Độc chiêu “mỡ nó rán nó”
Sở Công thương TP.HCM vừa thông báo sẽ lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp không phép trên địa bàn Thành phố nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, chấn chỉnh và xử lý theo quy định.
Cụ thể, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, Sở có tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh cùng nội dung về hành vi kinh doanh đa cấp của hàng loạt doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu quốc tế Đại Hưng (phường Thới An, quận 12), Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu Kelsey One (phường Hiệp Thành, quận 12), Công ty TNHH Caster City Việt Nam (phường Hiệp Thành, quận 12), hộ kinh doanh Đại Thành Group (phường Thới An, quận 12), hộ kinh doanh Liên kết phát triển Vươn Cao (phường 12, quận Tân Bình) và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh, tổ chức trên.
Trong đó, Công ty Kelsey One và Công ty Caster City Việt Nam đăng ký cùng 1 địa điểm hoạt động và cùng do ông H.N.Thạch làm người đại diện pháp luật. 2 công ty này có liên kết với nhiều hộ kinh doanh cá thể, đại lý tuyển dụng, đào tạo cho khách mua - bán các sản phẩm chủ yếu do Công ty Đại Hưng sản xuất.
Các hộ kinh doanh, đại lý trên đăng thông tin có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng, thu ngân, kế toán thông qua nhiều trang web, nhưng người xin việc vào làm không được ký hợp đồng lao động, không được làm đúng các vị trí công việc như nhu cầu đăng tuyển, mà được yêu cầu mua các sản phẩm của Công ty Đại Hưng, sau đó tiếp tục đăng tin tuyển dụng nhằm lôi kéo người khác tham gia mua hàng để được hưởng tiền thưởng và hoa hồng bán hàng.
Các tổ chức, cá nhân này bán một mã hàng trị giá 15 triệu đồng, giảm 15% còn 12,75 triệu đồng, chỉ giao phiếu xuất kho, không giao hóa đơn bán hàng và yêu cầu khách ký vào đơn gửi hàng hóa được soạn sẵn.
Sau khi mua đơn hàng đầu tiên và làm việc được 10 ngày, khách hàng được quản lý mời lên phòng Giám đốc chi nhánh để chia “gói đầu tư”, gồm: gói chuyên nghiệp 75 triệu đồng, giảm 15% còn 63,750 triệu đồng (trừ 12,75 triệu đồng đã tham gia ban đầu, còn lại 51 triệu đồng); gói doanh nghiệp 120 triệu đồng, chiết khấu 15% còn 102 triệu đồng; và gói 165 triệu đồng, chiết khấu 15% còn 140,25 triệu đồng. Khi giới thiệu được một khách hàng cấp dưới, khách hàng sẽ được chi trả 600.000 đồng tiền hoa hồng giới thiệu trực tiếp, tiền này chỉ được chi trả một lần.
Người mới tham gia là chuyên viên kinh doanh (đại lý cấp 1); khi bán được 10 đơn hàng sẽ hưởng 5 triệu đồng và là quản lý 1; bán được 30 đơn hàng sẽ hưởng 16 triệu đồng và là quản lý 2; bán được 60 đơn hàng sẽ hưởng 24 triệu đồng và là quản lý 3; bán được 90 đơn hàng sẽ hưởng 62 triệu đồng và là phó phòng kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn có chính sách thưởng lãnh đạo theo cơ cấu doanh số, thưởng phần trăm. Các khoản thưởng, hoa hồng được chuyển về xu trong tài khoản của đại lý, người tham gia (1 xu = 100.000 đồng).
Từ các hình thức hoạt động trên, theo Sở Công thương TP.HCM, các công ty, hộ kinh doanh, đại lý nêu trên hoạt động theo hình thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và hoạt động theo mô hình lấy tiền của chính người tham gia để trả cho người đó. Nếu không tìm được người là tuyến dưới mà muốn lên bậc quản lý để được lĩnh hoa hồng và tiền thưởng, thì người tham gia phải bỏ tiền ra mua nhiều mã hàng với chính tên mình làm tuyến dưới. Như vậy, tiền thưởng và hoa hồng trong trường hợp này là tiền của chính người tham gia.
Dối mẹ, gạt cha chỉ vì đa cấp
Thời gian gần đây, nhất là sau khi Covid-19 bùng phát, tình trạng rủ rê người thất nghiệp và sinh viên tham gia hoạt động đa cấp gia tăng, gây bất ổn lớn cho xã hội.
Điển hình nhất là vụ “Team khởi nghiệp 360” bùng lên hồi đầu năm và tới tháng 7/2020, Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Theo đó, 1 công ty đa cấp với vỏ bọc công ty khởi nghiệp đã dụ dỗ sinh viên tham gia làm hội viên “Team khởi nghiệp 360”. Hội viên khi gia nhập bị dẫn dụ mua các gói “doanh nhân” từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Đáng nói là, sinh viên ồ ạt tham gia nhóm này, đến mức, tháng 7/2020, đại diện Trường đại học Nông lâm TP.HCM phải viết thư cảnh báo với nội dung, nhà trường nhận được thông tin từ nhiều phụ huynh, phản ánh tình trạng sinh viên đột ngột nghỉ học, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình; trước khi mất liên lạc, những sinh viên này đều mượn một số tiền khá lớn của cha mẹ hoặc người thân. Qua tìm hiểu, nhà trường nắm được, những sinh viên này đã bị mời gọi tham gia các hoạt động mang danh nghĩa “kinh doanh, khởi nghiệp”, nhưng thực chất là đa cấp lừa đảo núp dưới mác “Team khởi nghiệp 360”.
Bước đầu, các đối tượng này mời gọi sinh viên tham gia các câu lạc bộ “khởi nghiệp”, tổ chức hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm… Trong quá trình giao tiếp, các đối tượng trên tỏ ra quan tâm đến tâm tư, tình cảm, đời sống của sinh viên để tạo sự tin tưởng, rồi vẽ ra bức tranh kiếm tiền dễ dàng để dụ dỗ sinh viên tham gia.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.
Muốn trở thành thành viên cấp đồng, bạc, vàng hay kim cương, sinh viên cần bỏ ra 80 - 800 triệu đồng để mua sản phẩm; hoa hồng, phần thưởng được hưởng tương ứng cũng cao hơn. Các đối tượng này hướng dẫn sinh viên cách mượn tiền bạn bè, người thân để tham gia, thậm chí còn hướng dẫn các em về lừa cha mẹ làm hồ sơ đi du học, cần tiền trong tài khoản để chứng minh thu nhập.
Các bậc phụ huynh thấy tiền được chuyển vào tài khoản của con mình, nên không nghi ngờ. Nhưng ngay sau đó, các đối tượng yêu cầu sinh viên rút hết số tiền để mua các sản phẩm, hầu hết đều có chất lượng kém, không thể bán trên thị trường. Sau khi rút hết tiền để mua sản phẩm, phần lo sợ cha mẹ phát hiện, phần nghe lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, sinh viên bỏ học, cắt đứt liên lạc với gia đình, bạn bè, nhà trường.
Theo điều tra ban đầu của Công an TP.HCM, “Team khởi nghiệp 360” có 10 chi nhánh ở khắp các quận, huyện tại TP.HCM. Mỗi chi nhánh có 80 - 100 sinh viên tham gia sinh hoạt, tổng cộng “Team” có gần 1.000 sinh viên tham gia.
Hiện Công an TP.HCM đã xác định được 4 dấu hiệu vi phạm của “Team khởi nghiệp 360” gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan nhà nước; trốn thuế; kinh doanh đa cấp trái phép. Công an TP.HCM cũng điều tra thêm dấu hiệu môi giới xuất cảnh trái phép của nhóm này.
Đa cấp quốc tế “vươn vòi bạch tuộc” vào Việt Nam
Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã cảnh báo về việc xuất hiện các trang từ nước ngoài như Onelinknetwork.com, ChiliMall.net, Crowd1.com, Tcapital.org, Winvest.io… đang mời gọi người Việt Nam tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.
Onelinknetwork.com - được giới thiệu là một công ty đầu tư tài chính trực tuyến được thành lập ở Dubai và 2 chi nhánh đặt tại Singapore, Macao - kêu gọi mọi người tham gia bằng cách đăng ký mua đồng tiền số của dự án mang tên OneLink Coin (OLX). Đồng OLX có giá khởi điểm 0,4 USD và lộ trình tăng giá được vẽ ra có thể đạt đến 10 USD, thậm chí lên đến 20 USD trong khoảng 4 năm.
Người tham gia gói 500 OLX (tương đương 200 USD) sẽ nhận được hoa hồng trực tiếp 10%. Sau đó, nếu tiếp tục giới thiệu người tham gia (các tuyến dưới, từ F2 đến F8) sẽ nhận được hoa hồng 5% cho mỗi người tham gia. Một người có thể nhận được tổng cộng 45% hoa hồng khi tuyến dưới đầu tư, bao gồm 10% từ F1 và 35% từ F2 - F8…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, nếu tham gia trang nói trên, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản trên website. Người đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định của Việt Nam, nên sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống, hoặc khi chủ dự án, người giới thiệu cố ý thoái thác trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, mô hình trên thực chất là hoạt động huy động vốn, trả thưởng theo phương thức đa cấp và rủi ro luôn rơi vào người tham gia. Đơn cử, hệ thống Winsbank trên mạng đã được Bộ Công an cảnh báo từ hồi tháng 7/2020. Theo đó, bản chất của Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, mà chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.