Sửa đổi loạt quy định gây vướng mắc cho doanh nghiệp
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung loạt quy định để xử lý các vướng mắc, bất cập tại Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi các quy định để làm rõ thêm khái niệm về cổ tức, giá trị thị trường của phần vốn góp, cổ phần (khoản 5, 14 Điều 4). Việc sửa đổi này nhằm phù hợp với các khái niệm trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn triển khai; làm rõ việc xác định giá trị của cổ phiếu là giá bình quân trong 30 ngày đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, tránh trường hợp cổ phiếu bị thao túng để điều chỉnh giá tăng cao hoặc thấp.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm gồm hành vi kê khai giả mạo (khoản 4 Điều 16). Việc sửa đổi này là để có cơ sở xác định và có chế tài xử lý các hành vi bị cấm khi doanh nghiệp kê khai nội dung đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: thông tin kê khai và chữ ký của thành viên, cổ đông…). Mặc dù tội giả mạo đã được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị kê khai giả mạo chữ ký, do vậy việc bổ sung quy định cấm hành vi “kê khai giả mạo” tại dự thảo Luật để ngăn chặn việc giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Đồng thời, sửa đổi bổ sung về đối tượng được thành lập doanh nghiệp bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp (điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 17).
Nguyên nhân là Nghị định số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã quy định viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, viên chức.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ việc chuyển nhượng phần vốn trong trường hợp công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ có 02 thành viên (điểm a khoản 1 Điều 52); quy định về giảm vốn điều lệ khi doanh nghiệp hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông (điểm a khoản 5 Điều 112); trách nhiệm của cổ đông hoặc nhóm cổ đông về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu, chứng cứ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi đứng ra triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (khoản 4 Điều 115); danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông và sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán của công ty (khoản 1 Điều 141); loại trừ công ty đăng ký giao dịch chứng khoán phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh các thông tin thay đổi (khoản 3 Điều 176)…
Chặn đăng ký vốn ảo, tăng vốn ảo: Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sửa đổi, bổ sung quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập (khoản 3 Điều 215).
Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi này là nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm đối với các nội dung “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật, có một số ý kiến cho rằng hiện nay việc đăng ký vốn, tăng vốn điều lệ không chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp các công ty tăng vốn “ảo” trước khi trở thành công ty đại chúng hoặc thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách Nhà nước, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ như trong thời gian vừa qua.
Do vậy, các ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật doanh nghiệp các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu như: điều kiện, hồ sơ, định giá tài sản…để tăng tính minh bạch và có sự kiểm tra chặt chẽ ngay từ bước ban đầu. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp nêu trên tại thời điểm hết thời gian cam kết góp vốn, như: bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức góp vốn, bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn đăng ký, tăng vốn để hạn chế tình trạng này.
Tuy vậy, trong bối cảnh thực hiện định hướng khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân, đòi hỏi cải cách thể chế, Bộ Tài chính đề xuất không bổ sung quy định về tăng thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vì có thể dẫn đến tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp. Thay vào đó, cần quy định các nội dung tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện công tác hậu kiểm.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc yêu cầu chứng minh năng lực tài chính khi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp cũng đã từng có giai đoạn được pháp luật yêu cầu khi thành lập doanh nghiệp nhưng không khả thi, gây cản trở đến quyền thành lập doanh nghiệp nên đã bị bãi bỏ.
Việc đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong đăng ký thành lập doanh nghiệp là kinh nghiệm tốt của nhiều quốc gia trên thế giới và phù hợp với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Do vậy, nội dung nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm “hậu kiểm” thông qua việc quản lý, giám sát đối với quá trình góp vốn, tăng giảm vốn góp và phương án xử lý trong trong trường hợp vi phạm là nội dung sẽ được Bộ Tài chính tăng cường thực hiện trên cơ sở thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp (do các Bộ, cơ quan chia sẻ, kết nối, tích hợp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp); đồng thời giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung cũng quy định chi tiết hơn nội dung phân cấp UBND địa phương có trách nhiệm trong: (i) tổ chức đăng ký doanh nghiệp; (ii) thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong phạm vi địa phương; (iii) ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; (iv) ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập (Khoản 3 Điều 215) nhằm giao quyền chủ động cho UBND địa phương trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ để thực hiện quyền, trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình thành lập, hoạt động của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.