Chào UPCoM với giá 28.500 đồng/CP, VMG là ai?

(ĐTCK) Hôm qua (18/8), CTCP Truyền thông VMG đã chính thức đưa 20,3 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM, với mã chứng khoán ABC, giá tham chiếu 28.500 đồng/CP. Đây là mức giá chào sàn khá cao trên sàn này kể từ đầu năm tới nay, chỉ đứng sau cổ phiếu VGG của May Việt Tiến.
Chào UPCoM với giá 28.500 đồng/CP, VMG là ai?

Bản cáo bạch chào sàn UPCoM của VMG cho thấy, tiền thân của doanh nghiệp là CTCP Truyền thông Vietnamnet, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/2/2006. VMG hoạt động trong ngành công nghệ nội dung số tại Việt Nam như kinh doanh dịch vụ SMS cho điện thoại di dộng, game online, truyền hình trực tuyến, nhạc số, quảng cáo, thương mại điện tử… Các sản phẩm của VMG được biết đến nhiều nhất là các trang thông tin xzone.vn, Thể thao số, Yêu nhạc chờ và trang thương mại điện tử Lingo.vn (mới đây đã bất ngờ đóng cửa).

Vốn điều lệ ban đầu của VMG là 26 tỷ đồng và sau 3 đợt tăng vốn hiện được nâng lên 204 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang là cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ nắm giữ 28,3%. Tại thời điểm  16/3/2016, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VMG là 48,9%, trong đó có 2 cổ đông tổ chức là NTT Docomo (Nhật Bản) nắm 24,52% và Yellow Star Investment 6 (trụ sở tại Singapore) nắm 22,07%.

VMG hiện có 2 công ty con là CTCP Thanh toán điện tử VNPT (vốn điều lệ 80 tỷ đồng, VMG sở hữu 62,25%) và CTCP Công nghệ OCG (vốn điều lệ 100 tỷ đồng, VMG sở hữu 50,5%). Ngoài ra, VMG có 2 công ty liên kết là CTCP Truyền thông VNNPlus (vốn điều lệ 20 tỷ đồng, VMG nắm 25,5% vốn) và CTCP Thương mại điện tử Lingo (vốn điều lệ gần 152 tỷ đồng, VMG nắm 25,09% vốn). 

Kể từ năm 2012, sau tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên gần 204 tỷ đồng, doanh thu của VMG tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, lợi nhuận lại sụt giảm đáng kể. Năm 2012, VMG đạt doanh thu 1.570 tỷ đồng và lãi hợp nhất sau thuế 139 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 6.838 đồng. Các năm tiếp theo, doanh thu VMG đạt lần lượt 2.664 tỷ đồng (2013), 2.361 tỷ đồng (năm 2014) và 4.103 tỷ đồng (năm 2015), trong khi đó lợi nhuận tương ứng chỉ còn 101, 60 và 81 tỷ đồng. 

Trong 2 năm 2016 và 2017, VMG dự kiến doanh thu sẽ về lại mức trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm và lợi nhuận tương ứng đạt khoảng hơn 70 tỷ đồng. Riêng kế hoạch năm 2016 với doanh thu 2,191 tỷ đồng và lợi nhuận 72,3 tỷ đồng đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 thông qua. Nửa đầu năm nay, VMG đạt doanh thu thuần 3.344 tỷ đồng, hoàn thành vượt 52,6% kế hoạch cả năm, tăng trưởng 92,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần số lãi cùng kỳ.

Mặc dù hoạt động kinh doanh có nhiều biến động, song VMG luôn duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt khá cao, tối thiểu 25% trong những năm gần đây. Năm 2015, VMG còn trả cổ tức lên tới 40%. Năm 2016 và 2017, VMG dự kiến mức cổ tức vẫn là 25% mỗi năm.

Ngoài xu hướng “lên ngôi” của ngành nội dung số trong bối cảnh bùng nổ của Internet và lượng người dùng smart phone, thời gian tới, VMG được đánh giá  sẽ hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế  khi Nghị quyết 41 về các giải pháp nới lỏng thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành công nghệ thông tin vừa được ban hành vào tháng 5/2016.

Theo đó, việc triển khai giữa các bộ, ngành liên quan sẽ được hoàn thiện trong năm 2016. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BSC) đánh giá, mặc dù còn chờ thời gian triển khai nhưng đây được coi là tín hiệu tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghệ. Trong dài hạn, chính sách sẽ có tác động sâu rộng do phạm vi bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin.

Trong phiên chào sàn UPCoM, cổ phiếu VMG đã tăng gần hết biên độ (39,3%) lên mức 39.700 đồng/CP, với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25.400 đơn vị.       

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục