Khủng hoảng địa chính trị Nga - Ukraine làm tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu thêm trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò là thị trường cung ứng.
Tại buổi toạ đàm của quỹ đầu tư Hubbis về cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam, các diễn giả đã nhận định Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ và ngày càng có vị trí trong danh mục đầu tư đối với các tổ chức quản lý tài sản hàng đầu cũng như những nhà đầu tư cá nhân.
Lý do là bởi, Việt Nam có dân số trẻ, được đào tạo bài bản, chăm chỉ và chịu khó trong công việc. Với chi phí nhân công thấp, cơ sở hạ tầng được cải thiện và chính sách phát triển linh hoạt, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành công xưởng mới của thế giới với các mặt hàng từ nội thất, giày dép đến đồ gia dụng và điện thoại di động.
Lực lượng lao động này đang tạo ra sức hút với số lượng ngày càng đông các công ty toàn cầu chuyển đến Việt Nam trong những năm gần đây và thu hút được lượng lớn vốn FDI.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, song Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Sự dịch chuyển này là do các doanh nghiệp quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất ngoài lãnh thổ Trung Quốc, vì hiện nay nước này vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt, gây nên sự đình trệ sản xuất và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong năm 2021, số doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam đạt tỷ lệ 47,7%, tăng đáng kể so với năm 2020 khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital, đa số nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây, nhưng nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận đây là cơ hội tốt cho đầu tư dài hạn. Tính từ đầu năm đến ngày 30/5/2022, khối ngoại đã bán ròng khoảng 150 triệu USD, nhưng nếu tính từ đầu tháng 4 - thời điểm thị trường bắt đầu giảm cho đến nay thì khối ngoại đã mua ròng khoảng 150 triệu USD.
Theo bà Thu, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá thấp. Tính đến ngày 30/5/2022, VN-Index đang ở vùng định giá P/E dự phóng khoảng 11 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm lịch sử. Đây là điều ít khi xảy ra trong lịch sử.
“VinaCapital sẽ không ngạc nhiên nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, như những gì đã diễn ra từ đầu tháng 4 tới giờ”, bà Thu nói.
Yếu tố hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ việc kinh tế đã và đang tăng trưởng cao, ổn định. Năm 2022, các chuyên gia kinh tế dự báo, GDP sẽ tăng trưởng 6,5% và tiếp tục tăng tốt trong nhiều năm tới.
Sự phát triển kinh tế diễn ra trong bối cảnh lãi suất ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân vãng lai dương và dự trữ ngoại hối được duy trì trên mức IMF khuyến nghị.
Ngoài ra, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng trưởng 15 - 20% trong những năm tới. Trong giai đoạn dịch bệnh, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vốn đã hấp dẫn so với khu vực và thị trường cùng khối cận biên.
Bà Thu chia sẻ, trong dài hạn, tiêu dùng nội địa sẽ đóng vai trò tăng trưởng chủ đạo trong phát triển kinh tế ở Việt Nam và VinaCapital ưu tiên những ngành nghề hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng cao, đến từ các động lực chính như quá trình đô thị hóa, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và nhân khẩu học thuận lợi. Các ngành này có thể rất đa dạng, từ ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, đến công nghệ thông tin…
Trong trung hạn, bà Thu cho biết, Quỹ cũng ưa thích các ngành liên quan đến phát triển hạ tầng ở Việt Nam như khu công nghiệp, cảng biển, logistics, giao thông và năng lượng; trong đó, năng lượng sạch là một ngành tiềm năng và đang được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thúc đẩy.