Chắt chiu cơ hội trong giai đoạn thị trường nhiều rủi ro

(ĐTCK) Dự báo được nhiều chuyên gia đưa ra, dù định giá đã về vùng hấp dẫn hơn nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đoán định.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt như Traphaco phù hợp với chiến lược "tích sản" trong giai đoạn này.

Khả năng hồi phục chưa chắc chắn

Áp lực bán áp đảo ngay phiên đầu tuần trước đã khiến VN-Index giảm sâu về gần vùng đáy tháng 5. Hiện chỉ số này đang được hỗ trợ tại vùng 1.162 điểm và ghi nhận có sự hồi phục, nhưng thanh khoản vẫn là vấn đề của thị trường, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Song song đó, sự trỗi dậy luân phiên của nhiều nhóm cổ phiếu, với diễn biến tăng/giảm hết biên độ không thể lý giải, sự phân hóa trong nhóm largecap… cũng khiến cho khả năng phục hồi của thị trường chưa chắc chắn.

Nhiều công ty chứng khoán cho rằng, đà hồi phục của VN-Index sẽ tạm thời chậm lại và cần thêm thời gian thăm dò cung - cầu tại vùng 1.190 điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, chỉ số VN-Index đang ở vùng đáy trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5 và nhiều khả năng vẫn trong xu hướng giảm.

Dù có hai phiên phục hồi trước khi giảm nhẹ vào cuối tuần qua, song nhịp hồi này có thanh khoản rất thấp. Nếu nhịp hồi đi kèm với thanh khoản tăng cao thì có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ quay lại, nhưng lúc này thanh khoản thị trường cạn kiệt.

Nguy cơ thủng mốc 1.155 điểm của chỉ số VN-Index vẫn cao, vùng hỗ trợ cứng kỳ vọng là 1.100 điểm. Vùng này tương ứng với một nửa mức tăng điểm của giai đoạn 2020 - 2021.

Liệu chỉ số VN-Index có thủng mốc 1.000 điểm và về vùng 950 điểm hay không? Giới chuyên gia đồng thuận quan điểm là xác suất rất thấp.

Trong chương trình talkshow “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mốc hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1.130 điểm, dưới nữa là 1.080 điểm, còn kịch bản về 950 điểm thì khó xảy ra. Dĩ nhiên, mọi kịch bản đều có xác suất xảy ra, nhưng về 950 điểm thì phải có tin tức đặc biệt xấu.

Khá tương đồng với góc nhìn này, ông Minh cho rằng, khả năng VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm ít xảy ra, vì tính chu kỳ của thị trường. Nền kinh tế Việt Nam vẫn trong chu kỳ lạm phát thấp (dưới 5%) kéo dài từ năm 2013 tới nay.

Khó sửa sai khi mua sai

Theo ông Minh, xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán trong nước là vẫn tiếp tục đi lên, nhưng hiện tại, với áp lực giảm ngắn và trung hạn thì giá nhiều cổ phiếu đã sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu về dưới mức đáy của tháng 3/2020, thời điểm bắt đầu khủng hoảng Covid.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) chia sẻ, trong quá khứ, có một số giai đoạn, thị trường giảm điểm mạnh liên quan tới các vấn đề về lãi suất, vĩ mô, dòng tiền, định giá.

Điển hình như tháng 3/2020, VN-Index giảm 30% do tâm lý hoảng loạn khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, tuy nhiên sau đó thị trường phục hồi rất nhanh và lên cao.

Yếu tố hỗ trợ lớn nhất là mức lãi suất thấp làm cho chứng khoán và bất động sản trở nên hấp dẫn. Tháng 4/2018, chỉ số giảm 26%, do dòng vốn nước ngoài rút ròng sau đợt mua ào ạt.

Yếu tố bất lợi lúc đó là định giá quá cao, trong khi các yếu tố vĩ mô khá ổn định. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng gây ra một số cản trở cho thị trường, và thị trường hồi phục với tốc độ chậm rãi.

Trước đó, giai đoạn tháng 7/2015, chỉ số VN-Index giảm 20%, do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để kích thích kinh tế, gây sốc với thị trường tài chính toàn cầu, VND mất giá gần 5% và là mức giảm mạnh nhất trong 10 năm trở lại. Tuy nhiên, với chính sách điều hành linh hoạt tỷ giá và vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán trong 2 năm sau đã phục hồi mạnh mẽ.

Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán là năm 2011 khi chỉ số VN-Index giảm 27%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 13 năm. Lạm phát cao, lãi suất 17%/năm và nội lực doanh nghiệp yếu là nguyên nhân khiến chỉ số chung mất điểm mạnh.

Còn hiện nay, theo bà Phương, nền tảng vĩ mô vững chắc và ổn định hơn nhiều so với 2011, mặt bằng lãi suất và lạm phát đang ở mức thấp hơn rất nhiều, nhưng còn khá nhiều lo ngại về khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát toàn cầu chưa dừng lại, sự tăng trưởng chậm lại của các doanh nghiệp dưới tác động của giá hàng hóa leo thang.

Bà Phương cho rằng, các tháng còn lại của năm 2022 sẽ là thử thách khá lớn cho thị trường chứng khoán, nhưng với định giá hấp dẫn, thị trường sẽ phục hồi, chậm rãi, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Bối cảnh thị trường như vậy sẽ không lý tưởng cho nhà đầu tư theo phương pháp “lướt sóng” và thiếu phân tích thấu đáo về tình hình nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên sẽ là cơ hội cho quỹ mua vào những cổ phiếu trong tầm ngắm.

Nói về câu chuyện định giá thị trường, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ, nếu chỉ số VN-Index về mốc 1.100 điểm thì P/E của thị trường ở mức 11 lần, hoặc hơn một chút, định giá thị trường đang rất thấp.

Kể từ năm 2013 đến nay, chúng ta có 2 giai đoạn P/E của thị trường xuống dưới mức 12 lần là năm 2016 và 2020. Thông thường, khi P/E xuống dưới mức 12 lần, thị trường sẽ tạo đáy và đi lên mạnh mẽ trong năm kế tiếp.

Nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt, kết quả kinh doanh dự báo tăng trưởng ở các quý tiếp theo và cho cả năm 2023.

Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt

Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt có chung góc nhìn. Theo đó, lạm phát sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, trở thành lực cản chính cho thị trường chứng khoán.

Bởi vậy, các nhịp hồi phục là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy, dành sức mua ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường sau đó.

Đặc biệt, bà Thủy Tiên cho rằng, chỉ nên nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt, kết quả kinh doanh dự báo tăng trưởng ở các quý tiếp theo và cho cả năm 2023.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Thế Hiển lấy ví dụ trong ngành dược, có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, các nhu cầu về y tế ngày càng gia tăng xuất phát từ gia tăng thu nhập, qua giai đoạn dân số vàng nên người dân quan tâm đến sức khỏe. Tuy nhiên, để tìm kiếm được một doanh nghiệp tốt để đầu tư, nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ. Với những doanh nghiệp tốt trên sàn, hiện tại họ đều có cổ đông chiến lược nắm giữ số lượng lớn, nên nhà đầu tư khó có thể mua với số lượng lớn.

Trả lời câu hỏi của độc giả đang nắm giữ cổ phiếu Traphaco về việc nếu quỹ nước ngoài mua tới 150.000 đồng/cổ phiếu này từ vài năm trước, thì nay, nhà đầu tư có thể đầu tư cổ phiếu TRA lâu dài được không khi doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt, bà Nguyễn Hoài Phương cho biết “Nếu như có tầm nhìn dài hạn như vậy, với Traphaco có yếu tố cơ bản rất tốt, nhà đầu tư sẽ đạt mức tăng trưởng tốt. Tôi rất thích những doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn và bền vững”.

Tựu trung lại, trong diễn biến thị trường hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng, việc chọn lọc cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững mạnh và triển vọng tăng trưởng là tối quan trọng, quyết định thành bại của danh mục. Bởi năm 2022 được nhận định không dễ kiếm tiền như năm 2021, và “khó sửa sai khi mua sai”. Song song đó, nhà đầu tư để dành sức mua, thay vì “mua đến đồng tiền cuối cùng”, chắt chiu từng cơ hội trên thị trường.

Bà Phương cũng cho biết, VinaCapital đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay của các doanh nghiệp so với mức 25% đưa ra hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền thấp ở quý III/2021 do giãn cách xã hội. Theo đó, quý III/2022 dự báo có tăng trưởng so với cùng kỳ, dù có chậm hơn quý II/2022. Các nhóm dự báo có mức tăng trưởng tốt trong quý này là dầu khí, bán lẻ, hàng không.

Khối ngân hàng có thể nhận được room tín dụng mới và giải ngân cho khách hàng hiện đang có nhu cầu vay lớn, trong khi yếu tố nợ xấu liên quan đến đại dịch Covid-19 không còn là nỗi lo lắng. Khối bất động sản vẫn có thể ghi nhận lợi nhuận cao, từ các nguồn dự án đã bán trước đó nếu bàn giao kịp trong năm

Tuy nhiên, theo bà Phương, năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều do các áp lực từ vĩ mô nêu trên và trên một nền lợi nhuận cao hơn của năm 2022. Một số nhóm công ty mang tính chu kỳ được hưởng lợi giá hàng hóa tăng mạnh trong 2022 cũng có mức tăng trưởng chậm lại/hoặc giảm.

Đặc biệt, nếu kinh tế thế giới đi vào suy thoái như dự báo của một số chuyên gia, thì sự ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam là không tránh khỏi.

Phan Hằng – Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục