Chậm họp cổ đông: Cảnh báo tình trạng phạm luật

(ĐTCK) Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông (ÐHÐCÐ) hàng năm của một doanh nghiệp (DN) phải được tổ chức trong thời hạn tối đa là 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. 
Ảnh Internet

Về trình tự, trước khi diễn ra đại hội 30 ngày, DN đã phải chốt xong danh sách cổ đông tham dự, chưa kể việc chốt danh sách này phải được thông báo trước 10 ngày.

Như vậy, vào thời điểm này (cuối tháng 5/2017), những DN chưa đưa ra thông báo đại hội sẽ có nguy cơ làm sai quy định Luật Doanh nghiệp về thời hạn tổ chức ÐHÐCÐ.

Cũng theo quy định pháp lý, việc tổ chức họp cổ đông không đúng thời hạn quy định là một trong các hành vi vi phạm, DN sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 108/2013.

Không ít DN đã phải nhận án phạt này từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng phía sau các án phạt là nỗi trăn trở của nhà đầu tư, của cổ đông. Vì sao các DN cứ chậm họp?

Quan sát từ thực tế cho thấy, các DN tổ chức họp muộn hoặc khất họp quá thời hạn quy định thường là “có vấn đề” từ nội bộ. Một số trường hợp, Ban lãnh đạo đương nhiệm không tìm được tiếng nói chung với cổ đông/nhóm cổ đông lớn, họp sớm sợ bị cổ đông truất quyền, nên cứ trì hoãn để tìm cách đàm phán với nhóm cổ đông đối trọng.

Mấy năm gần đây, các DN có câu chuyện riêng, đột biến về kết quả kinh doanh, hay vấn đề tái cơ cấu nhân sự thường chậm tổ chức đại hội.

Cũng có trường hợp, việc chậm tổ chức đại hội nhằm tạo cơ hội cho cổ đông nội bộ “tháo chạy” trước tình hình khó khăn của DN. Cổ đông nội bộ là những “ông chủ” đặc biệt, hiểu rõ sức khỏe của DN trong khi các cổ đông bên ngoài đa phần mù mờ về thông tin hoặc chỉ tiếp nhận thông tin qua các báo cáo.

Ðối với các DN tổ chức đại hội muộn do thất bại từ các lần triệu tập trước đó khi tỷ lệ cổ phần tham dự không đủ, sự muộn này có thể hiểu được, nhưng DN vẫn nên lường trước và đẩy thời gian tổ chức đại hội lần 2, lần 3 lên sớm, chứ không nên nhân cơ hội đó “chây ỳ”, để xảy ra tình trạng cuối năm, thậm chí vài năm không họp các “ông chủ” quyết vấn đề chiến lược của DN.

Cũng là chậm họp cổ đông, có trường hợp DN khất, hủy họp ở phút cuối không rõ lý do.

Chẳng hạn, tại CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), ngày 11/4/2017 (11 ngày sau khi gửi thông báo mời họp), HÐQT tự ý ra Nghị quyết hủy họp ÐHÐCÐ.

Thực trạng này dẫn đến câu chuyện nội bộ tại KHB trở nên bung bét trước dư luận khi nhóm cổ đông lớn do bà Hồ Thị Kim Loan gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện cho rằng HÐQT KHB làm trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền cổ đông…

Theo các chuyên gia, ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển, chế tài cho các hành vi vi phạm quyền cổ đông được đặt ra rất nghiêm khắc, buộc lãnh đạo DN phải tôn trọng quyền của cổ đông, cũng như quyền của các chủ thể liên quan trong mối quan hệ với DN.

Tại Việt Nam, hành vi vi phạm về thời hạn tổ chức ÐHÐCÐ của DN hiện chịu chế tài quanh mốc phạt 60 triệu đồng. Mức phạt này dường như quá thấp để DN sợ phạt.

Ở khía cạnh khác, do DN không sợ phạt mà cổ đông nhỏ không biết trông chờ vào đâu để buộc những “người làm thuê” phải tổ chức họp, ngoài cách làm đơn thư, kiếu nại, phản ánh gửi khắp nơi, khiến câu chuyện của DN nói riêng, của môi trường đầu tư nói chung trở nên không đẹp trong mắt người có tiền.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục