Bà đã chứng minh rằng, bạn là ai và đến từ đâu hoàn toàn không phải là rào cản, nếu bạn có một giấc mơ, thì tất cả điều bạn cần là ý chí và quyết tâm để đạt được giấc mơ đó.
Theo Indra Nooyi, việc tiếp cận các vị trí lãnh đạo có thể khó khăn đối với một người phụ nữ, đặc biệt là khi không phải là người bản địa. Tuy nhiên, bà đã đạt được điều đó bằng sự nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi.
“Lãnh đạo là một nhiệm vụ khó khăn, song để trở thành một lãnh đạo tốt thậm chí còn khó hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu bạn có thể khiến được mọi người nghe và làm theo bạn, ngay cả trong những thời điểm gian nan nhất, bạn là một nhà lãnh đạo tuyệt vời”, Indra phát biểu.
Với vai trò đứng đầu 1 trong 4 tập đoàn lớn nhất thế giới, Indra đã đưa nhiều chiến lược phát triển đột phá mang tính toàn cầu cho PepsiCo, trong đó có thương vụ đình đám: thâu tóm thành công Wimm-Bill-Dann Foods, công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Nga. Cho đến nay, đây vẫn là thương vụ quốc tế lớn nhất trong lịch sử của PepsiCo.
Trong danh mục sản phẩm toàn cầu, PepsiCo có 22 thương hiệu tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh số bán lẻ mỗi năm, bao gồm Pepsi-Cola, Quaker, Tropicana, Gatorade, Frito-Lay... Hiện PepsiCo là tập đoàn kinh doanh thực phẩm và nước giải khát lớn thứ 2 trên thế giới về doanh thu thuần, với con số đạt được hàng năm lên tới hơn 63 tỷ USD.
Với sự thành công và tầm ảnh hưởng của mình, Indra liên tục góp mặt trong Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Tạp chí Forbes. Năm 2014, bà đứng thứ 13 trong danh này. Bà cũng là thành viên của Hội đồng quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thành viên Viện Hàn lâm Mỹ thuật và khoa học Hoa Kỳ.
Indra Nooyi đã trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng thực sự cho hàng triệu cô gái trẻ tại Ấn Độ cũng như trên thế giới, những người đang hàng ngày phải nỗ lực, phấn đấu để khẳng định vị trí không chỉ tại nơi làm việc của họ, mà còn cả trong xã hội.
Indra Krishnamurthy Nooyi, sinh năm 1955, trong một gia đình Tamil bảo thủ ở Madras (thủ phủ của bang Tamil Nadu, hiện được gọi là Chennai), Ấn Độ. Cha bà từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Hyderabad.
Từ khi còn nhỏ, bà và em gái đã được mẹ chuẩn bị chu đáo về tư tưởng và lối sống thụ động giống như đa số phụ nữ trong gia tộc khi đó. Những điều này buộc cô gái trẻ Indra phải suy nghĩ và đưa ra lựa chọn khó khăn để có thể thoát ra khỏi sự trói buộc, định kiến xã hội để được sống, được làm những công việc mà cô mong muốn khi trưởng thành.
Tại Ấn Độ, Indra đã có bằng cử nhân vật lý, hóa học và toán học tại Trường Madras Christian College vào năm 1974 và bằng thạc sĩ về quản lý tại Indian Institute of Management Calcutta vào năm 1976. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại Ấn Độ, với vị trí quản lý sản phẩm tại Johnson & Johnson và Mettur Beardsell, một công ty dệt may.
Để theo đuổi việc học, Indra quyết tâm đến Mỹ chỉ với số tiền ít ỏi. Sau đó, bà có bằng thạc sĩ của Đại học Yale và để tiếp tục cho việc nghiên cứu của mình tại đây, bà bắt đầu công việc của một nhân viên lễ tân từ nửa đêm cho đến sáng.
Sau khi tốt nghiệp, Indra ở lại Mỹ và làm việc tại The Boston Consulting Group. Bà đã phải làm việc chăm chỉ hơn so với phần lớn các đồng nghiệp, bởi muốn chứng minh giá trị của mình và do không phải là người Mỹ. Indra khiến cho các đồng nghiệp nam giới người Mỹ phải có cái nhìn khác về một phụ nữ nhập cư.
Dường như tất cả những khó khăn, bất lợi không những không thể ngăn cản, mà còn là động lực giúp Indra có những bước tiến nhanh chóng trong sự nghiệp. Từ năm 1986-1990, Indra làm việc cho Motorola và trở thành Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Chiến lược và kế hoạch. Trước đó, tại The Boston Consulting Group, bà cũng đã có 6 năm chỉ đạo các dự án chiến lược của công ty này.
Sau khi rời khỏi Motorola và có thêm 4 năm điều hành Asea Brown Boveri, một doanh nghiệp Mỹ, Indra đầu quân cho PepsiCo vào năm 1994. Tại PepsiCo, bà từng đảm nhận vị trí lãnh đạo tại nhiều bộ phận khác nhau, trước khi trở thành CEO vào năm 2006, rồi đến chức vụ Chủ tịch Công ty vào năm 2007.