Nhìn lại hoạt động của thị trường thẻ thời gian qua, ông có chia sẻ gì?
Trên 20 năm phát triển dịch vụ thẻ ở Việt Nam vừa qua, có thể thấy dịch vụ thẻ đã có những phát triển vượt bậc.
Nếu như năm 1996, khi Vietcombank bắt đầu cung ứng dịch vụ thẻ, mới chỉ có vài máy ATM với vài trăm chủ thẻ, thì đến nay đã có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ với tổng số lượng phát hành trên 100 triệu thẻ, mạng lưới ATM của các ngân hàng đã được mở rộng (tới nay đã có trên 17.000 ATM trên toàn quốc).
Các ATM đã được kết nối liên thông, khách hàng có thể sử dụng thẻ của ngân hàng này để rút tiền và thực hiện một số dịch vụ thanh toán trên ATM của ngân hàng khác.
Sử dụng thẻ đã trở thành một thói quen và phương tiện thanh toán thông dụng, được sử dụng rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội.
Với thông tin mỗi thẻ ATM có khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng, ông có thể giải thích rõ hơn về các loại phí này?
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đã tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đối với dịch vụ thẻ (mobile banking, internet banking, SMS banking...).
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng, ngân hàng đã phải tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí và phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng. Bởi vậy, nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thanh toán thẻ mà các ngân hàng phải công khai cho khách hàng thì bao gồm nhiều loại phí cho nhiều loại dịch vụ khác nhau.
Tuy nhiên, khách hàng không phải trả cho tất cả các loại phí đó, mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng. Việc ngân hàng thu phí khi cung ứng dịch vụ là phù hợp với pháp luật để bù đắp phần nào chi phí đầu tư.
Đối với phí thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), theo Thông tư 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như: rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê...
Vẫn còn những quan ngại xung quanh câu chuyện sử dụng thẻ như tính an toàn, chất lượng dịch vụ hay các sự cố liên quan… Vậy ông có thể cho biết việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ được các ngân hàng thực hiện ra sao?
Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngân hàng trong việc nâng cao tính an toàn, bảo mật, chất lượng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thẻ.
Tại Hội nghị thường niên Hội thẻ ngân hàng Việt Nam năm 2017 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã tập trung bàn về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong dịch vụ thẻ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để phòng, chống tội phạm thẻ.
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đã thường xuyên quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin cũng như hạ tầng an ninh, bảo mật trong thanh toán thẻ; tăng cường thông tin đến khách hàng về các thủ đoạn mới của tội phạm thẻ...
Cần những định hướng, giải pháp nào để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là dịch vụ thanh toán thẻ, theo ông?
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là dịch vụ thẻ, ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội;
Phải chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng, công nghệ thanh toán, nhất là ứng dụng những công nghệ mới để gia tăng tiện ích, bảo đảm cho khách hàng thực hiện thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn;
Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ;
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ…