Chặn nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán

Để bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), dự án Luật Các TCTD đưa ra 8 hạn chế không được cấp tín dụng, trong đó có quy định, TCTD không được cấp tín dụng cho DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát; không được cấp tín dụng trên cơ sở cầm cố cổ phiếu của chính TCTD hoặc công ty con của TCTD; không được cho vay để góp vốn vào một TCTD khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD được góp vốn và NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Hoạt động ngân hàng phát sinh nhiều nghiệp vụ mới phức tạp trong giao dịch vốn, công cụ phái sinh. Hoạt động ngân hàng phát sinh nhiều nghiệp vụ mới phức tạp trong giao dịch vốn, công cụ phái sinh.

Giải thích về việc đưa ra các điều cấm nêu trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình cho rằng, TCTD không chỉ là người cho vay, mà còn là người đi vay của dân chúng nên cần phải hạn chế việc cho vay vào những lĩnh vực dễ gặp rủi ro, thường xuyên biến động mạnh như chứng khoán, bất động sản, một số công cụ phái sinh, để bảo vệ an toàn cho TCTD, cho hệ thống ngân hàng và xa hơn là bảo vệ sự an toàn cho nền kinh tế, đặc biệt là người gửi tiền tiết kiệm.

Vài năm trước, các ngân hàng đua nhau cho vay đầu tư chứng khoán với lập luận rằng, khoản cho vay này có hệ số an toàn rất cao và đây là hoạt động cho vay bình thường, các ngân hàng trên thế giới đều thực hiện. Nhưng thực tế đã đi ngược với dự đoán, nếu NHNN không có biện pháp can thiệp kịp thời (khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán trên tổng dư nợ) thì không biết chuyện gì đã xảy ra”, ông Bình phát biểu và nói thêm, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã cho thấy, nhiều sản phẩm mà các TCTD đã và đang cung cấp vượt quá tầm kiểm soát của TCTD, vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mặc dù đồng tình với quan điểm hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nghiệp vụ tín dụng truyền thống là hoạt động nhạy cảm, tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, tuy nhiên nhiều NHTM không ủng hộ những quy định này.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Pháp chế NHTM cổ phần Bảo Việt, việc phân biệt các loại cổ phiếu được cầm cố là không hợp lý, vì trên thực tế, mặc dù TTCK rơi vào giai đoạn suy thoái nhất thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là cổ phiếu an toàn nhất. “Nếu Luật Các TCTD vẫn xây dựng theo hướng ‘không quản lý được thì cấm’ thì cần phải cấm TCTD cầm cố tất cả các loại cổ phiếu mới công bằng”, ông Đức nói.

Luật sư Đức cũng khá lo ngại về quy định “TCTD không được phép tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác được quy định cụ thể trong giấy phép của NHNN”. “Nếu quy định như vậy thì một TCTD nào đó tham gia mua trái phiếu chính phủ, bất cứ lúc nào thanh tra NHNN hoặc thanh tra UBCK cũng có thể phạt vi phạm hành chính, vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng có thể bị coi là… đầu tư bất hợp pháp”, ông Đức lo lắng nói.

Với dự án Luật Các TCTD mới nhất (đã được chỉnh sửa, bổ sung lần thứ 8), bà Lại Thị Mây (Trưởng phòng Pháp chế NHTM cổ phần Hàng hải) bày tỏ lo ngại sẽ có nhiều NHTM bị phạt hành chính mà không biết vi phạm điều nào trong Luật. “Luật Các TCTD cho phép NHTM được bảo lãnh phát hành chứng khoán; tự doanh chứng khoán, bao gồm cả mua - bán cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; môi giới chứng khoán… thông qua công ty con, công ty liên kết, nhưng nếu không có quy định chặt chẽ, TCTD sẽ bị phạt bất cứ lúc nào”, bà Mây nhận định và cho biết một thực tế là NHTM cổ phần Hàng hải đã từng đầu tư vào trái phiếu DN và có cam kết bán lại trong thời gian nhất định số trái phiếu này. Thế nhưng khi thanh tra, NHNN cho rằng, đây là khoản đầu tư dài hạn và yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro.

Chúng tôi không biết quy định này nằm ở văn bản quy phạm pháp luật nào, khi hỏi lại, NHNN đưa ra một công văn hướng dẫn không phải là văn bản quy phạm pháp luật và trên thực tế, cũng không có TCTD nào nhận được công văn này”, bà Mây chia sẻ.

Theo dự án Luật Các TCTD, chỉ sau khi được NHNN chấp thuận, NHTM mới được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, vàng; các công cụ phái sinh về tỷ giá, lãi suất, tiền tệ, tài sản tài chính khác; giấy tờ có giá có thể chuyển nhượng. Theo đại diện nhiều NHTM, quy định này vẫn không hạn chế được tình trạng xin - cho trong việc cấp giấy phép con, nhưng lại hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD.

Hoạt động ngân hàng ngày càng phát sinh nhiều nghiệp vụ mới hết sức phức tạp trong giao dịch vốn, công cụ phái sinh, nếu chỉ quy định chung chung như dự án Luật sẽ dẫn đến tình trạng do không nắm hết được các công cụ phái sinh nên không quản lý được và theo lẽ thông thường là NHNN sẽ cấm không cho TCTD thực hiện”, đại diện một NHTM cổ phần cho biết.

Luật Các TCTD theo cách nói hình tượng của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, là “luật bão táp”. Bão táp ở đây, theo cách lý giải của bà Hương là luật này được xây dựng đúng vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á nổ ra (năm 1997) và khi bắt tay vào sửa đổi (năm 2008 - 2009) thì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ sự khủng hoảng của thị trường tài chính - tiền tệ chưa biết khi nào mới chấm dứt. Cũng do thời điểm xây dựng Luật rơi vào thời kỳ khủng hoảng nên Luật Các TCTD đưa ra nhiều quy định khá ngặt nghèo. Chính điều này khiến cho đại diện của các NHTM, người đã từng tham gia xây dựng Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn khá lo lắng cho NHNN sau này phải xây dựng các văn bản hướng dẫn. “Luật Các TCTD hiện hành có nhiều quy định quá chặt chẽ, cứng nhắc, hạn chế sự tự chủ hoạt động của TCTD, mặc dù biết không phù hợp với thực tế nhưng khi xây dựng các văn bản hướng dẫn, chúng tôi không biết phải hướng dẫn thế nào cho phù hợp”, bà Hương nhấn mạnh.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ