CEO Sở GDCK Đài Loan: Chìa khóa tạo niềm tin là sự minh bạch

(ĐTCK) Tại TTCK Đài Loan, công tác chấm điểm DN niêm yết đã được thực hiện từ nhiều năm nay và Tổng giám đốc Sở GDCK Đài Loan (TWSE) ông Lih-chung CHIEN cho biết, đây là một trong nhiều hoạt động hiệu quả thúc đẩy sự minh bạch. Ông khuyên TTCK Việt Nam rất nên duy trì nỗ lực này. 
CTCK Yuanta - CTCK lâu đời nhất Đài Loan - vừa khai trương hoạt động CTCK Yuanta Việt Nam. Công ty này mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư Đài Loan đầu tư vào TTCK Việt Nam

Xin ông chia sẻ bức tranh tổng quan về TTCK Đài Loan hiện nay?

TTCK Đài Loan hiện có 920 doanh nghiệp niêm yết, với giá trị giao dịch khoảng 100 triệu đài tệ/ngày. Dù thanh khoản thị trường thuộc loại cao so với nhiều TTCK khác, nhưng chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để có thêm nhiều sản phẩm mới, mang đến nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư, giúp thị trường thanh khoản và hiệu quả hơn.

Điểm chúng tôi quan tâm nhất là tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, làm cách nào giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị công ty, thì từ đó mới có thể quốc tế hóa và thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK. 

Sức hấp dẫn của TTCK  Đài Loan đến từ những yếu tố nào, thưa ông?

TTCK Đài Loan hiện có nhiều doanh nghiệp niêm yết là các doanh nghiệp nước ngoài với trên 20% giá trị giao dịch là của nhà đầu tư nước ngoài. TTCK Đài Loan đang hoạt động rất linh hoạt, cố gắng phát triển và thu hút nhà đầu tư mở rộng cửa cho họ tham gia đầu tư vào doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là điểm TTCK Việt Nam cũng nên cải thiện để tăng sức hấp dẫn với dòng vốn chuyên nghiệp.

Về cơ bản, có 2 cách để cải thiện sức hấp dẫn vốn ngoại. Thứ nhất là mở rộng tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp bản địa và thứ hai là cải thiện thủ tục tham gia TTCK. Làm sao để các thủ tục được thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, bởi dòng vốn nước ngoài luôn có nhiều cơ hội chọn lựa. Vì thế, làm cách nào để tạo nên sự dễ dàng cho dòng chảy vốn mới có thể thu hút được sự quan tâm của vốn ngoại đến TTCK.

 Ông Lih-chung CHIEN

Tại Đài Loan, năm 2010, chúng tôi đã tiến hành xóa bỏ hoặc làm đơn giản hóa nhiều quy tắc kiểm soát vốn ngoại. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, TTCK Đài Loan có 2 khối doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm là khối công ty vừa và nhỏ và khối công ty công nghệ. Trên phương diện nhà quản lý, chúng tôi quan niệm rằng, các DN phải kiến tạo nên sự phát triển của chính mình, còn phía Sở GDCK, chúng tôi chú trọng thông tin minh bạch và thúc đẩy DN quản trị hiệu quả. Chúng tôi ý thức được rằng, chỉ có sự minh bạch mới giúp nhà đầu tư được tiếp cận thông tin thật về doanh nghiệp, về sức khỏe tài chính và tiềm năng phát triển. Tôi cho rằng, TTCK Việt Nam cũng rất nên chọn minh bạch và quản trị công ty tốt là hai giá trị cốt lõi trong phát triển TTCK.

Đài Loan đã có những giải pháp cụ thể nào để tạo nên sự minh bạch cho TTCK, thưa ông?

Trước hết, hàng năm, chúng tôi tổ chức các cuộc chấm điểm quản trị công ty với các doanh nghiệp niêm yết và công bố công khai số điểm, cả điểm tích cực và chưa tích cực. Các doanh nghiệp nhìn vào điểm số, nhìn vào chính mình để hiểu mình đang ở mức nào và có động lực để cải thiện và vươn lên. Tiếp theo, chúng tôi thực hiện giám quản thị trường chặt chẽ.

Bên cạnh FSC (Cơ quan quản lý tài chính Đài Loan) và Sở GDCK, chúng tôi thiết lập các trung tâm kiểm soát sự minh bạch. Theo đó, mỗi năm, các doanh nghiệp trên sàn đều phải làm báo cáo gửi cơ quan quản lý và trung tâm này, báo cáo hoạt động của HĐQT, các cổ đông lớn, người có liên quan, các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động có lợi ích liên quan đến doanh nghiệp niêm yết.

Cùng với đó, chúng tôi quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành huy động vốn của các doanh nghiệp. Nếu mắc lỗi, các chủ thể phạm lỗi sẽ phải chịu hình phạt rất nặng. Tôi cho rằng, sự minh bạch sẽ đến khi thị trường có nhiều giải pháo hữu hiệu đến từ nhà quản lý, doanh nghiệp và sự giám sát độc các hoạt động của thị trường.

Như ông vừa nói, TTCK Việt Nam nên chọn minh bạch và quản trị công ty tốt là các giá trị hay là những mục tiêu thực hiện trong các năm tới, vậy tại Đài Loan, các ông hướng TTCK đến những mục tiêu nào?

Mục tiêu của chúng tôi là thị trường càng quốc tế hóa càng tốt. Quốc tế hóa sẽ giúp chúng tôi mở rộng quy mô thị trường và cung cấp nhiều cơ hội hơn cho những nhà đầu tư, cũng như thu hút sự quan tâm của họ khi thị trường luôn có sự cải tiến, có các sản phẩm mới, chuyên nghiệp và minh bạch.

Quốc tế hóa cũng sẽ giúp chúng tôi nâng cao tính cạnh tranh của thị trường trên bình diện quốc tế. Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng luôn nỗ lực mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay tại Đài Loan chỉ có 2 ngành là vận chuyển và viễn thông là nhà đầu tư nước ngoài không được nắm 100% vốn, còn lại tất cả các ngành khác đều không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.

Để tăng cường sự hiểu biết và sức hút vốn quốc tế, hàng năm, chúng tôi thường tổ chức các cuộc giới thiệu về các công ty mới hoặc sắp lên sàn trên một số thị trường vốn quốc tế. Cách làm này giúp doanh nghiệp Đài Loan được quảng bá và cũng giúp nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tiếp cận các doanh nghiệp Đài Loan và các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp.

Thực tế, TTCK Đài Loan mới được xếp hạng ở mức đang phát triển. Trong tương lai, cơ quan quản lý có đặt mục tiêu nâng hạng thị trường không, thưa ông?

Chúng tôi đang có một TTCK chất lượng với nhiều công ty tốt và có tiềm năng tăng trưởng mạnh, nhất là các công ty trong ngành công nghệ, điện tử (chiếm 50% số doanh nghiệp trên sàn). Như tôi đã chia sẻ, nỗ lực của Sở GDCK là phối hợp với các doanh nghiệp thực thi sự minh bạch và minh bạch hơn nữa, vì chúng tôi nhận ra rằng, bên cạnh sức phát triển của doanh nghiệp thì sự minh bạch chính là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng thu hút vốn vào thị trường.

Cùng với đó, chúng tôi tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính thông minh, có sức cạnh tranh tương đương với các sản phẩm trên TTCK phát triển. Chúng tôi luôn không ngừng nỗ lực hướng đến sự phát triển.

Để được nâng hạng lên TTCK phát triển theo MSCI thì thị trường phải đáp ứng nhiều tiêu chí, nhất là các tiêu chí định lượng. Vì thế, chúng tôi không đặt ra một mốc cụ thể về thời gian khi nào được nâng hạng, mà mục tiêu của chúng tôi là tăng sức cạnh tranh của chính mình. Thời điểm nâng hạng sẽ đến một cách tự nhiên.

Vậy ông bình luận gì về việc TTCK Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng lên thị trường cận biên hiện nay?

Quan sát TTCK Việt Nam tôi biết rằng, đa số các doanh nghiệp trên sàn niêm yết hiện có quy mô vừa và nhỏ. Thực ra, khi doanh nghiệp ở quy mô nhỏ là lúc thị trường ẩn dấu nhiều cơ hội và khả năng phát triển rất tiềm năng.

Tuy nhiên, để đạt được sức phát triển cao hơn, tôi nghĩ  rằng, Việt Nam cần nới lỏng một số chính sách, đặc biệt là chính sách quản lý tỷ giá. Điểm này nên cân nhắc lại. Thứ hai, quy định về tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài nên rõ ràng, cụ thể hơn.

Chẳng hạn, Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần tại những ngành nghề cụ thể, còn lại cho phép các doanh nghiệp và nhà đầu tư được chủ động quyết định. Cùng với đó, cần thúc đẩy các doanh nghiệp minh bạch và tăng cường quản trị công ty. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Các chủ thể, nhất là doanh nghiệp niêm yết và các tổ chức tài chính trung gian, cần phải được quản trị tốt thì mới mong giảm bớt những cú sốc và mất mát cho người tham gia. Tôi nghĩ, nếu thị trường Việt Nam có tính mở cao hơn và nội tại trong đó các doanh nghiệp được quản trị tiên tiến, minh bạch thì không có lý do gì TTCK Việt Nam không hấp dẫn, việc nâng hạng thị trường sẽ là hệ quả tất yếu từ những nỗ  lực trên.

Bên cạnh thị trường cơ sở, Việt Nam mới mở cửa TTCK phái sinh kể từ tháng 8/2017. Là thị trường đi trước và giàu kinh nghiệm phát triển nền chứng khoán phái sinh, ông có lời khuyên gì cho Việt Nam?

Tại Đài Loan, TTCK phái sinh rất phát triển, trong đó sản phẩm phát triển nhất là chứng quyền. Đây là một sản phẩm có sức hấp dẫn cao nhưng cũng đòi hỏi phải không ngừng dõi theo và cải thiện vì nó có liên quan đến cả TTCK cơ sở. Muốn có sản phẩm chứng quyền tốt, điều tất yếu cần có là phải có nhiều sản phẩm cơ sở tốt. Nhà đầu tư sau thời gian đầu bỡ ngỡ với chứng quyền, thì khi hiểu sản phẩm, sẽ ưa thích chứng quyền.

Liên quan đến TTCK Việt Nam, chúng tôi đã và sẽ giao lưu nhiều hơn với Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trong phát triển TTCK phái sinh. Tại Đài Loan, CTCK Yuanta là công ty chiếm thị phần lớn nhất về sản phẩm chứng quyền.

Tôi tin rằng, khi Yuanta phát triển tại Việt Nam, Công ty sẽ mang kinh nghiệm và nguồn lực của mình góp sức phát triển chứng quyền cũng như nhiều sản phẩm tài chính chuyên nghiệp khác tại Việt Nam.

Thực tế tại Đài Loan cho thấy, để thị trường vận hành trơn tru và cân bằng thì vai trò của nhà tạo lập rất quan trọng. Do vậy, khi xây sản phẩm cần tính tới việc xây dựng các nhà tạo lập thị trường đủ mạnh để hoạt động giao dịch được diễn ra thông suốt và cân bằng.

Việc CTCK Yuanta - CTCK lâu đời nhất Đài Loan - quyết định đầu tư 100% vốn thành lập CTCK Yuanta Việt Nam liệu có tạo nên sự kết nối cho vốn Đài Loan quan tâm đến TTCK Việt Nam, thưa ông?

Tôi rất vui khi biết rằng, CTCK Yuanta đã quyết định lập CTCK 100% vốn tại Việt Nam. Tôi tin rằng, với khả năng quản trị vững vàng và cơ sở khách hàng rộng lớn, CTCK Yuanta sẽ sớm thu hút nhiều nhà đầu tư Đài Loan quan tâm đến TTCK Việt Nam.

Hiện tại, các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư trực tiếp vào Việt Nam rất nhiều. Yuanta có cơ hội kết nối và tận dụng nguồn vốn này thúc đẩy các hoạt động đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Tường Vi thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục