CEO TPBank: Chuẩn bị sẵn sàng trước làn sóng công nghệ mới

(ĐTCK) Việc số hóa các dịch vụ ngân hàng mang tới nhiều thuận lợi cho khách hàng, cũng như cơ hội kinh doanh cho ngân hàng, nhưng đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ liên quan đến kinh phí đầu tư, nâng cấp thay đổi hệ thống, tăng cường tính an toàn và bảo mật...  Tuy nhiên, nếu chuẩn bị kỹ càng để đón nhận sự thay đổi, các ngân hàng sẽ có được lợi thế cạnh tranh lớn hơn.
CEO TPBank: Chuẩn bị sẵn sàng trước làn sóng công nghệ mới

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nhận định về bức tranh của ngành ngân hàng trong làn sóng công nghệ mới. 

Gần đây, sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính đang trở thành làn sóng mới. Ông có cho rằng diễn biến này sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, đây không phải điều quá mới. Trên thị trường đã có những dự báo và chủ đề này cũng được bàn bạc khá nhiều. Công nghệ không chỉ thay đổi thói quen, cuộc sống mỗi người mà còn thay đổi cả cách thức kinh doanh của nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có ngân hàng.

Không đơn thuần chỉ là việc khách hàng có thể giao dịch trực tuyến tại bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào thay vì phải thực hiện giao dịch tại quầy như trước, mà còn giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, tiết kiệm chi phí giao dịch cũng như chi phí xã hội nói chung.

Ông Nguyễn Hưng

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đã có những thay thế, bổ sung về chính sách cho phù hợp với xu thế và thực tế cuộc sống.

Chẳng hạn, gần đây Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo về Fintech để có định hướng cho việc ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động tài chính ngân hàng.

Hoặc cũng xuất phát từ thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình các nhà băng sẽ phải chuyển tất cả các loại thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip để đảm bảo bảo mật cao hơn.

Hay các ngân hàng cũng đang tìm hiểu để áp dụng các dịch vụ thanh toán mới thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đó chính là tác động và sự thay đổi.

Ông nghĩ điều này là tích cực hay tiêu cực đối với các ngân hàng nói chung?

Tôi cho là tích cực. Tất nhiên sẽ là áp lực phải thay đổi của các ngân hàng để đảm bảo tính cạnh tranh khi mà thị trường thay đổi, các ngân hàng đã có sự chuẩn bị có thể thích ứng với làn sóng này, nhưng các ngân hàng chậm chân hơn sẽ khá khó khăn, lúng túng.

Đối với TPBank thì sao thưa ông? Ngân hàng đã làm gì để đón nhận những lợi ích do công nghệ đem lại?

Chúng tôi đã có chuẩn bị để đón nhận sự thay đổi. Chúng ta được thừa hưởng rất nhiều từ các thành tựu công nghệ mới của thế giới như sự phổ biến của internet băng rộng, sự bùng nổ điện thoại thông minh, mạng xã hội ngày càng phát triển, trí thông minh nhân tạo (AI), thực tại ảo (VR), internet vạn vật (IoT)…, vấn đề là ứng dụng thế nào để tận dụng được cơ hội mà những tiến bộ khoa học công nghệ đó mang lại.

Hiện tại, chúng tôi đã có được một số thành tựu như ngân hàng số eBank, ngân hàng tự động LiveBank và một số sản phẩm, dịch vụ mang tính công nghệ cao và khác biệt so với thị trường…

Công nghệ không chỉ thay đổi thói quen, cuộc sống mỗi người, mà còn thay đổi cả cách thức kinh doanh của nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có ngân hàng

 

Bên cạnh đó, TPBank cũng có bộ phận riêng chuyên về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh cũng như tạo ra hiệu quả tốt hơn. Vẫn biết ngân hàng là nghề kinh doanh rủi ro, thế nên với định hướng phát triển chuyên nghiệp và bền vững, chúng tôi luôn cẩn trọng trong từng bước phát triển, nhưng cũng luôn quyết đoán trong việc lựa chọn, ứng dụng những công nghệ mới để phát triển bứt phá hơn.

Hãy thử tưởng tượng, trước đây, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải tự phát triển các thiết bị đầu cuối để tặng, hoặc bán lại cho khách hàng mỗi khi triển khai dịch vụ mới, thì giờ đây khách hàng đã có sẵn mọi thứ trong tay, dịch vụ nào đưa được đến thiết bị của khách hàng, được khách hàng chấp nhận và sử dụng thì người đó sẽ thành công. Đây là sự thuận lợi và cơ hội lớn mà xu hướng công nghệ mới đã tạo ra, không chỉ trong ngành ngân hàng.

Để có thể cung cấp những tiện ích mới như ông đề cập, chắc chắn khó khăn, thách thức là không nhỏ, ngân hàng do ông điều hành đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Song song với thuận lợi như tạo ra các tiện ích, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, gia tăng số lượng khách hàng và hiệu quả hoạt động, chúng tôi cũng phải đối mặt với những vấn đề như bảo mật, năng lực xử lý của hệ thống, hay quy định của các cơ quan quản lý chưa theo kịp những thay đổi nhanh chóng trên thị trường...

Ngoài việc chủ động nghiên cứu, triển khai, TPBank có những đối tác tầm cỡ cả trong và ngoài nước, giúp ngân hàng phát triển đồng bộ cả về hệ thống hạ tầng cho đến tích hợp các hệ thống ứng dụng để sẵn sàng cho việc phát triển các sản phẩm công nghệ mới.

Chi phí đầu tư cũng là vấn đề không nhỏ, nhưng hiện tại, nhờ kết quả kinh doanh khá khả quan và có kế hoạch chiến lược đầu tư cho tương lai nên TPBank có thể tự thu xếp đủ nguồn lực.

Hiện chúng tôi đang được hưởng thành quả khi 2/3 giao dịch tại TPBank là các giao dịch số, với chi phí giảm vài chục lần so với giao dịch truyền thống, phần lớn các quy trình được số hóa, giúp đẩy nhanh tiến độ, bớt giấy tờ và thủ tục phiền hà, giúp tăng chất lượng dịch vụ.

Có dự đoán rằng, sẽ có nhiều cuộc "lật đổ" trong ngành tài chính ngân hàng và những đối thủ sừng sỏ đang đến từ các công ty tài chính công nghệ (Fintech), ông có đồng tình với điều đó?

Tại Việt Nam hiện nay, công ty Fintech mới chỉ tham gia vào một số dịch vụ trung gian thanh toán nhỏ lẻ với giá trị giao dịch hạn chế, khó có thể tham gia vào các dịch vụ huy động vốn hay cấp tín dụng.

Do vậy, các công ty này khó có thể thay đổi cục diện, mà chính từng ngân hàng phải ứng dụng công nghệ cho các hoạt động nghiệp vụ, giúp cải tiến và thay đổi phương thức kinh doanh, cách thức tiếp cận khách hàng và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý luôn định hướng nâng cao tính ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng, bởi vậy các chuẩn mực về quản trị rủi ro, các quy định pháp luật sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, đồng thời nhà điều hành cũng nói rõ việc hạn chế mở mới, thậm chí rút gọn lại số lượng các nhà băng.

Do vậy, cơ hội để các công ty Fintech được cấp phép mở rộng sang các lĩnh vực ngân hàng truyền thống, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng không có nhiều. Về ngắn hạn và trung hạn, tôi cho rằng, Fintech sẽ là đối tác chứ chưa phải là đối thủ của các ngân hàng.

An Hà thực hiện.
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục