Chấm KPI cho tham tán thương mại bằng thành công của doanh nghiệp

(ĐTCK) Phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 ngày 7/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các thương vụ phải quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” giúp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp.
Chấm KPI cho tham tán thương mại bằng thành công của doanh nghiệp

Cầu nối thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước

Ghi nhận những đóng góp tích cực của cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế, Thủ tướng đánh giá cao những hoạt động hiệu quả của các cơ quan thương vụ cũng như tham tán thương mại trong việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước (tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan; nhãn, vải sang Thái Lan...).

Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác để xem nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao…, để chúng ta có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, lợi thế so sánh. 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn trông đợi vào sự hỗ trợ từ tham tán, cơ quan thương vụ để nâng cao kim ngạch cũng như quy mô xuất khẩu. Tham tán phải là cầu nối, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước...

Các thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Do đó, các tham tán thương mại cần quan tâm tới mục tiêu tìm kiếm thị trường mới nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ hàng vì sức sản xuất trong nước đang tăng mạnh, với áp lực đầu ra cho sản phẩm tăng tương ứng; đồng thời cần quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu các loại hoa quả nông sản nhiệt đới Việt Nam có thế mạnh như thanh long, xoài, dưa hấu, vải thiều…

Hiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, gắn liền với thị trường quốc tế thì cơ quan thương vụ phải làm tốt chức năng tiên phong trong công tác dẫn hướng, cung cấp thông tin thị trường; phải hiểu rõ thị trường mình phụ trách cần gì, đặc điểm hàng hóa và chất lượng ra sao, các thông tin về yêu cầu kỹ thuật, thuế quan... để hỗ trợ doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời.

Không ngồi chờ doanh nghiệp đến nhờ 

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoat động của thương vụ và tham tán, đồng thời yêu cầu đội ngũ tham tán quán triệt tinh thần phục vụ doanh nghiệp; hết sức tránh tâm lý chờ các đơn vị đến “nhờ” thì mới vào cuộc, tình trạng né tránh, e ngại, thậm chí là chỉ lo việc nhà mình mà nhãng trách nhiệm được phân công.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” và chủ động khắc phục những yếu kém, tránh tâm lý thụ động.

“Đó là quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” giúp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp. Nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường".

Chấm KPI cho tham tán thương mại bằng thành công của doanh nghiệp  ảnh 1

Nhiều loại hoa quả Việt Nam đã có mặt tại các thị trường khó tính.

"Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại. Kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành của nước sở tại để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Các đồng chí thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình”, Thủ tướng chỉ đạo.

Một cách công tâm, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Công Thương có hình thức khen thưởng, động viên xứng đáng đối với những thương vụ, tham tán làm việc tích cực trong năm qua, nhất là tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu cao hơn mức tăng xuất khẩu bình quân 21% của cả nước, nhưng đồng thời cũng nghiêm khắc có biện pháp xử lý nghiêm những cơ quan thương vụ chưa hoàn thành nhiệm vụ.

“Thâm chí, có thể có biện pháp thuyên chuyển các tham tán thương mại tại các thị trường còn yếu kém, chưa biết cách làm việc, cần thưởng phạt hết sức phân minh”, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo.

Không chỉ nghiêm túc nhắc nhở các cơ quan thương vụ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần “nhất hô bá ứng” giữa trong nước và thương vụ ở nước ngoài, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu, bao bì tốt, không được “tiền hậu bất nhất”, phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo điều kiện hơn cho sản xuất, xuất khẩu thì thương vụ Việt Nam ở nước ngoài “mới nói mạnh miệng được”.

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính hành động, thì các cơ quan thương vụ cần quán triệt quán triệt xuyên suốt mục tiêu liêm chính, phục vụ vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp, sẵn sàng đáp ứng và hỗ trợ tích cực cho các DN trong việc cũng cấp thông tin thị trường, lăn lộn tìm kiếm thông tin và thị trường để cung cấp cho DN, hỗ trợ DN giải quyết các khó khăn vướng mắc tại địa bàn sở tại, lấy sự thành công của DN làm thước đo và định lượng hóa hiệu quả làm việc của chính các cơ quan thương vụ  và tham tán thương mại.

Theo đó, các tham tán thương mại cần nhạy bén hơn, kịp thời cung cấp thông  tin, khuyến nghị về thị trường cho trong nước, đồng thời đẩy mạnh hoạt động, xúc tiến thương mại hàng Việt Nam thâm nhập vào nước sở tại.

Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng là gây dựng quan hệ và kết nối chặt chẽ với bộ ngành của nước sở tại để giải quyết các vấn đề vướng mắc, các rào cản cũng như tranh chấp trong thương mại, tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế của các FTAs Việt Nam đã ký kết với các nước để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, mặt hàng xuất khẩu mới có tiềm năng để tư vấn giới thiệu và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm sớm nâng cao hơn nữa số mặt hàng và thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đội ngũ tham tán cần phát huy kết quả đạt được, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, tự giác làm tròn trách nhiệm, nhất là trong nắm bắt thông tin thị trường, hợp tác với cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong nước trong xử lý tranh chấp thương mại...

Năm 2018, Bộ Công thương yêu cầu các tham tán triển khai một số đầu việc như tập trung thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn được phân công phụ trách, theo hướng dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng do các đơn vị 100% vốn trong nước sản xuất.

Ưu tiên cho những thị trường mới, trong đó đặc biệt quan tâm những thị trường mà Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại và đề xuất phương án, ý kiến phù hợp nhằm khắc phục sớm.

Tiếp theo là thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ, thu hút công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Chú trọng các đối tác có tiềm năng hợp tác để kết nối với doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam, tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ động làm tốt công tác giới thiệu hàng Việt, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường quốc tế...

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2017, nền kinh tế đạt kết quả tích cực về xuất khẩu, với tổng kim ngạch 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước. Thị trường và cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch đáng ghi nhận, góp phần mở rộng quy mô và kết quả xuất khẩu-là kênh hỗ trợ tiêu thụ nhiều loại sản phẩm/hàng hóa sản xuất trong nước.

Nhìn chung, lực lượng tham tán thương mại, cơ quan thương vụ ở nước ngoài đã đóng góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu thông qua công tác tìm hiểu thị trường, tham mưu chính sách, cung cấp thông tin thị trường với cơ quan thẩm quyền và doanh nghiệp...

Hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đến nay đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục