Quán quân MimosaTek
CEO Nguyễn Khắc Minh Trí và cộng sự của MimosaTek đang là quán quân của cuộc thi Viet Nam Venture Cup 2015 do YAN Media Group và Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam tổ chức hồi cuối năm ngoái.
Giải nghĩa một cách dễ hiểu nhất, thì MimosaTek nhận ngôi quán quân nhờ dự án ứng dụng các thiết bị công nghệ thông tin có thể “nói chuyện” được với nhau để kiểm soát các công đoạn trong quá trình trồng trọt. Việc quản lý và kiểm tra được thực hiện qua nhiều thiết bị, trong đó có cả những thiết bị di động thông minh.
Một khi các công đoạn cần nhiều sức lực, chẳng hạn như tưới nước được tự động hóa, chủ nông trại sẽ phân bổ được nguồn lao động hợp lý và tập trung vào các công đoạn quan trọng hơn, từ đó nâng cao năng suất cây trồng.
“Hiện nay, hệ thống MimosaTek đã tự động hóa được khâu tưới tiêu, giúp tiết kiệm được khoảng 30-50% lượng nước tiêu thụ so với cách làm truyền thống. Chúng tôi đang có khách hàng cả dùng thử và thu phí ở Đà Lạt, Phan Thiết và Long Khánh”, ông Trí cho biết.
Không muốn chia sẻ về kế hoạch sắp tới, vì khó khăn trước mắt còn nhiều, nói hay chỉ là cái vỏ ngoài, nhưng ông Trí tiết lộ, các giải pháp của MimosaTek sẽ không dừng ở công đoạn tưới nước như hiện nay.
Cơ hội từ Internet of Things
Sinh năm 1982, Nguyễn Khắc Minh Trí tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM chuyên ngành viễn thông. Trước khi khởi nghiệp, ông từng là Giám đốc kỹ thuật ở Công ty DTS, một đối tác của hãng sản xuất thiết bị mạng Cisco ở Việt Nam và Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo Sài Gòn CTT.
Nhưng, ông Trí chia sẻ, mong muốn khởi nghiệp nung nấu trong đầu ông khi còn tham gia giảng dạy ở Sài Gòn CTT. Giống như nhiều giảng viên khác, ông muốn đóng góp nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc giảng dạy các giải pháp công nghệ của các hãng lớn như Microsoft, Cisco…
“Các giải pháp của các công ty công nghệ nước ngoài rất tốt, nhưng theo chu kỳ khoảng 3 năm đến 5 năm họ lại đổi mới công nghệ một lần. Đến cả những giảng viên như tôi cũng phải học lại, huống hồ các doanh nghiệp, nghĩa là họ sẽ phải bỏ thêm chi phí. Tôi muốn đóng góp nhiều hơn nữa”, ông Trí nói.
Nhưng ý định khởi nghiệp khó thực hiện ngay, bởi ngoài việc phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, chi phí đầu tư cũng là một trở ngại. Một hệ thống dù tốt đến đâu nhưng chi phí quá cao buộc các doanh nghiệp dè chừng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây ở Việt Nam và đặc biệt nhất là xu hướng Internet of Things (IoT), hay còn gọi là Internet vạn vật, khái niệm mọi đồ vật đều kết nối Internet, trở nên gần gũi hơn, là cơ hội để ông Trí quay lại với mong muốn thời sinh viên.
Bởi, ông nói, xu hướng này đã thay đổi bộ mặt ngành công nghệ thông tin. Thay vì sản xuất các hệ thống máy chủ như trước kia, các hãng chuyển dần sang sản xuất các bộ vi xử lý cho phép khách hàng lập trình trên đó và các thiết bị phụ trợ đi kèm. Nói một cách ví von, nếu như trước đây họ bán con dao được mài sắc, trang trí bắt mắt thì nay họ bán đá, lưỡi dao, cán dao… Mài dao sắc, trang trí đẹp đến đâu và sử dụng vào việc gì phụ thuộc vào khả năng của người mua. Và cũng bởi chỉ bán nguyên liệu “thô”, nên giá thành rẻ hơn rất nhiều so với việc bán thành phẩm như trước đây. “Đây là cơ hội của tôi”, ông kể lại.
Phải mất một năm, ông Trí mới tìm được những người cùng chung chí hướng. Mỗi người đảm trách một bộ phận quan trọng trong công ty. Phần mình, ông Trí đảm trách việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Việc bố trí nguồn nhân lực đã ổn định nhưng cái khó nhất khi khởi nghiệp, theo ông Trí, là các thành viên phải giữ được “lửa” để đi đường dài với nhau. Để thực hiện, ngoài sự chân thành cũng cần đến những cam kết ràng buộc về mặt luật pháp.
Chính vì thế, những người đồng sáng lập bên cạnh việc góp vốn vào công ty, còn cam kết đi cùng nhau một khoảng thời gian theo thỏa thuận thì mới được rút cổ phần.
Kinh doanh cần cái đầu lạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy, sản năm 2015 là 30,14 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản đạt 13,95 tỷ USD.
Còn khảo sát của MimosaTek cho thấy, trong số 13,95 tỷ USD, có đến 70% đóng góp đến từ các nông trại có quy mô sản xuất vừa và lớn. Đây sẽ là tập khách hàng tiềm năng của MimosaTek.
Nhưng không đơn giản để đưa tập khách hàng này sang nhóm khách hàng hiện hữu. Điều này dẫn đến hai rào cản.
Thứ nhất, đây cũng là tập khách hàng của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp đến từ nước ngoài.
Thứ hai, thu hoạch nông nghiệp theo mùa vụ, tính rủi ro rất cao, chính vì thế các chủ nông trại có xu hướng dè chừng với những cái tên mới trên thị trường.
MimosaTek quyết định áp dụng dịch vụ thanh toán bằng hình thức thuê bao hằng tháng, thay vì phải đầu tư một lần, để tạo ra sự khác biệt. Cho đến nay, sự khác biệt này vẫn là riêng có của MimosaTek.
Với mô hình kênh thuê bao, giá sản phẩm phần cứng được định giá theo cách khấu hao vào thiết bị nên giảm chi phí đầu tư ban đầu. Để giải quyết bài toán lòng tin, Công ty áp dụng chính sách dùng thử với tất cả khách hàng.
“Chúng tôi không đi theo mô hình kinh doanh giá rẻ cũng như không dùng giá là yếu tố chính để cạnh tranh với các giải pháp nước ngoài. Mọi kết quả đều được đánh giá trên thực tế”, ông Trí nói.
Kết quả đó là đa phần khách hàng sau thời gian dùng thử đều chuyển sang dịch vụ thuê bao hằng tháng.
Tuy nhiên, ông Trí cũng thừa nhận, mọi việc dù có tính toán kỹ đến đâu, sản phẩm có tốt đến mấy, nhưng nếu thiếu yếu tố thời điểm, hay còn gọi là may mắn, thì mọi thứ đều trở thành công cốc.
Việc biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng hạn hán kéo dài trong những năm gần đây đã khiến các chủ nông trại quan tâm đến việc đầu tư công nghệ để kiểm soát việc tưới tiêu nhiều hơn. Thứ đến, các giải pháp nước ngoài mỗi khi gặp sự cố, phải thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ với chi phí đắt đỏ cũng khiến nhiều chủ nông trại mở lòng hơn với các giải pháp trong nước. MimosaTek đã xuất hiện đúng lúc.
Với những bước phát triển hiện tại, ông Trí đang kỳ vọng đưa MimosaTek trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho MimosaTek với những doanh nghiệp đến sau.
Cũng cần phải nhắc đến yếu tố nguồn vốn, đầu tư vào nông nghiệp hiện nay đang là xu hướng, doanh nghiệp bản địa đang có nhiều lợi thế vì am hiểu thị trường, nhưng mặt khác đây là cuộc chơi lớn, không dành cho những doanh nghiệp yếu về tài chính và kỹ năng quản trị.
Ý thức được điều đó, MimosaTek đã chủ động mở cửa với các nhà đầu tư từ khá sớm. Trước những tin đồn về các công ty khởi nghiệp mất tất cả về nhà đầu tư vì gọi vốn quá sớm, ông Trí tin rằng, tùy mô hình Công ty, chứ đây không phải là đáp án có tính phổ quát.
Các nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án nào đó, họ thường nhìn vào tiềm năng thị trường và đội ngũ nòng cốt của công ty đó. Theo ông Trí, việc mở lòng sớm hay muộn với nhà đầu tư thì họ cũng có những quyền lợi nhất định, nhưng dù thời điểm nào, nhà đầu tư cũng cân bằng quyền lực với các đội ngũ nòng cốt của công ty.
“Không nhà đầu tư nào muốn đánh mất động lực của những người sáng lập, vì họ là linh hồn của công ty. Bởi, chuyên môn của nhà đầu tư đầu tư tài chính, họ không muốn chiếm quyền kiểm soát để rồi làm thay việc của thành viên sáng lập”, ông Trí nói.
Dáng người cao gầy, phong thái điềm đạm và khá cởi mở, đồng sáng lập kiêm CEO của MimosaTek luôn đem lại cảm giác mọi sự đều được chuẩn bị đến cả kịch bản xấu nhất.
“MimosaTek rất may mắn khi ra đời đúng lúc thị trường cần. Nhưng để di đường xa, may mắn không chưa đủ. Chúng tôi phải giữ mình tỉnh táo để theo đuổi cuộc chơi”, ông Trí chia sẻ kinh nghiệm.