Mạng xã hội đa cấp Vitae: Mua gói like, thu nhập “khủng” và cái bẫy được giăng sẵn

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp cảnh báo, hàng ngàn người vẫn ngày đêm ra sức kêu gọi cộng đồng tham gia mạng xã hội mới Vitae với quảng cáo thu nhập lên tới 28.000 USD (650 triệu đồng)/tháng.

Quảng cáo thu nhập khủng

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo… xuất hiện hàng loạt lời mời gọi tham gia mạng xã hội mới có tên là Vitae.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Trần Văn Kiên, 20 tuổi, tự xưng là sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ Hà Nội, kiêm chuyên gia tài chính về kiếm tiền online cho hay, Vitea là mạng xã hội giống như Facebook, Witter, Instagram… Tuy nhiên, khác với các mạng xã hội khác (toàn bộ nguồn tiền thu được từ quảng cáo đều mang về cho các ông chủ), Vitae là mạng xã hội phân quyền, 90% lợi nhuận được chia sẻ cho người tham gia, công ty chỉ lấy 10% thu nhập từ quảng cáo. Trong tương lai, người tham gia mạng xã hội này chỉ cần like, share… là tiền về ào ạt.

“Hiện Vitae đang ở giai đoạn chạy thử (beta) nên chưa có thu nhập từ quảng cáo. Tuy nhiên, người tham gia vẫn có thể thu về hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn USD nhờ mua các gói like, thông qua ma trận 5x5, 3x8 và 2x10. Trong zoom của em, nhiều anh chị “đại sứ” có thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng”, Kiên cho biết.

Giải thích của Kiên khá dài dòng, hiểu một cách đơn giản, với ma trận 5x5, người tham gia muốn có thu nhập thì phải đóng tiền mua các gói like. Mỗi gói like giá khoảng 140.000 đồng/gói, bao gồm 150 like, đồng thời tương ứng với 1 vị trí đứng đầu trong “cây” ma trận 5 tầng, mỗi tầng liền sau phải phát triển được số người gấp 5 lần tầng liền trước.

Khi cây 5 tầng này tràn đầy - tức đủ 3.906 người tham gia, người đứng đầu ma trận này sẽ được hưởng hoa hồng 344,1 USD, các thành viên từ tầng 1 đến tầng 4 cũng được hưởng hoa hồng từ 0,09 đến 0,12 USD/người. Nếu các thành viên bên dưới phát triển được đầy đủ một cây ma trận thì người đứng đầu được nhận thêm 101 USD hoa hồng bảo trợ.

Tuy nhiên, nếu chỉ mua 1 vị trí (tức chỉ có 1 cây ma trận) thì xác suất đầy ma trận là rất khó. Vì vậy, Vitae khuyến khích người chơi mua nhiều vị trí để xác suất tràn tầng cao hơn. Số tiền tối thiểu mà người mới tham gia hệ thống được khuyến nghị 6-8 triệu đồng (400-600 vị trí).

Hấp dẫn hơn cả là ma trận 3x8. Chỉ cần đóng 200 USD phí cho công ty, người chơi sẽ được nâng cấp tự động lên ma trận 3x8. Ma trận này có tổng cộng 8 tầng, mỗi tầng liền sau phải phát triển được số người nhiều gấp 3 lần tầng trước, tổng cộng 8 tầng có gần 10.000 người. Nếu ma trận này tràn tầng (tức có gần 10.000 người tham gia), người đứng đầu ma trận sẽ nhận khoản thu nhập thụ động 28.000 USD/tháng đến trọn đời (tương đương 650 triệu đồng/tháng). Càng mua nhiều cây ma trận 3x8 sẽ càng có nhiều cơ hội nhận về 28.000 USD.

Để nhanh chóng có tiền, với cả ma trận 3x8 lẫn 5x5, người chơi phải tích cực phát triển hệ thống để lấp đầy cây ma trận, bởi chỉ khi đủ số người tham gia cây ma trận, người chơi mới được tiền.

Theo quảng cáo của mạng xã hội Vitea, thu nhập thụ động từ ma trận 3x8 có thể lên tới hơn 28.000 USD/tháng.

Theo quảng cáo của mạng xã hội Vitea, thu nhập thụ động từ ma trận 3x8 có thể lên tới hơn 28.000 USD/tháng.

“Kinh nghiệm của em là khi tham gia hệ thống, các anh, chị phải lên danh sách 100 người tâm huyết, sau đó từng người lại đi nhân bản, thuyết phục mọi người tham gia thì tiền mới nhanh về. Còn chỉ mua vị trí rồi ngồi chờ sung rụng thì rất lâu mới có tiền. Zoom em có một anh đóng 15 triệu đồng tham gia ma trận 3x8, các F tuyến dưới của anh ấy mỗi người đều phát triển đều đặn hệ thống, đều đóng 15 triệu đồng nên ma trận của anh ấy rất nhanh đầy, thu nhập lên tới trăm triệu đồng/tháng”, Kiên cho hay.

Tóm lại, các thành viên của Vitae đưa ra bánh vẽ về một viễn cảnh thu nhập khủng hàng ngàn USD, thậm chí hàng chục ngàn USD/tháng cho người chơi, song không thể trả lời được câu hỏi bao giờ thì người chơi có thể thu hồi được vốn, chỉ cho biết là số USD sẽ rơi dần vào ví cho đến khi nào ma trận tràn tầng. Tuy vậy, khả năng người tham gia có thể lấp kín từng cây ma trận của mình (từ 4.000 - 10.000 người chơi) là rất khó.

Một vấn đề nữa, đó là toàn bộ hoa hồng người chơi được hưởng, Vitae đều chi trả bằng tiền ảo Vitae coin chứ không phải bằng tiền mặt. Hiện tại, với những cá nhân muốn không có khả năng phát triển hệ thống, các thành viên Vitae cũng khuyến khích mua đồng tiền ảo Vitae do công ty phát hành, chờ giá lên để sinh lời. Tuy nhiên, hiện Vitae coin đang xếp hạng 246 trên sàn Coinmarketcap. Theo giới đầu tư, những đồng tiền ảo ngoài top 50 trên Coinmarketcap hầu hết là tiền rác, khả năng biến mất là rất lớn.

Vitae tuyên bố không thể đổ vỡ

Theo tìm hiểu của phóng viên, Vitae là mạng xã hội của Thụy Sỹ do một cá nhân tên là Michael Weber dựng ra năm 2018. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Similarweb, trang web công ty Vitae.co chỉ mới vận hành vào tháng 3/2020 và đến nay mới có tổng cộng 182.000 người truy cập. Mặc dù công ty này tuyên bố thành lập tại Thụy Sỹ, nhưng 65% lượng truy cập đến từ Việt Nam.

Ở Việt Nam, mạng xã hội Vitae được một cá nhân tên là Bùi Ngọc Hưng đại diện. Khi trao đổi với nhà đầu tư, Hưng tự đặt cho mình một cái tên nửa Tây nửa ta là Tony Bùi. Trong một phòng Zoom trò chuyện với nhà đầu tư, Hưng cho hay, tháng 9/2019 Hưng đã trở thành “đại sứ” của Vitae toàn cầu và từ đó đến nay đang tích cực phát triển mạng lưới Vitae tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của Hưng, Vitae là mạng xã hội của tương lai, đang dẫn đầu xu hướng mạng xã hội phân quyền. Những người tham gia Vitae ở giai đoạn đầu này đang có những cơ hội rất lớn khi mạng xã hội này bước vào giai đoạn chính thức (dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2021). Khi đó, Vitae không chỉ là một mạng xã hội, mà còn là chợ trực tuyến toàn cầu, mạng lưới thanh toán toàn cầu không biên giới (qua tiền ảo Vitae), đi cùng đó là nguồn doanh thu khổng lồ từ quảng cáo. Người tham gia chỉ việc sử dụng gói like đã mua, ngồi bấm like là nhận được tiền do doanh nghiệp chi trả.

“Vitae không thiếu tiền, song trong giai đoạn beta này vẫn cần tiền của cộng đồng để phát triển”, Bùi Ngọc Hưng cho biết về lý do Vitae huy động tiền của nhà đầu tư thông qua các gói like, phí nâng cấp ma trận 200 USD/người.

Trong khi đó, khẳng định với phóng viên, Kiên cho hay, các công ty đa cấp nguy cơ đổ vỡ lớn vì lấy tiền người sau trả người trước, nhưng Vitae không bao giờ đổ vỡ bởi cách chia tiền thông minh và dòng tiền luôn dương.

Ví dụ như ở ma trận 5x5, tổng số tiền mà công ty phải trả cho 3.906 người chơi khi đầy tầng là 1.648 USD, trong khi tổng số tiền công ty thu về sau khi trừ thuế là 1.953 USD, tổng cộng với mỗi cây ma trận 5x5, công ty thu ròng 306 USD. Tương tự, với ma trận 3x8, tổng tiền mà công ty thu của người chơi là 1,46 triệu USD, trong khi chỉ chi ra hơn 1 triệu USD, lãi hơn 400.000 USD/ma trận. Thực tế, đa số cây ma trận không thể tràn tầng, vì vậy mức chi của công ty còn nhỏ hơn rất nhiều.

Ngoài ra, Vitae còn có nguồn tiền khác là “đào” coin ra bán trên sàn, ước tính mỗi năm đào bán 3,5 triệu Vitae coin và 23 năm mới hết, có nghĩa là nguồn tiền công ty rất dồi dào.

Một thành viên tích cực của Vitae, cùng với Bùi Ngọc Hưng, là ông Nguyễn Việt Long, vốn là giảng viên của Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 6 (TP.HCM) khẳng định, dòng tiền của Vitae luôn dương và công ty sẽ không bao giờ sập.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 6 cho hay, ông Nguyễn Việt Long đã nghỉ dạy một thời gian và đang làm thủ tục chuyển công tác khỏi trường này.

Hoang tưởng làm giàu, sập bẫy đa cấp

Mặc dù khẳng định không phải là mô hình đa cấp, không kêu gọi các gói đầu tư, không lấy tiền người sau trả người trước… song phân tích mô hình kinh doanh, có thể thấy, Vitae chính là một công ty đang huy động vốn theo mô hình đa cấp thông qua bán các gói like, nâng cấp tài khoản.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) khẳng định, Vitae.co không nằm trong danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đa cấp tại Việt Nam, song công ty này đang hoạt động theo phương thức đa cấp.

Đáng lo hơn, theo đơn vị này, tất cả khoản tiền mà người dân nộp vào Vitae chỉ được hiện thị trên website của Vitae, máy chủ lưu trữ dữ liệu đặt ở nước ngoài, công ty cũng không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam. Vì vậy, khi các website này sập, người tham gia sẽ bị mất trắng, không có chứng cứ nào để khởi kiện, pháp luật không thể bảo vệ.

Ngoài Vitae, thời gian gần đây, hàng loạt mô hình kinh doanh đa cấp trái phép, trá hình bị báo chí vạch trần, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố (mới đây nhất là Goldtime, Myaladdinz…). Song, bất chấp cảnh báo của Bộ Công thương, nhiều người vẫn hoang tưởng làm giàu, liên tục rót tiền vào dự án có dấu hiệu đa cấp lừa đảo.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, theo quy định, các cá nhân kinh doanh đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam. Nhưng nguồn tiền hi vọng thu về từ đa cấp trái phép vẫn khiến nhiều người bất chấp lao vào.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, gần đây xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng”, mạng xã hội phân quyền... trong đó có Vitae.co. Những dự án này thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, mang sứ mệnh Thời đại 4.0, đi tắt đón đầu. Dự án đưa ra nhiều lợi ích với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, thúc giục người tham gia nhanh chóng bỏ tiền phát triển dự án.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư này không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiện thị trên giao diện website công ty, đặt máy chủ ở nước ngoài. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án hoặc người giới thiệu cố ý thoái thác trách nhiệm.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục