CEO Nam A Bank chia sẻ chiến lược số hóa

(ĐTCK) Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, yếu tố tiếp cận nhanh và không giới hạn là tiền đề tiên quyết cho hiệu quả của cả ngân hàng và khách hàng, vì vậy, đẩy mạnh số hóa được NamA Bank xem là chiến lược mũi nhọn.

Đại dịch Covid-19 mang lại những khó khăn chưa từng thấy cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng. Ảnh hưởng của đại dịch tạo áp lực ra sao tới vai trò CEO Nam A Bank mà ông đảm nhiệm?

Ngay khi nhận thấy những tác động của dịch bệnh, chúng tôi đã có nhiều giải pháp, hành động để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Bên cạnh việc tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất chung, với các khách hàng bị tác động cụ thể từ dịch bệnh, thiên tai, Ngân hàng có những gói giải pháp cụ thể để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn (giảm lãi suất, miễn giảm các loại phí ngân hàng, cơ cấu, giãn nợ….).

Đồng thời, nhằm hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể phục hồi, chúng tôi liên tục đưa ra những gói sản phẩm kích cầu có tính trọng điểm: Thủy sản, chăn nuôi, cây công nghiệp, năng lượng…

Dù có khó khăn đến đâu thì theo định hướng chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là hướng tới mốc son kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng, với vai trò CEO, tôi vẫn quyết tâm đưa Nam A Bank trở thành ngân hàng đi đầu trong hoạt động số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động nghiệp vụ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện và đầu tư mạnh mẽ cả phần mềm (nhân sự, hệ thống quản trị nội bộ), phần cứng (máy móc, cơ sở vật chất) theo đúng trọng tâm là ứng dụng cao, sâu rộng công nghệ thông tin nhằm gia tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ và tiện ích cho khách hàng.

Đồng thời, luôn đồng bộ và nhất quán là Nam A Bank hoạt động bền vững, kiểm soát an toàn cho Ngân hàng và khách hàng giao dịch với Ngân hàng bằng công nghệ thông tin, đúng chuẩn mực Basel và thông lệ quốc tế.

Kết thúc năm 2020, nhiều ngân hàng đã báo lãi tích cực. Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2021?

Với sự điều hành nhanh nhạy và chuẩn xác của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển vững chắc và có những vận hội mới, đặc biệt với những ngân hàng mạnh mẽ chuyển đổi số.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank

Năm 2021, các khó khăn vẫn còn nặng nề, phức tạp cho hoạt động ngành ngân hàng nói chung và Nam A Bank nói riêng. Nhưng tôi tin, với sự điều hành nhanh nhạy và chuẩn xác của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển vững chắc và có những vận hội mới, đặc biệt với những ngân hàng mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, tiên phong ở công cuộc số hóa.

Cơ hội để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng của thị trường tại các ngân hàng sẽ mở rộng, vì xu hướng rõ nét là lãi suất giảm, các yếu tố vĩ mô (đà hồi phục kinh tế) cho thấy tín hiệu khả quan cho sự hồi phục và phát triển thị trường năm 2021 so với năm 2020 vừa qua.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các ngân hàng, đặc biệt được đẩy nhanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Song cạnh tranh về số hóa ở lĩnh vực ngân hàng luôn nóng. Vậy đâu là lợi thế riêng của Nam A Bank trong lĩnh vực này?

Chuyển đối số - số hóa hoạt động ngân hàng đem lại nhiều kênh để tạo ra phương thức giao tiếp mới khi khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng, mà ở đó, bên cạnh hiệu quả dịch vụ thì trải nghiệm người dùng được đề cao.

Với phương châm “Một chạm mọi trải nghiệm”, khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng của Nam A Bank sẽ không bị giới hạn bởi thời gian, không gian thông qua các kênh giao dịch 24/7: One Bank VTM 24h, OpenBanking.

Hay nói cụ thể hơn, để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những hoạt động trọng tâm của Ngân hàng là mở rộng mạng lưới, trong đó ưu tiên các chi nhánh ngân hàng ảo (OneBank VTM 24h), đa dạng kênh tiếp cận dịch vụ tài chính, thay đổi phương thức giao dịch bằng việc nhận diện, giao dịch với khách hàng thông qua eKYC... đáp ứng nhu cầu người dùng.

Có nghĩa, công nghệ và số hóa sẽ là yếu tố quyết định trong cạnh tranh dịch vụ của Nam A Bank?

Việc ứng dụng công nghệ còn giúp Ngân hàng có nhiều cơ hội để tiếp cận và mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với giá cả hợp lý đến những thị trường rộng lớn mà người dân chưa có tài khoản và chưa có cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn… nhằm góp phần gia tăng và phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện đến người dân.

Khách hàng đang trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số Nam A Bank.

Việc ứng dụng công nghệ là bước đi quan trọng để gia tăng trải nghiệm của khách hàng và phù hợp với ngân hàng bán lẻ, đó là đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giấy tờ..., giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn, minh bạch hơn và an toàn hơn.

Ứng dụng ngân hàng điện tử (e-Banking) còn giúp nâng cao tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Điều này thể hiện rất rõ khi mà hơn 80% khách hàng sử dụng giải pháp này so với con số hơn 20% trong năm 2015. Vì vậy, những năm tới, số hóa vẫn là chiến lược mũi nhọn của Nam A Bank, với mục tiêu quản trị điều hành trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Cùng với việc chú trọng chuyển đổi số, nâng cao năng lực tài chính cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng. Nam A Bank có kế hoạch chốt room ngoại trước khi chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE nhằm nới rộng không gian huy động vốn ngoại?

Việc tăng năng lực tài chính, nâng cao sức cạnh tranh luôn được chúng tôi chú trọng. Cùng với việc đưa cổ phiếu NAB lên giao dịch trên thị trường UPCoM, ngày 1/9/2020, Nam A Bank đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng, thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Các kế hoạch tăng vốn tiếp theo luôn được Ngân hàng đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng cổ đông để bàn luận và thống nhất. Đây là một trong nhiều giải pháp để tăng cường năng lực tài chính của NamA Bank.

Bên cạnh đó, Ngân hàng dành sự quan tâm và mở rộng với các nguồn lực từ bên ngoài, kể cả nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác quốc tế, nhằm mục tiêu kép: Tận dụng vốn để gia tăng năng lực tài chính và khai thác kinh nghiệm, chuẩn mực quản trị hiện đại của quốc tế để áp dụng, cải tiến năng lực quản trị tại Nam A Bank. Việc có cổ đông ngoại với hệ thống ngân hàng nói riêng và NamA Bank nói chung thời gian tới là xu thế và hoàn toàn tự nhiên, khách quan, nhưng vấn đề này sẽ do các cổ đông của Nam A Bank quyết định cụ thể.

Mục tiêu của chúng tôi là bên cạnh việc thực thi và đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực của Basel 2 thì sẽ liên tục hướng đến và áp dụng các chuẩn mực quản trị cao hơn nữa (Basel 3), tiệm cận với khu vực và quốc tế. Vì thế, việc tăng vốn, trong đó có thu hút vốn nước ngoài, luôn được Ngân hàng chú trọng.

Sau khi đăng ký giao dịch trên UPCoM, Ngân hàng đã sớm nộp hồ sơ chuyển sang niêm yết trên HOSE, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu. Hiện Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 456,4 triệu cổ phiếu của Nam A Bank và chúng tôi sẽ sớm niêm yết cổ phiếu trên Sở trong quý đầu năm nay.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục