Chậm cổ phần hóa, Chính phủ sẽ truy trách nhiệm cá nhân

(ĐTCK) Trước tình trạng cổ phần hóa đang diễn ra chậm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phát đi thông điệp mạnh: Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa.
TP. HCM là địa phương chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào từ đầu năm đến nay TP. HCM là địa phương chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào từ đầu năm đến nay

6 tháng 2017, mới cổ phần hóa được 6/45 doanh nghiệp

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa nằm trong kế hoạch năm 2017 vừa được công bố tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, Văn phòng Chính phủ đã họp với các đơn vị có liên quan, trên cơ sở đó thống nhất lộ trình cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 (theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg) theo từng năm, trong đó năm 2017 sẽ phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp.

Thế nhưng, 6 tháng đầu năm nay, cả nước mới cổ phần hóa được 6/137 doanh nghiệp; công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhìn nhận, tiến độ cổ phần hóa như vậy là không đạt yêu cầu và kế hoạch đặt ra, dẫn đến dồn việc cho 6 tháng cuối năm.

Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã nêu cụ thể các địa chỉ cổ phần hóa chậm. Theo đó, TP. HCM bị nêu đích danh là địa phương chậm nhất trong cả nước khi chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa trong số 39 doanh nghiệp phải cổ phần hóa tới năm 2020.

Giải trình về sự chậm trễ này, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Lê Thanh Liêm cho hay, do đa phần đây là các công ty công ích (26 công ty, còn lại là 13 công ty mẹ) và đang phải xin ý kiến của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM phê duyệt phương án cổ phần hóa. Hiện các doanh nghiệp này đều hoàn thành kiểm kê tài sản, nên khi Thành ủy phê duyệt thì Thành phố sẽ thực hiện xong trong năm 2018.

Lý giải tiến độ cổ phần hóa ở Thủ đô chậm, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, do đang có tư tưởng chờ sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Cuối năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội, có giá trị vốn nhà nước 2.200 tỷ đồng.

Một số công ty như: Vườn thú Hà Nội, Cây xanh Hà Nội… có thể sang năm 2018 mới cổ phần hóa được, vì vướng định về xác định giá vườn cây, con thú và phải chờ hướng dẫn của một số bộ.

Liên quan đến Tổng công ty Giấy Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này vì chưa hoàn tất thủ tục chào bán Nhà máy bột giấy Phương Nam - dự án thua lỗ và phải “đắp chiếu” nhiều năm qua.

Sẽ truy trách nhiệm cá nhân

Nhìn nhận quá trình cổ phần hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản đất đai, trách nhiệm của người quản lý tài sản nhà nước chưa rõ ràng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ nguyên nhân của hạn chế này chính là công tác chỉ đạo, điều hành của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Ngoài ra, có tâm ý e ngại từ một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ; có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm.

Quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2017, thậm chí vượt kế hoạch này, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương làm theo đúng pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Nếu luật pháp bất cập thì phải sửa, nhưng đang còn hiệu lực thì không thể làm sai.

Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp theo Chỉ thị 04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Để khắc phục bất cập về cơ chế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 7 này trình Thủ tướng ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP; trong tháng 8 hoàn thành dự thảo sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ