Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về tình hình phòng chống tội phạm tài chính trên toàn cầu? Đâu là những xu hướng cần được chú trọng?
Trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, có một hệ lụy là các doanh nghiệp và tổ chức phải đối mặt với ngày càng nhiều các rủi ro liên quan đến tội phạm tài chính. Trước sự cần thiết phải tăng cường công tác giám sát và cải tổ các quy định pháp lý, các cơ quan quản lý đang đưa ra lập trường cứng rắn hơn về tội phạm tài chính khi giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Một xu hướng chủ đạo trong năm 2019 là yêu cầu chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tài chính. Đây cũng là một nội dung chính trong các đề xuất của Tổ chức đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới đang thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp cấm vận quốc tế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trừng phạt thông qua cấm vận đã trở thành một công cụ được ưa chuộng để gây áp lực thay đổi lên các chính phủ, tuy nhiên nó cũng mang đến nhiều thách thức cho môi trường kinh tế, đặc biệt khi mà các lệnh trừng phạt đang được áp đặt và sửa đổi một cách nhanh chóng như hiện tại. Tình hình dự kiến sẽ còn trở nên phức tạp hơn nữa trong năm nay.
Ngoài ra, các vấn đề tồn tại liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng (Ultimate Beneficial Ownership - “UBO”) và nguồn gốc tài sản đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn bộc lộ khiếm khuyết ngay cả khi chưa áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng nâng cao. Chúng tôi cho rằng, sẽ có thêm các quy định pháp luật về UBO được đưa ra trong năm nay, và những quy định này sẽ trở thành một thành tố quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm tài chính.
Trên đây là một số xu hướng chính về phòng, chống tội phạm tài chính trên phạm vị toàn cầu và Việt Nam cũng sẽ không phải là một ngoại lệ.
Ông đánh giá thế nào về tình hình phòng chống tội phạm tài chính tại Việt Nam? Những gì đã làm tốt và những gì cần được cải thiện?
Chúng tôi đánh giá cao những thay đổi tích cực trong công tác phòng chống tội phạm tài chính tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều cải tiến liên quan các luật định và quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo đề xuất của FATF và thông lệ quốc tế. Văn hóa tuân thủ và sự nhận thức nói chung cũng đã được tăng cường đáng kể. Đây là những thành tựu rất đáng khích lệ và sẽ mang đến những lợi ích cho Việt Nam trong dài hạn.
Mặc dù vậy, nhiều khía cạnh có thể được làm tốt hơn nữa, đặc biệt về chuẩn mực tuân thủ. Vẫn còn khoảng cách giữa các chuẩn mực trong nước và quốc tế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý các rủi ro tội phạm tài chính. Một tín hiệu tích cực là các cơ quan quản lý đã ghi nhận và đang dành nhiều sự ưu tiên để thu hẹp sự khác biệt này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, yêu cầu sự chung tay nỗ lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực.
Việc tiền mặt tiếp tục được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi là một thách thức đặc thù mà Việt Nam đang phải đối mặt, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và các tổ chức tài chính trong việc kiểm tra, quản lý và truy tìm nguồn gốc các giao dịch. Càng nhiều các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống điện tử, việc thực thi sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Với nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng thách thức này sẽ dần được giải quyết, từ đó nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm tài chính.
Vậy, các ngân hàng Việt cần chú ý điều gì, thưa ông?
Cùng với quá trình tăng trưởng của Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ tài chính xuyên biên giới. Trong bối cảnh tội phạm tài chính ngày càng diễn biến phức tại, việc cung cấp dịch vụ cần phải được thực hiện theo quy chuẩn của thông lệ quốc tế, qua đó, đảm bảo rằng các cơ hội trên thị trường toàn cầu vẫn rộng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc này sẽ đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, các nguồn lực, công tác đào tạo và tăng cường kiến thức, cùng với đó là một khung quản lý rủi ro tội phạm tài chính hiệu quả để hỗ trợ kế hoạch kinh doanh.
Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm, hoạt động rửa tiền thường có sự kết nối với các hoạt động tội phạm có tổ chức. Những loại tội phạm như như tội phạm công nghệ cao, buôn bán ma túy, buôn người, buôn bán động vật hoang dã và tài trợ khủng bố sẽ có liên quan trực tiếp tới hoạt động rửa tiền - qua đó bọn tội phạm sử dụng tiền đã được rửa để tiếp tục thực hiện và/hoặc thu lợi từ các hoạt động tội phạm. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi các tổ chức tội phạm.
Ngân hàng đại lý là lĩnh vực kinh doanh có rủi ro cao về tội phạm tài chính. Việc rút khỏi lĩnh vực này có vẻ sẽ là một giải pháp an toàn hơn cho các ngân hàng. Tuy vậy, được biết, Standard Chartered lại đang đi theo một hướng tiếp cận khác đó là giảm thiểu rủi ro thông qua đào tạo. Ông có thể chia sẻ lý do tại sao và ông có khuyến khích các ngân hàng áp dụng cách tiếp cận này?
Ngân hàng đại lý đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế và phổ cập tài chính vì nhờ ngân hàng đại lý mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các dịch vụ tài chính xuyên biên giới. Những rủi ro và thách thức xuất hiện khi các ngân hàng đại lý không có đủ kiến thức và năng lực để đối phó với tội phạm tài chính, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay khi mà những sự thay đổi đang diễn ra nhanh chóng nhờ sự phát triển của công nghệ và các nền tảng sáng tạo.
Mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược của riêng mình. Tại Standard Chartered, chúng tôi tin rằng việc đảm bảo an ninh của hệ thống tài chính và phổ cập tài chính có thể được thực hiện một cách hài hòa. Học viện Ngân hàng đại lý là một phần trong chiến lược “Giảm thiểu rủi ro thông qua hoạt động đào tạo” của Ngân hàng.
Thông qua chia sẻ việc kiến thức và thông lệ quốc tế với các ngân hàng đối tác, chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho hoạt động ngân hàng đại lý trở nên đảm bảo và an toàn hơn. Chiến lược này cũng giúp chúng tôi kiểm soát các rủi ro liên quan đến tội phạm tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đại lý, hỗ trợ quá trình tăng trưởng ở các thị trường đang nổi và thúc đẩy phổ cập tài chính.
Được triển khai từ năm 2015, đến nay Học viện Ngân hàng đại lý của Standard Chartered đã hỗ trợ được cho hơn 1.000 ngân hàng và hơn 5.000 nhân viên ngân hàng trên khắp thế giới. Vào tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức một buổi hội thảo về phòng chống tội phạm tài chính với sự tham dự của hơn 80 đại diện cấp cao và cấp trung đến từ các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.