Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ môi trường Lê Quang Huy cho biết, do còn ý kiến khác nhau, dự thảo thiết kế hai phương án về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (điều 16).
Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch.
Phương án 2: Dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (điều 15) cũng để hai phương án.
Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội).
Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý phải làm rõ căn cứ của các phương án để đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, đưa ra Quốc hội biểu quyết.
Đối với nội dung trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản. Theo luật hiện hành là Bộ Xây dựng rồi Bộ Công thương, nếu thay đổi tập trung một đầu mối là Bộ Tài nguyên và môi trường, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc. Vì việc đánh giá tác động chính sách là yêu cầu bắt buộc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý một số nơi xảy ra vụ án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến địa chất, khoáng sản. Điều đó cho thấy rằng việc cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Do đó cần phân biệt rõ từ quy hoạch, thăm dò, khai thác.
Nhấn mạnh việc đánh giá tác động của chính sách, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
“Xem có nhóm lợi ích nào trong dự thảo luật này không. Trong xây dựng pháp luật phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc. Cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong soạn thảo và thẩm tra”, Chủ tịch Quốc hội ông Trần Thanh Mẫn nói.
Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, với quy định về quy hoạch khoáng sản và những nội dung còn 2 phương án thì chưa nên đóng khung ngay mà cần phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án để thảo luận thêm.
Về khai thác khoáng sản nhóm 4, ông Định đề nghị làm sâu sắc thêm quy định cấp phép, thăm dò và khai thác, nên tách thăm dò và khai thác vì hai nội dung này khác nhau.
Thực tế đơn giản hóa thủ tục hành chính là tốt, vừa rồi góp phần giải tỏa tìm nguồn vật liệu san lấp cho các công trình quan trọng quốc gia, nhưng không cẩn thận lại lạm dụng, lợi dụng, dùng cho công trình của quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều, rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường, ông Định lo ngại.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội thì cần phân loại giữa thăm dò và khai thác, trong đó khai thác phải chặt chẽ hơn, yêu cầu phải theo quy hoạch và có thời hạn, phù hợp quy mô của mỏ khai thác đã thăm dò.
“Trước đây tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo anh ơi mỏ này cấp phép 2 năm nhưng tôi bảo không, chỉ cấp phép 6 tháng. Mỏ bé tí, khai thác cát 2 năm thì các ông đào cả dòng sông à? Phải theo quy hoạch và trữ lượng, thậm chí chỉ được cấp một tháng thôi”, ông Định nói.
Nhấn mạnh cần kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng, ông Định cho hay “khi làm lãnh đạo tỉnh, tôi bảo ông đào ở đâu thì đào, ở tỉnh tôi phải làm cho công trình quốc gia chứ đào bán ra ngoài tôi không đồng ý”.