Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 2: Công thức kiếm tiền phi pháp

Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân thiết lập bộ phận pháp lý chỉ chuyên “soi” từng ngóc ngách quy định của luật pháp để tìm khe hở nhằm kiếm tiền phi pháp.
Những nạn nhân mua trái phiếu của các công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đi kêu cứu khắp nơi. Những nạn nhân mua trái phiếu của các công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đi kêu cứu khắp nơi.

Bài 2: Công thức kiếm tiền phi pháp

Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân thiết lập bộ phận pháp lý chỉ chuyên “soi” từng ngóc ngách quy định của luật pháp để tìm khe hở nhằm kiếm tiền phi pháp. Trên hành trình đó, hành trang tối quan trọng của tội phạm “cổ cồn trắng” là cấu kết, thao túng, hoặc biến mình thành sân sau, bãi đáp của “tay trong” nhà nước để cùng làm ăn, chia chác.

Lợi dụng triệt để sự thông thoáng trong lập doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.

Cách thức điển hình mà tội phạm “cổ cồn trắng” sử dụng là lợi dụng quy định thông thoáng về đăng ký, cấp phép thành lập doanh nghiệp để “đẻ” ra nhiều công ty nhằm câu kết, trục lợi.

Điển hình là đại án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp này tiền thân chỉ là một cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và cây xanh đô thị tại tỉnh Đồng Nai, rồi chuyển về Bình Phước. Sau vài lần sang tên đổi chủ, Công ty Cây xanh Công Minh “vụt lớn mạnh”, trúng hơn 600 gói thầu trị giá hàng ngàn tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bộ Công an phát hiện, để “lớn nhanh như thổi”, không chỉ thành lập 50 công ty để cùng tham gia đấu thầu, Công ty Cây xanh Công Minh còn thông đồng với các chủ đầu tư để được cùng xây dựng giá gói thầu từ giai đoạn lập dự án. Nhờ đã lót tay, câu kết, sau khi giá hợp đồng được phê duyệt, Công ty Cây xanh Công Minh được chỉ định trúng thầu hoặc được cho phép dùng các pháp nhân khác trong số 50 công ty trên để đấu đầu và… chắc chắn trúng thầu.

Hoặc ở đại án Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) đã chỉ đạo mượn giấy tờ cá nhân của 45 người thân trong gia đình, lập khống 20 công ty, nhưng không hoạt động kinh doanh, mà chỉ sử dụng pháp nhân để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng thị trường chứng khoán. Thủ đoạn là liên tục mua bán cùng một loại chứng khoán, mua bán khớp lệnh nội nhóm để không dẫn đến chuyển nhượng sở hữu; đặt nhiều lệnh mua bán để chi phối thị trường tại thời điểm mở và đóng cửa; đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả và lừa nhà đầu tư mua theo.

Với thủ đoạn đó, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng, gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Tương tự, tại đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I và II, Trương Mỹ Lan dễ dàng lập ra tới 1.470 công ty, phần lớn là công ty “ma”, để dùng pháp nhân phát hành trái phiếu khống, lập hợp đồng giao dịch cổ phần khống, để chuyển tiền qua biên giới và nhận về, để rút tiền ra khỏi hệ thống SCB mà không làm phát sinh thuế, lại cắt đứt dòng tiền, che giấu mục đích sử dụng…

Nhờ vậy, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn hơn 673.000 tỷ đồng, rửa tiền trên 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trót lọt qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.

Chớp thời cơ từ “lỗ hổng” pháp luật về chứng khoán

Tội phạm “cổ cồn trắng” đã lợi dụng những “lỗ hổng” trong quy định của pháp luật về lĩnh vực tác động lớn tới xã hội này để lũng đoạn thị trường.

Cụ thể, lợi dụng việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và không bị kiểm soát, Trịnh Văn Quyết đã thuê, nhờ người khác đứng tên mở tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.

Do còn tồn tại kẻ hở trong việc kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư, các đối tượng đã lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật, ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới hình thức hợp tác đầu tư góp vốn khác) với lãi suất hưởng cố định nhằm thu lợi. Từ đó, các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán.

Còn ở đại án Vạn Thịnh Phát, trước giờ “G”, tức trước khi Chính phủ ban hành nghị định quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “nhiều không” (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm...) có mức độ rủi ro cao nhất chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Trương Mỹ Lan đã cho 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) phát hành 25 mã trái phiếu rủi ro cao nhất để bán cho từ người lượm ve chai, đến bà bán hàng rong và rất nhiều nhà đầu tư khác.

Hành động này nhằm tận dụng quy định pháp luật chưa bắt buộc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “nhiều không” chỉ được bán cho “nhà đầu tư chuyên nghiệp”. Nhờ lách được quy định liên quan, 4 công ty nói trên mới lập được 25 gói trái phiếu khống, lừa bán được cho gần 36.000 người, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Làm sân sau, “bãi đáp” cho quan tham

Đây chính là “hành trang” quan trọng trên hành trình trục lợi của tội phạm “cổ cồn trắng”.

Kinh điển là cú “bắt tay” giữa Phan Quốc Việt (Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á) và quan chức để hình thành một đường dây tội phạm liên ngành - liên bộ - liên địa phương, cùng “ăn chia” hàng trăm tỷ đồng tiền bán kit xét nghiệm Covid-19.

Hàng loạt quan chức, từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng tới vụ trưởng... đã giúp sức cho Phan Quốc Việt trục lợi từ kit xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Lê Toàn

Hàng loạt quan chức, từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng tới vụ trưởng... đã giúp sức cho Phan Quốc Việt trục lợi từ kit xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Lê Toàn

Cụ thể, theo bản án mà Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên vào đầu năm 2024, Phan Quốc Việt thỏa thuận với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) tham gia nghiên cứu đề tài, sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm Covid-19 và sẽ chia phần trăm doanh thu.

Sau đó, Việt chi tới hơn 106 tỷ đồng hối lộ quan chức, như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (nhận 2,25 triệu USD); cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (nhận 200.000 USD); Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (nhận 350.000 USD); Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế (nhận 300.000 USD); Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của Nguyễn Thanh Long (nhận 4 tỷ đồng); Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế (nhận 100.000 USD)…

Vì thế, các quan tham không chỉ giúp Công ty Việt Á tham gia đề tài, mà còn “giúp đỡ” trong quá trình nghiệm thu, cấp phép lưu hành, sản xuất thương mại, can thiệp, tác động một số lãnh đạo, giám đốc sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố cho Công ty Việt Á được cung cấp kit xét nghiệm.

Nhờ vậy, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm, nâng khống giá rồi bán cho các cơ sở y tế trên khắp cả nước, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.

Hay như đại án Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group), với vốn điều lệ ban đầu chỉ gần 4 tỷ đồng, sau 10 năm thành lập (từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2023), Thuận An Group cũng “vụt lớn mạnh”, trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 23.000 tỷ đồng. Riêng năm 2022 - 2023, Thuận An “phát triển nóng”, trúng nhiều gói thầu trị giá 18.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan doanh nghiệp này bởi hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ” và bắt giam ông Dương Văn Thái (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ông Phạm Thái Hà (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, mới lộ ra, sự lớn mạnh thần tốc của Thuận An Group là “nhờ” có sự buông lỏng, tiếp sức của quan chức trong bộ máy công quyền liên quan.

Không chỉ vậy, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ở vụ án này, chỉ mới tại Bắc Giang, đã xác định nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh này, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, như các ông, bà: Lê Ánh Dương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó chủ tịch UBND tỉnh…

Những vi phạm này đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại lớn về tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Tham mưu chính sách nhiều khe hở là “tiếp sức” cho tội phạm

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính và 3 nguyên Thứ trưởng bộ này là ông Huỳnh Quang Hải, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, bà Vũ Thị Mai.

Các cá nhân trên phải chịu trách nhiệm chính khi để Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn An Đông; vi phạm các quy định trong quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC).

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục