CEO Vinatex: Năm 2020, chữ “tồn tại” phải được coi là “thắng”

(ĐTCK) Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nói như vậy khi phân tích về hoạt động của các doanh nghiệp dệt may nói chung và Vinatex nói riêng trong năm nay. 
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Hiện đang là mùa ÐHCÐ của các doanh nghiệp, năm 2020 với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông đánh giá các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn và lĩnh vực dệt may như thế nào?

Năm 2020 là một năm “khó lường” đối với ngành dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng.

Những ngày đầu năm chứng kiến việc nghẽn nguồn nguyên liệu đầu vào do dịch Covid-19 “hoành hành” tại Trung Quốc.

Ngay sau khi các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động trở lại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam ồ ạt nhập khẩu nguyên liệu để kịp sản xuất các đơn hàng đang chờ, thì lại bị tắc đầu ra vì dịch Covid-19 đã lan mạnh ra Mỹ, châu Âu và thế giới.

Hàng loạt các khách hàng liên hệ đề nghị tạm ngừng, hoãn, hủy đơn hàng, sử dụng các điều khoản “bất khả kháng do dịch bệnh”, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm khoảng 30% trong tháng 4 và 50% trong tháng 5.

Vinatex ước tính nhanh, với 1,5 triệu lao động toàn ngành (trong đó Tập đoàn có 120.000 lao động), nếu phải trả lương cho 30% công nhân thiếu việc tháng 4 và 50% công nhân thiếu việc tháng 5, với mức tối thiểu theo luật bình quân là 4,2 triệu đồng/người/tháng, thì ngành sẽ mất 5.040 tỷ đồng, tương ứng Tập đoàn sẽ mất 403 tỷ đồng.

Ðối với nguyên liệu đã nhập về và bị hủy đơn hàng, không được sử dụng đến, giả sử ngành nhập 1,5 tỷ USD và có 20% đơn hàng bị hủy, tương ứng 300 triệu USD vật tư đã nhập không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển.

Do đó, ước đến hết năm 2020, số hàng tồn kho của 2 tháng 4 và 5 sẽ mất giá trị khoảng 50%, tương ứng 300 triệu USD. Tương tự, Tập đoàn nhập khoảng 120 triệu USD, ước hết năm 2020 sẽ mất giá trị khoảng 24 triệu USD.

Với giả thiết dịch sẽ kết thúc vào tháng 5 và tháng 6 các hoạt động sẽ trở lại, thì ảnh hưởng về mặt tài chính đối với ngành dệt may sẽ vào khoảng 11.000 tỷ đồng và với Tập đoàn sẽ là 1.000 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 ước tính sẽ chỉ đạt khoảng 33 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2019. Doanh nghiệp sẽ có tỷ lệ hoạt động ở mức 70 - 75% công suất. Áp lực thiếu hụt đơn hàng quy về tương ứng với 3 tháng sản xuất.

Có ý kiến cho rằng, ngành dệt may sẽ hồi phục mạnh trở lại sau dịch bởi nhu cầu thay thế đồ may mặc trong dịch hoặc Việt Nam biến nguy thành cơ, trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang và bộ đồ phòng dịch, ông nghĩ sao?

Có thể thấy, số tiền bị đọng trong nguyên phụ liệu đã nhập về, hàng đã sản xuất nhưng chưa kịp xuất, tiền lưu kho, bến bãi, các chi phí hoạt động của doanh nghiệp… sẽ khiến tính thanh khoản của các doanh nghiệp yếu qua từng ngày, từng tuần.

Do đặc điểm thâm dụng lao động của ngành và vốn điều lệ thấp, nếu chỉ dừng hoạt động sản xuất trong 3 tháng mà vẫn trả lương công nhân, doanh nghiệp sẽ phá sản.

Kịch bản được xem là có tính lạc quan nhất đối với Mỹ - thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 40% của dệt may Việt Nam, thì phải đến tháng 6 mới khống chế được dịch bệnh.

Như vậy, ước tính sau đó, thị trường phải mất ít nhất chừng 3 tháng để phục hồi tâm lý và tiến tới giai đoạn bình thường trở lại.

Dù đã đạt mức cân bằng tâm lý, chúng ta cũng phải để ý đến một yếu tố thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nên trong quý cuối cùng của năm 2020, dù có vận hành trở lại, nhưng thị trường sẽ phát triển thận trọng hơn.

Do đó, kỳ vọng lượng đơn hàng tăng vọt, bù đắp cho giai đoạn có dịch sẽ chưa có căn cứ vững vàng.

Với năm 2020, chữ “tồn tại” phải được coi là “thắng” với doanh nghiệp.

Vậy các ông đã xây dựng các kịch bản ứng phó với những biến động này như thế nào? 

Các kịch bản ứng phó được Vinatex đưa ra trong giai đoạn này bao gồm: Tập trung giải quyết nhanh, gọn các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa, sản xuất các mặt hàng phòng dịch.

Chúng tôi đã cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam gửi các kiến nghị lên Chính phủ đề nghị hỗ trợ nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, miễn, giảm, hoãn bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, thuế VAT, tiền thuê đất năm 2020; đề nghị ngân hàng ân hạn khoản vay dài hạn đến hạn, kéo dài thời gian vay vốn lưu động, giảm lãi suất, không hạ loại tín dụng, xin ân hạn khoản vay ADB của Tập đoàn và một số đơn vị thành viên tham gia dự án.

Trên tinh thần không sa thải người lao động, nhưng đàm phán để người lao động hiểu, chia sẻ cùng doanh nghiệp, theo đó người lao động sẽ giảm giờ làm, nghỉ luân phiên. Tập trung cao độ bảo toàn sức khỏe người lao động trong lúc dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Chúng tôi cũng giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng để kêu gọi khách hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tiếp tục thanh toán những khoản trong khả năng, tiếp tục đặt hàng khi đại dịch qua đi.

Ðồng thời, kêu gọi cổ đông chia sẻ giải pháp tài chính để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục