CEO Đỗ Bá Dân và “cuộc chiến” với sự lỗi thời

Khi thiết bị truyền video qua 3G của Công ty Trí Nam chính thức xuất xưởng, thì mạng 4G đã ra thị trường... Thay vì hái quả, Công ty nhận nguyên thùng nước đá. Nhưng bằng nỗ lực của mình, CEO Đỗ Bá Dân đã đưa Trí Nam trở thành một doanh nghiệp có tiếng trong làng công nghệ.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam ngồi vị trí CEO kỳ này. Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam ngồi vị trí CEO kỳ này.

“Đối với công nghệ, có thể bạn đủ giỏi để tạo ra sản phẩm theo nhu cầu thị trường hiện tại, nhưng trong tương lai, chỉ một chút chậm chân, bạn sẽ trở nên lỗi thời và sẽ phải trả giá”, CEO Đỗ Bá Dân của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam mở đầu câu chuyện về hành trình kinh doanh của mình như vậy.

Là một học sinh chuyên lý, từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia, Đỗ Bá Dân chọn thi Đại học Bách khoa để theo đuổi niềm đam mê công nghệ. Vừa học, anh vừa làm thêm trong một tập đoàn công nghệ lớn và từ đó đã nhen lên trong lòng ước mơ có một doanh nghiệp riêng với những sản phẩm công nghệ vượt trội.

Cơ duyên đến khi vào năm 2007, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến E-learning của Đỗ Bá Dân cùng nhóm nghiên cứu đoạt giải Nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Đó thực sự là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy anh tự tin vững bước trên con đường công nghệ.

Hai năm sau, Đỗ Bá Dân cùng hai thành viên trong nhóm thành lập Công ty Trí Nam. Đúng lúc ấy, công nghệ 3G đã làm bùng nổ nhu cầu liên hệ trực tuyến, kéo theo các trạm BTS gia tăng đột biến và theo đó, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự kiểm soát chất lượng, vận hành hệ thống. Nhanh chóng nhận ra cơ hội thị trường, Công ty Trí Nam quyết định nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền video qua mạng 3G và thiết bị hỗ trợ giám sát trạm BTS.

Dồn vốn, vay thêm tiền, Đỗ Bá Dân cùng các đồng sự quyết tâm “đánh” một cú lớn. Chuyên môn vững, nên ngay năm đầu tiên, Công ty Trí Nam đã hoàn thành xong phần mềm. Vậy nhưng, với phần cứng thì bị mắc kẹt do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn non yếu. Phải đến hai năm sau, Công ty mới hoàn thiện xong phần cứng… Nhưng khi thiết bị truyền video qua 3G của Trí Nam chính thức xuất xưởng thì cũng là lúc mạng 4G đã ra thị trường.

“Sản phẩm 3G của chúng tôi vừa ra đời đã trở nên lỗi thời. Thay vì hái quả, chúng tôi nhận nguyên thùng nước đá. Chưa hết, thiết bị hỗ trợ giám sát trạm BTS của chúng tôi cũng chậm mất 3 năm, không còn hấp dẫn các nhà mạng vì họ đã sớm tìm được công nghệ thay thế. Vậy là chúng tôi như trở thành người tiền sử”, Đỗ Bá Dân cay đắng thừa nhận.

Không lẽ  tất cả sẽ trôi ra sông ra biển. Lẽ nào đứa con công nghệ của mình sẽ trở thành “đống sắt vụn”? Đỗ Bá Dân trăn trở mãi với câu hỏi phải làm thế nào bây giờ.

Tất cả như bị mất phương hướng. Đóng cửa thì mất hết, nhưng muốn đi tiếp thì đào đâu ra tiền? Câu hỏi “tiếp tục hay dừng lại?” cứ quanh quẩn trong cái đầu đang muốn vỡ tung ra của Đỗ Bá Dân. Rồi cuối cùng anh nhận ra rằng, mình không có đường lùi. Đồng thời cũng hiểu, mình không được phép có thêm bất kỳ một sai lầm nào nữa. Bởi vì đó sẽ là đòn “chí mạng” cuối cùng cho cá nhân anh, cho đội ngũ nhân sự và cả Công ty Trí Nam.

Hiểu như vậy, Đỗ Bá Dân và các đồng sự họp bàn và rút ra các bài học kinh nghiệm, để rồi nhận ra, mình đã sai lầm khi chỉ mải mê nghiên cứu sản phẩm, mà không để mắt đến các xu hướng, thay đổi của thị trường, càng không hề tính đến bất cứ phương án “back-up” nào.

Rút ra bài học kinh nghiệm, Đỗ Bá Dân chấp nhận mất trắng 3 tỷ đồng, bỏ hoàn toàn tham vọng làm phần cứng, mà tập trung toàn lực vào vào thế mạnh của nhóm là thiết kế phần mềm. E-learning và các sản phẩm phần mềm quản lý khác đang đem lại doanh thu rất tốt, nếu tiếp tục cải tiến, phát triển, thì chúng sẽ là “bảo chứng” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính.

Cứ thế từng bước, Đỗ Bá Dân toàn tâm, toàn ý thực thi chiến lược mới. Kiên trì suốt gần 3 năm thì doanh nghiệp đi vào ổn định và bắt đầu tăng trưởng. Tới nay, sau một thập kỷ, Trí Nam có quy mô 150 nhân sự, đã phát triển được trên 100 sản phẩm. Hiện Công ty đang hướng tới các sản phẩm trong lĩnh vực dịch vụ y tế và giáo dục.

“Các cụ vẫn khuyên chậm mà chắc. Nhưng dường như điều này đã không còn đúng cho thế giới phẳng hiện nay, đặc biệt là những người xây dựng và theo đuổi công nghệ như chúng tôi. Bài toán ‘lỗi thời’ sẽ luôn là quả bom nổ chậm để nhắc nhở chúng tôi phải luôn luôn sáng tạo, luôn luôn đổi mới. Đó là áp lực, nhưng cũng là thách thức đầy ma lực cho dân công nghệ”, Đỗ Bá Dân mỉm cười.

Anh đã vui vẻ kể về chặng đường kinh doanh của mình với Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phiên bản “Những câu chuyện thật” như vậy.

Nhã Nam
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục