Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (Dự thảo). Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, quy định về tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội còn có ý kiến khác nhau.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo phải tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập. Một số ý kiến đề nghị không tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát.
Theo Thường trực Uỷ ban Tư pháp, nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên.
Như, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá ½ thời hạn đối với người trưởng thành. Người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết án liên quan đến người chưa thành niên. Quy định cụ thể về việc giữ bí mật thông tin cá nhân của người chưa thành niên trong toàn bộ quá trình tố tụng và thi hành án. Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên. Ngoài ra, còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với người chưa thành niên.
Bà Nga cho biết, quá trình chỉnh lý, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các chính sách mới của dự thảo Luật, đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC) đều thống nhất với dự thảo Luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng.
Tuy nhiên, thảo luận trong Thường trực Uỷ ban Tư pháp thì có 2 loại ý kiến đối với vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án. Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo Luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật tố tụng hình sự.
Phương án này cũng loại trừ những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên (nếu không tách riêng vụ án để giải quyết) đúng như ý kiến của đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý đã nêu ở trên.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật tố tụng hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.
Làm rõ thêm vấn đề trên, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng chỉ có một phương án là tách. “Nếu để chung vào một vụ án thì luật này không có nghĩa. Vì chúng ta đặt ra nhiều chính sách ưu đãi với các cháu, không chỉ hình phạt chỉ còn một nửa mà vụ án phải do các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo, có hiểu biết về tâm lý các cháu, được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên tiến hành. Phải để người hiểu rõ tâm lý các cháu hỏi cung để động viên các cháu” – ông Bình nói.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề bảo mật, Chánh án nói, nếu để vào vụ án chung thì phải xét xử công khai, không được xét xử kín, bản án phải được công khai, như vậy tất cả hành vi sai lầm của các cháu đều bị công khai hết cả. “Đây là điều mặc cảm, ảnh hưởng đến con đường hoàn lương còn lại rất dài của các cháu, các cháu sẽ luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ phạm tội”- ông Bình nêu lý do vì sao phải “giữ bí mật”.
Về thời hạn của các vụ án, Luật hiện hành cũng như Dự thảo phân làm 2 độ tuổi: 14-16 và 16-18, hai độ tuổi đó có chính sách khác nhau.
Nếu không tách án thì không có quy trình điều tra cho cá nhân mà phải phải tuân theo thời hạn điều tra vụ án, mà với vụ án thì căn cứ vào tính chất nghiêm trọng nhất của vụ án. Với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các cháu phải trải qua thời hạn điều tra rất dài.
Chẳng hạn, trong vụ án đánh bạc, các cháu chỉ ngồi giữ tiền, đếm tiền, cảnh báo khi có công an hay người lạ vào. Nhưng khi công an xuất hiện, xảy ra đánh nhau dẫn đến sứt đầu, mẻ trán, thậm chí có người chết thì từ vụ án đánh bạc các cháu tham gia với vai trò không đáng kể phải theo vụ án của tội giết người, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử có thể tới 30 tháng.
“30 tháng có nghĩa là các cháu khi ở độ tuổi 15 được hưởng chính sách của độ tuổi 14-16 thì đến chừng đưa ra xét xử là 18 tuổi, như vậy không thể áp dụng các chính sách này được”, ông Bình nêu ví dụ.
“Thời hạn điều tra với các vụ án thông thường khắc nghiệt như vậy, các cháu không được giải quyết vụ án ngay để được hưởng chính sách ở độ tuổi của các cháu. Không tách án thì tất cả các nguyên tắc tiến bộ ở đây đều không đáp ứng được”, Chánh án nói thêm.
Ông Bình cũng nhắc lại, quá trình thảo luận có 56 ý kiến đại biểu đồng ý việc tách án, 7 ý kiến không đồng ý.
Tại thông báo hồi tháng 4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này cũng đồng ý tách án.
“Chúng tôi tuân thủ điều này. Luật của nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy. Khi chúng tôi làm luật này, chúng tôi tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế, họ nói không tách án không được”, ông Bình cho hay.