Đó là thông tin mà ông in Weidong, Giám đốc điều hành Sinovac Biotech cho biết vào hôm Chủ Nhật (6/9), theo Reuters.
Mức độ tiêm chủng trong chương trình khẩn cấp mà Trung Quốc đã triển khai vào tháng 7 chỉ ra mức độ tích cực của việc sử dụng vắc xin thử nghiệm với hy vọng bảo vệ những người lao động thiết yếu chống lại sự bùng phát tiềm tàng của Covid-19 ngay cả khi các thử nghiệm vẫn còn đang tiến hành.
Chương trình sử dụng khẩn cấp dành cho các nhóm cụ thể bao gồm nhân viên y tế, những người làm việc tại các chợ thực phẩm và trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ.
Sinovac đang thử nghiệm vắc xin CoronaVac ở giai đoạn 3 và đã được đưa vào chương trình khẩn cấp để cung cấp vắc xin cho khoảng 2.000 – 3.000 nhân viên Sinovac và gia đình trên cơ sở tự nguyện, theo CEO Yin Weidong nói với Reuters.
“Là một nhà phát triển và sản xuất vắc xin, một đợt bùng phát mới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất vắc xin của chúng tôi”, ông Yin giải thích lý do tại sao công ty của ông được đưa vào chương trình khẩn cấp.
Ông Yin cũng cho biết, dữ liệu thu thập được từ chương trình này có thể cung cấp bằng chứng về tính an toàn của vắc xin, nhưng dữ liệu này không nằm trong quy trình thử nghiệm lâm sàng đã đăng ký, nên sẽ không được sử dụng làm tài liệu chính mà các cơ quan quản lý xem xét để đánh giá liệu có chấp thuận vắc xin để sử dụng thương mại hay không.
Ông Yin cũng đã tiêm loại vắc xin này và cho biết, các bác sĩ đã hỏi về tình trạng sức khoẻ của người tiêm vắc xin trước khi tiến hành tiêm chủng và tỷ lệ xảy ra phản ứng tiêu cực là rất thấp.
Theo kết quả của một thử nghiệm giai đoạn 2 do Sinovac tiến hành với 600 người tham gia và được công bố vào tháng 8, các tác dụng phụ sau khi dùng CoronaVac bao gồm mệt mỏi, sốt và đau, với hầu hết các triệu chứng nhẹ.
Hiện tại, vẫn chưa có vắc xin nào vượt qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với quy mô lớn và chứng minh đủ an toàn và hiệu quả trước Covid-19.