Theo ông Nguyễn Việt Quang, thị trường vốn ở Việt Nam ngày càng trải qua nhiều giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng về quy mô và sự đa dạng của sản phẩm, pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch với tất cả các nhà đầu tư lớn nhỏ. Trong bối cảnh đó, huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là phương thức huy động vốn quan trọng.
Thông qua thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu trong nước và quốc tế, giúp nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp được hiện thực hoá nhanh chóng, hiệu quả, với chi phí vốn hợp lý.
Trên thực tế, các nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD cho các doanh nghiệp Việt Nam gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Là tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn ở Việt Nam, hướng tới những chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất, có bộ máy vận hành chuyên nghiệp và hệ thống quản trị rủi ro hàng đầu, lãnh đạo Vingroup nói rằng, sau 17 năm tham gia thị trường chứng khoán, Vingroup khẳng định, sự phát triển của doanh nghiệp hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó kênh thị trường chứng khoán đóng vai trò rất lớn.
Hiện nay, 3 doanh nghiệp của Vingroup là Tập đoàn Vingroup (mã VIC), Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM), Công ty cổ phần Vincom Retail (mã VRE) đang có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với tổng giá trị vốn hoá thị trường lên đến 419.000 tỷ đồng, tương đương hơn 17 tỷ USD.
"Chúng tôi đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt ngày 15/8/2023, Công ty VinFast, một công ty thành viên của Vingroup đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Nasdaq (Hoa Kỳ)", CEO Vingroup nói.
Đồng thời ông nhấn mạnh, việc niêm yết trên Nasdaq đã mở ra các kênh huy động vốn mới, nơi có các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu, phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị, phải công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới... cũng không khiến doanh nghiệp quá bỡ ngỡ do đã có sự chuẩn bị kỹ càng, có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup tham luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Theo đó, trong 17 năm có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Quang, những lợi ích trọng yếu mà Vingroup đạt được có thể kể đến như sau:
Thứ nhất là được thực hành quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn thông qua các quy định chặt chẽ, rõ ràng về quản trị công ty đại chúng, gần đây nhất là Thông tư 116-2020/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2020 điều hướng đến một cơ chế quản trị nghiêm túc, rõ ràng, giúp hoạt động của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ và công khai.
Thứ hai là huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. "Đến nay chúng tôi đã phát hành vốn đa dạng như phát hành cổ phiếu và trái phiếu riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Qua đó, chúng tôi cũng tìm được những nhà đầu tư, cổ đông, hình thành mạng lưới nhà đầu tư, cổ đông có kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực hoạt động của chúng tôi, những người có thể hợp tác với chúng tôi về quản trị sản xuất, bán hàng và đặc biệt là công nghệ.
Ngoài ra, khi có những cổ đông chiến lược khẳng định, đánh giá doanh nghiệp thì chúng tôi cũng nhìn được những tiềm năng cải thiện để phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn", CEO Vingroup chia sẻ.
Thứ ba là quảng bá hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp. Vingroup được nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn khi họ tìm hiểu về doanh nghiệp và có những hiểu biết về hệ sinh thái đa dạng của Vingroup, hiểu về sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp tại thị trường Việt Nam và toàn cầu.
"Trong quá trình phát triển Vingroup gần 20 năm qua trên thị trường chứng khoán, chúng tôi đã có sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ các cơ quan quản lý chuyên ngành: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, tổng công ty lưu ký chứng khoán Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán)", ông Quang nói.
Chia sẻ về kế hoạch huy động vốn trong năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn này cho hay, họ sẽ tiếp tục kế hoạch huy động vốn thông qua kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với kênh cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và hoạt động thị trường quốc tế của tập đoàn.
Để tiếp tục là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp hiệu quả và hoàn thiện hơn nữa, vị đại diện cho Tập đoàn Vingroup đề xuất các cơ quan quản lý hai nội dung:
Một là, tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.
Hai là, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút các nhà đầu tư phát triển thị trường.