Chặn đứng tội phạm 'cổ cồn trắng' câu kết quan tham - Bài 4: Thiệt hại đến từng 'tế bào của xã hội'

0:00 / 0:00
0:00
Bị phơi ra ánh sáng mới thấy, tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết với quan tham không chỉ gây thiệt hại ngân sách nhà nước, mà còn “nuốt chửng” những đồng tiền mồ hôi, xương máu của người dân, gây bi kịch cho từng “tế bào của xã hội”.

Bài 4: Thiệt hại đến từng “tế bào của xã hội”

Bị phơi ra ánh sáng mới thấy, tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết với quan tham không chỉ gây thiệt hại ngân sách nhà nước, mà còn “nuốt chửng” những đồng tiền mồ hôi, xương máu của người dân, gây bi kịch cho từng “tế bào của xã hội”.

Ông N.A.Tú ở TP.HCM, làm nghề lượm ve chai, bị “dụ” mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát và trở thành bị hại trong đại án lớn nhất lịch sử tố tụng Việt Nam.
Ông N.A.Tú ở TP.HCM, làm nghề lượm ve chai, bị “dụ” mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát và trở thành bị hại trong đại án lớn nhất lịch sử tố tụng Việt Nam.

Thiệt hại kinh tế tới từng người, từng nhà

Cần phải so sánh thiệt hại từ các vụ án liên quan doanh nghiệp công để thấy, khi tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư bắt tay quan tham thì gây hại lớn tới mức nào.

Ở đại án “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone - vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, “đi vào lịch sử tố tụng hình sự” Việt Nam, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 6.600 tỷ đồng.

Hoặc ở đại án Công ty Tân Thuận (doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP.HCM), cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng.

Những con số thiệt hại trên đã là “đặc biệt nghiêm trọng”, song vẫn… quá nhỏ so với thiệt hại do tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân cùng quan tham gây ra.

Đơn cử, tại đại án Tập đoàn FLC, với sự tiếp tay của 4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC) và đồng phạm đã thao túng các mã cổ phiếu, tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu, gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư, gấp hơn 2,5 lần đại án Công ty Tân Thuận.

Nhưng, con số trên vẫn “chưa thấm vào đâu” so với đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I. Trương Mỹ Lan đã rút ruột Ngân hàng SCB hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 10% GDP Việt Nam năm 2023 (hơn 10 triệu tỷ đồng); chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 673.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM và gấp gần 1,7 lần thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội.

Ở giai đoạn II của đại án này, theo cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan và đồng phạm rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng, gấp 4,5 lần thu ngân sách năm 2023 của TP. Hải Phòng; vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 106.000 tỷ đồng, gấp đôi thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh và gấp 3 lần thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Hưng Yên.

Với những hậu quả đặc biệt lớn mà Trương Mỹ Lan gây ra, ngày 4/10 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 - 13 năm tù về tội rửa tiền; 8 - 9 năm tù về tội vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Tổng hợp hình phạt đề nghị với bị cáo Trương Mỹ Lan ở giai đoạn II là chung thân.

Nạn nhân trái phiếu Vạn Thịnh Phát khắp cả nước kéo về TP.HCM để theo dõi phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, dù không được dự trực tiếp.
Nạn nhân trái phiếu Vạn Thịnh Phát khắp cả nước kéo về TP.HCM để theo dõi phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, dù không được dự trực tiếp.

Gây nên cơn “uất nghẹn lịch sử”, bất an xã hội

Nếu tội phạm khu vực kinh tế công chỉ gây thiệt hại ngân sách nhà nước, thì tội phạm khu vực kinh tế tư, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đấu giá, đấu thầu, khi bắt tay quan tham, thì không chỉ gây hại cho ngân sách, “nuốt trọn” những đồng tiền mồ hôi, xương máu của người dân, mà còn đẩy từng “tế bào của xã hội” vào bi kịch.

Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã “biến” hơn 30.400 nhà đầu tư thành bị hại, chưa kể, hơn 63.000 người đang nắm giữ cổ phiếu liên quan FLC cũng “liêu xiêu”.

Trương Mỹ Lan đã biến gần 36.000 người dân mua trái phiếu thành bị hại. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam về số người bị hại trong một vụ án, lớn gấp gần 10 lần số nạn nhân trong vụ án lừa đảo tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

Nhiều năm tiếp xúc với “khổ chủ” trái phiếu 4 công ty liên quan Vạn Thịnh Phát, chúng tôi chứng kiến không biết bao nhiêu giọt nước mắt tức tưởi, thậm chí cả những bi kịch gia đình.

Như trái chủ N.A.Tú (ngụ tại TP.HCM), nhiều năm đi lượm ve chai, tích cóp được 300 triệu đồng, gửi vào Ngân hàng SCB phòng khi về già, nhưng nghe “dụ”, nên đã dùng số tiền này để mua trái phiếu. Kết cục, người đàn ông 68 tuổi thành bị hại, rơi vào cảnh: “Suốt mấy năm qua, tôi bị đau ốm, nhưng không có tiền để chữa trị, phải tích góp cả tuần mới đủ tiền mua thuốc uống!”.

Còn trái chủ V.T. Hà (53 tuổi, ngụ tại quận 11, TP.HCM, bị lừa 900 triệu đồng trái phiếu) uất nghẹn: “Không còn tiền mà đi sinh thiết theo yêu cầu của bác sĩ, do hạch nổi đầy mặt, một bên mắt không nhìn rõ. Tiền ăn không có, sao có tiền mà chữa bệnh”.

Có người cựu chiến binh đã xơ xác mái đầu bạc, mất sạch tiền dưỡng già của cả 2 vợ chồng vào trái phiếu, tới mức không còn tiền tiêu, mà không dám nói với con.

“Đồng tiền liền khúc ruột”, nhiều năm qua, hàng ngàn trái chủ uất nghẹn, bức xúc đã tụ tập tại trụ sở nhiều cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự, an toàn xã hội.

Khủng hoảng thị trường tài chính

Hậu quả chưa dừng lại. Sau vụ bê bối trái phiếu của Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư “sốc” tâm lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, gần như đóng băng trong quý IV/2022 và quý I/2023, khi không có trái phiếu doanh nghiệp nào phát hành.

Năm 2023, Bộ Tài chính cũng thừa nhận trong một giải trình gửi các đại biểu Quốc hội: “Sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB, từ tháng 10/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước có nhiều biến động, khối lượng phát hành sụt giảm”.

Tức là, nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường trái phiếu chỉ còn người bán, không người mua, thanh khoản ngày càng cạn kiệt, tất yếu đẩy cả doanh nghiệp tử tế vạ lây, đứt gãy dòng tiền, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.

Hội đồng Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I cũng kết luận, tội phạm do Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây ra tác động tiêu cực đến hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Xói mòn niềm tin của nhân dân với các cấp chính quyền

Không chỉ thiệt hại kinh tế, phần lớn các đại án có sự cấu kết giữa “cổ cồn trắng” với quan tham còn gây hậu quả đáng sợ, ảnh hưởng tới sự an nguy của đất nước, đó là làm xói mòn niềm tin của người dân với chính quyền, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước.

Điển hình, theo Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chủ tọa phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I), sự tiếp tay cho Trương Mỹ Lan của cán bộ Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM không chỉ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, mà còn xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động công vụ và gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với các cấp chính quyền.

Còn đại án liên quan Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, tại Kỳ họp thứ 47, 48, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và cá nhân của tỉnh Hà Giang, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Phú Thọ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp Trung ương quản lý như ông Đặng Quốc Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; ông Chẩu Văn Lâm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; ông Ngô Đức Vượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; ông Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ…

Bởi một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của các tỉnh này vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Những vi phạm nêu trên không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Thậm chí, mới đây, tại giai đoạn II đại án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố (còn gọi là vụ án “chuyến bay giải cứu”, giai đoạn I đã xét xử năm 2023), cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui việc lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.

Phiên tòa xét xử đại án chuyến bay giai cứu giai đoạn I.

Phiên tòa xét xử đại án chuyến bay giai cứu giai đoạn I.

Tại kết luận điều tra vừa công bố, cơ quan an ninh điều tra phải nhận định, hành vi của các bị can xâm phạm hoạt động đúng đắn, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung, đặc biệt trong hoàn cảnh bị mắc kẹt trong đại dịch Covid-19 nói riêng.

Điều này làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan nhà nước.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục