CFO HDI Global: “Kỳ vọng PVI sẽ trở thành nhà bảo hiểm phi nhân thọ đa quốc gia”

(ĐTCK) Sau 5 năm chính thức đầu tư vào Việt Nam thông qua khoản vốn góp duy nhất vào Công ty cổ phần PVI (mã PVI), cổ đông chiến lược nước ngoài HDI Global (thuộc Tập đoàn Talanx, Đức, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Âu) đã dành cho PVI những đánh giá rất tích cực. 
Theo ông Ulrich Heinz Wollschlager, sau 5 năm hợp tác, cổ đông lớn HDI Global và Ban lãnh đạo PVI đã hoàn toàn tìm được sự tin tưởng lẫn nhau Theo ông Ulrich Heinz Wollschlager, sau 5 năm hợp tác, cổ đông lớn HDI Global và Ban lãnh đạo PVI đã hoàn toàn tìm được sự tin tưởng lẫn nhau

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn ông Ulrich Heinz Wollschlager, Giám đốc tài chính HDI Global kiêm thành viên Hội đồng quản trị PVI. 

HDI Global đã có 5 năm đồng hành cùng PVI và hiện là cổ đông lớn nhất của tập đoàn bảo hiểm này (sở hữu 35,74% cổ phần, tương đương 83.711.071 cổ phần). Trong vai trò là Giám đốc tài chính của HDI Global, ông đánh giá ra sao về kết quả hoạt động kinh doanh của PVI?

Theo số liệu mới nhất được đưa ra tại cuộc họp Hội đồng quản trị PVI cuối tuần qua (hôm 24/3) thì PVI đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất PVI đạt 9.163 tỷ đồng, tương đương 107,9% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 714 tỷ đồng, hoàn thành 139,8% kế hoạch. Trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 984 tỷ đồng, tương đương 159,3% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 637 tỷ đồng, hoàn thành 208,6% kế hoạch.

Quan trọng hơn cả, PVI đang sở hữu hệ thống quản trị minh bạch và chắc chắn.

Với kết quả trên, Hội đồng quản trị PVI đã quyết định trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, cao gấp 1,7 lần kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm 2016 - 12%.

Là cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu lượng cổ phần lớn nhất tại PVI, cảm nhận của chúng tôi từ khi chính thức gia nhập PVI được diễn đạt bằng từ “hài lòng”. Thực sự, chúng tôi hài lòng về kết quả đầu tư của mình vào PVI.

Không phải đến nay, mà ngay từ ngày đầu vào PVI, công ty này đã hoạt động hiệu quả, có lãi, có cổ tức. Điều này rất đặc biệt và nó khác với các trường hợp đầu tư thông thường là khi họ mang tiền đi đầu tư và tự thành lập một công ty, hoặc tự thành lập chi nhánh ở các quốc gia khác thì không chỉ tốn kém vốn đầu tư ban đầu, mà còn mất rất nhiều thời gian để công ty, chi nhánh đó hoạt động có lãi.

Thực tế, không phải lúc nào một ý tưởng tốt cũng cho kết quả tốt, nhưng cuộc “hôn nhân” giữa HDI Global với PVI thực sự cho kết quả tốt.

CFO HDI Global: “Kỳ vọng PVI sẽ trở thành nhà bảo hiểm phi nhân thọ đa quốc gia” ảnh 1

 Ông Ulrich Heinz Wollschlager

Thị giá cổ phiếu PVI luôn ổn định quanh ngưỡng 25.000/cổ phiếu, có khi nào HDI Global cảm thấy sốt ruột về diễn biến giá này không?

Ồ không, tất nhiên là không. Chúng tôi chưa từng đặt mối quan tâm của mình đến mức giá giao dịch trên sàn của cổ phiếu PVI.

Điều mà các cổ đông chiến lược nước ngoài như HDI Global quan tâm đó là chiến lược phát triển trong dài hạn và các đường đi nước bước để hiện thực hóa chiến lược đó. Và cuối cùng đã được minh chứng bằng kết quả đạt được theo thời gian, mới nhất là kết quả đạt được trong năm 2016 như tôi đã đề cập.

PVI đã rút chân khỏi lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với việc thoái toàn bộ vốn tại liên doanh PVI Sun Life (giờ là Sun Life), thu về khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận vào năm ngoái, ông có coi đó là hướng đi phù hợp?

HDI Global cùng chung quan điểm với PVI coi mảng bảo hiểm phi nhân thọ là lĩnh vực hoạt động kinh doanh chủ chốt. Tái bảo hiểm cũng là mảng kinh doanh quan trọng, cần được đầu tư phát triển mạnh hơn.

Không kể hoạt động đầu tư (thông qua Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI) thì hai mảng bảo hiểm trên mới phù hợp với hoạt động dài hạn của PVI, chứ không phải là mảng bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài đặt niềm tin vào các vị lãnh đạo công ty mẹ là PVI thì cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài thao lược của ông Trương Quốc Lâm (Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI).

Với mức độ hài lòng như trên, HDI Global có ý định nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại PVI? Thực tế, PVI vừa có ý định xin nới tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài lên tới 100% và sẽ đưa ra xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông vào ngày 27/4 tới.

Nếu có cơ hội để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của mình tại PVI sau khi chủ trương thoát bớt vốn của cổ đông nhà nước tại PVI được thông qua, chúng tôi rất quan tâm.

Ông có thể đo lường mức độ hài lòng của HDI Global, nói cách khác là hiệu quả của khoản đầu tư vào PVI bằng một con số cụ thể không? Nghĩa là, trong 5 năm qua, khoản đầu tư vào PVI đã mang lại cho HDI Global khoản thu nhập bao nhiêu (từ cổ tức, từ tăng giá cổ phiếu…)?

Chúng tôi đã tính toán chi tiết giá trị, nhưng con số cụ thể chưa thể chia sẻ ngay được.

Trong suốt quá trình đầu tư vào PVI của mình, chúng tôi đều có những con số chi tiết để báo cáo định kỳ gửi ông Chủ tịch HDI Global, nhưng đến cuối năm 2016 thì đã không còn phải bận tâm nữa. Có nghĩa là đến thời điểm đó, mối quan tâm của chúng tôi đã không còn dừng ở con số nữa vì chúng tôi
đã hoàn toàn tìm được sự tin tưởng lẫn nhau.

Ở quy mô rộng hơn, xin hỏi chiến lược đầu tư của Talanx vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới? Hiện tại, ngoài PVI, Talanx có đầu tư vào tổ chức nào khác của Việt Nam hay không?

Về phía Tập đoàn Talanx, tôi không chắc chắn rằng có khoản đầu tư nào không. Còn về phần mình, tại thời điểm này, HDI Global chưa có bất kỳ khoản đầu tư nào khác tại Việt Nam.

Và HDI Global tiếp tục đồng hành cùng PVI trong chiến lược đầu tư tới đây.

Dưới con mắt của một cổ đông chiến lược nước ngoài cực khó tính đến từ nước Đức như HDI Global, các ông có nhìn thấy khiếm khuyết nào của PVI cần được cải thiện trong thời gian tới hay không?

Chúng tôi thực sự chưa nhận ra điểm khiếm khuyết lớn nào của PVI trong suốt thời gian qua. Thay vào đó là cảm giác ngạc nhiên, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, được thể hiện thông qua quan điểm về chiến lược phát triển bền vững với các kết quả kinh doanh mang lại sự đột biến liên quan đến gia tăng lợi nhuận, tăng cổ tức.

Trên thực tế, với một cuộc “hôn nhân”, hai bên không tránh khỏi những tranh luận, thậm chí gay gắt, nhưng tất cả đều phục vụ cho một mục tiêu chung là sự phát  triển của PVI, để có một PVI như ngày hôm nay.

Cách đây 2 năm, từng có tin đồn rằng Talanx đòi thoái vốn khỏi PVI. Thực hư chuyện này ra sao, thưa ông? Ông nghĩ sao về các khoản đầu tư thiếu hiệu quả trong quá khứ của Công ty?

Ồ, không, không hề có chuyện Talanx đòi thoái vốn như đồn thổi. Với các khoản đầu tư kém hiệu quả, đó cũng là chuyện không quá lạ lẫm trong hoạt động của doanh nghiệp.

Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai PVI sẽ trở thành nhà bảo hiểm phi nhân thọ đa quốc gia và có năng lực trên thị trường khu vực, là sự lựa chọn đầu tiên tại khu vực châu Á về lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp.        

Với kết quả kinh doanh năm 2016 hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận, cổ đông chiến lược HDI Global đã quyết định trích phần lợi nhuận thu về của họ để mua tặng Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI và Tổng giám đốc PVI mỗi người một chiếc xe Mercedes trị giá tiền tỷ. Nhưng hai vị lãnh đạo PVI đều từ chối nhận cho cá nhân, mà đề nghị được đưa vào tài sản Công ty.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI: Những lời khen của HDI Global chính là áp lực đối với Ban lãnh đạo PVI

Những lời có cánh mà cổ đông  HDI Global cũng như Tập đoàn Talanx dành cho PVI chính là áp lực đối với Ban lãnh đạo chúng tôi, ép chúng tôi phải chinh phục ngày một nhiều hơn các “nấc thang” mới.

Ngoài cổ đông nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thì thực sự chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của cổ đông chiến lược nước ngoài là HDI Global, Tập đoàn Talanx. Nếu không có họ PVI chưa thể lớn mạnh như ngày hôm nay. Chính họ đã ép mạnh chúng tôi phải hoạt động theo chuẩn mực quốc tế.

Và đó cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao cách đây 5 năm chúng tôi chọn đối tác Đức là HDI Global, Tập đoàn Talanx để làm cổ đông chiến lược nước ngoài. Không phải vì vốn (tiền đầu tư), mà hơn ai hết, họ sở hữu một tư duy quản trị tốt, giúp chúng tôi dần lớn mạnh.

Suốt thời gian qua, chúng tôi đã gặp nhau về nhiều mặt, khởi đầu từ việc chung quan điểm (chiến lược hoạt động kinh doanh), đúng câu “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Kim Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục