sáng, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (ĐBQH đoàn Hải Phòng), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay, trong 4 nhóm vấn đề được chọn để Quốc hội chất vấn lần này, tài nguyên và môi trường là lĩnh vực được chất vấn đầu tiên cho thấy đây là lĩnh vực nóng, được đại biểu Quốc hội và người dân cả nước quan tâm.

Trong phiên chất vấn, đã có hơn một trăm người đăng ký chất vấn, số lượng đại biểu đăng ký tranh luận tương đối lớn, cho thấy nhu cầu rất lớn của đại biểu muốn một câu trả lời thỏa đáng, sát tình hình thực tiễn hơn nữa của Trưởng ngành tài nguyên và môi trường.

Đánh giá về phiên chất vấn của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng phiên chất vấn đã thể hiện tinh thần cởi mở, thẳng thắn, có tương tác hai chiều, điều này rất quan trọng, cần tiếp tục phát huy ở các phiên tiếp theo.

Về câu hỏi chất vấn của các đại biểu, trong đó đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề làm sao để việc khai thác tài nguyên mà không làm suy thoái hệ sinh thái biển, đại biểu Quốc hội Chu Hồi cho hay, tài nguyên môi trường biển, đang bị suy kiệt theo thời gian. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, đặc biệt là do biến đổi khí hậu.

"Thực tế, biển đang tiếp tục bị đầu độc bởi các nguồn ô nhiễm khác nhau, trong đó có rác thải nhựa (70% từ đất liền). Khai thác tài nguyên có tác động rất lớn tới môi trường, trong đó có việc khai thác cát ở những vùng cửa sông", ông Hồi nói.

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề Tài nguyên và Môi trường sáng 4/6

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề Tài nguyên và Môi trường sáng 4/6

Vấn đề cát biển cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Chu Hồi cho hay, khi chúng ta làm các công trình, muối thường tạo ra độ ẩm tại chỗ, ảnh hưởng tới công trình. Trên thế giới, khi sử dụng bùn cát mặn này thì phải có biện pháp khử muối. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn với khối lượng lớn, nếu kiếm soát không tốt, quy trình khử muối không được tuân thủ, các công trình của chúng ta vẫn bị nhiễm mặn như các đại biểu đã phản ánh.

Về phần trả lời của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, theo đại biểu Chu Hồi, đã thể hiện sự nắm chắc nội dung, tương đối bao quát những vấn đề của ngành, bám sát câu hỏi đại biểu của trưởng ngành tài nguyên và môi trường. Cơ bản các câu hỏi đã được lý giải bằng những giải pháp.

"Phần tranh luận của các đại biểu thể hiện mong muốn làm rõ hơn những giải pháp để sau chất vấn có hành động cụ thể hơn, sớm hiện thực hóa được lời hứa của Bộ trưởng. Mong Bộ trưởng lưu ý", đại biểu Hồi nhấn mạnh.

Cơ bản giải đáp được băn khoăn của đại biểu

Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, các vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào 3 nội dung là: An toàn khai thác khoáng sản biển, Đảm bảo môi trường biển và Khai thác khoáng sản. Cả ba nội dung có câu hỏi và câu trả lời rất tập trung.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: M.Minh)

Có những câu hỏi liên quan Bộ, ngành khác, như an ninh nguồn nước có an toàn hồ đập là lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; vận hành các hồ thủy điện là lĩnh vực của Bộ Công thương..., phần trả lời của hai tư lệnh ngành này cũng cơ bản giải đáp được các băn khoăn của đại biểu.

Riêng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá là rất tập trung. Trong đó, nhiều vấn đề nóng đặt ra, một số vấn đề chưa rõ, các đại biểu chất vấn lại để có câu trả lời thoả đáng.

Chia sẻ thêm, ông Huân cho biết, ông đã đưa câu hỏi tranh luận để Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp về dòng chảy. Cụ thể là yêu cầu các hồ thủy điện xả nước để đảm bảo tưới tiêu. Có giải pháp như thế sẽ hài hòa. Bên cạnh đó còn có giải pháp di dời ống hút.

“Cách đây mấy chục năm đặt ống hút gần bờ. Trong quá trình giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào năm 2022, các nhà máy thủy điện như Sơn La sẵn sàng đầu tư 300 – 400 tỷ đồng nếu được phép để hỗ trợ ngành nông nghiệp di dời ống hút ra xa.

Nếu giải pháp được áp dụng thì chưa chắc chúng ta đã xả nước hồ thủy điện trong thời điểm đó. Đồng thời giữ được an toàn về năng lượng”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục