CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt và câu chuyện mang nhãn hàng quốc tế vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Vừa dứt hợp đồng phân phối độc quyền với Xiaomi, Digiworld đã công bố ngay hợp tác cùng tập đoàn 110 năm tuổi Whirlpool, chính thức bước chân vào ngành hàng hoàn toàn mới thiết bị gia dụng
CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt và câu chuyện mang nhãn hàng quốc tế vào Việt Nam

Để có được hợp đồng này, DGW cùng đối tác đã có 6 tháng làm việc liên tục đàm phán giữa hai bên, bất chấp những khó khăn vì Covid, và sự hợp tác này đúng vào thời điểm Whirlpool kỷ niệm 110 năm tuổi.

Và dĩ nhiên, Digiworld là đối tác độc quyền thực hiện Chiến lược phát triển thị trường MES (Market Expansion Services) cho thiết bị gia dụng Whirlpool - thương hiệu điện gia dụng nổi tiếng hàng đầu thế giới, doanh thu hàng năm khoảng 19 tỷ USD, 78.000 nhân viên và 57 trung tâm nghiên cứu công nghệ và sản xuất vào năm 2020.

Tương tự Xiaomi, lần hợp tác này, Digiworld sẽ đồng hành cùng Whirlpool thực hiện chiến lược phát triển thị trường toàn diện với đầy đủ các bước để hãng có thể hiểu bức tranh lớn về thị trường từ người tiêu dùng, địa điểm, kho bãi, chuỗi cung ứng đến các hoạt động xúc tiến người tiêu dùng.

Trong buổi lễ ký kết, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc CTCP Thế giới Số (Digiworld - mã chứng khoán DGW) tự tin khẳng định, với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển thị trường MES sẽ chắp cánh cho thương hiệu Home Appliances số 1 Bắc Mỹ có cơ hội tiếp cận và trở nên quan thuộc với hàng triệu gia đình Việt Nam.

Xuyên suốt các lần chia sẻ cùng truyền thông trong nhiều năm qua với báo giới và nhà đầu tư, ông Việt thường xuyên sử dụng các cụm từ “khai phá”, “tiên phong”, “cầu nối”, “chắp cánh”…khi nói về việc hợp tác cùng các nhãn hàng lớn nhỏ khi họ mới bước chân vào thị trường Việt Nam. Qua đó cũng thể hiện rõ vai trò của Digiworld đối với các nhà sản xuất quốc tế muốn tấn công vào thị trường Việt Nam.

Theo lời kể của ông Việt, giai đoạn 2000-2001, Digiworld làm cho Acer thì vài năm sau họ cũng có thêm nhà phân phối; Năm 2006 Digiworld mang Dell vào Việt Nam, cũng tương tự sau vài năm có được thị phần nhất định, họ cũng hợp tác thêm nhiều nhà phân phối khác. Nhưng do lúc đó Digiworld chưa niêm yết nên thị trường và nhà đầu tư chưa để ý, hoặc chưa biết đến câu chuyện này.

Đây cũng là câu trả lời của ông Việt về vấn đề đang rất được nhà đầu tư quan tâm là: liệu Digiworld có bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi việc không còn là nhà phân phối độc quyền với Xiaomi?

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu DGW ngay lập tức phản ánh lo ngại về triển vọng kinh doanh của DGW với 3 cây sàn liên tiếp - sau thông tin Xiaomi cùng Synnex FPT đã ký kết hợp tác để Xiaomi có thêm nhà phân phối, giúp mở rộng mạng lưới và tăng sự xuất hiện của sản phẩm với người tiêu dùng Việt.

Giá cổ phiếu DGW đang từ 110.000 đồng/cổ phiếu (19/1/2022), giảm về 88.800 đồng/cổ phiếu (24/1/2022), nhưng ngay sau đó, giá cổ phiếu DGW lại có 2 cây trần liên tiếp và đóng cửa phiên cuối cùng trước tết Nguyên đán ở mốc 3 chữ số, 105.000 đồng/cổ phiếu.

Dẫu vậy, sự lo ngại này không phải không có cơ sở, khi mà năm 2015, doanh thu công ty sụt giảm mạnh chủ yếu do doanh thu mảng điện thoại di dộng từ Nokia (vốn chiếm 50% tổng doanh thu DGW) đã giảm đến 64%, chỉ còn 879 tỷ đồng và từ năm 2016 không còn đóng góp trên bảng kết quả kinh doanh của Digiworld.

Ông Việt phân tích, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 thương vụ hợp tác của Digiworld với Nokia và Xiaomi chính là quy mô của công ty đã lớn hơn rất nhiều, Xiaomi chỉ còn đóng góp 35% vào tổng doanh thu năm 2021. Và Digiworld vẫn liên tục thực hiện chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng porfolito (danh mục) sản phẩm. Đặc biệt, câu chuyện của Nokia chính là biến mất khỏi thị trường (Nokia đã bán mảng thiết bị di động cho Microsoft và thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung phát triển phần mềm thay vì phát triển thiết bị di động). Còn với Xiaomi vẫn đang phát triển và khi nhãn hàng này tăng được thị phần thì doanh thu của Xiaomi tăng theo.

Theo đó, doanh thu từ nhãn này năm 2021 là 7.200 tỷ đồng, và năm 2022 sẽ là 8.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 11% và thường Digiworld sẽ đạt kết quả cao hơn cam kết. Đồng thời, Digiworld vẫn đồng hành cùng Xiaomi trong các kế hoạch mở cửa hàng chính hãng tại Việt Nam, dự định có 1000 cửa hàng đồ chính hãng tại Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, ông Việt chia sẻ, ngành hàng điện thoại, hiện Digiworld đang phân phối cho Apple, Huawei, và nhiều nhãn khác, công ty cũng đang tiếp cận để đưa nhiều brand lớn chưa có ở Việt Nam.

“Chúng tôi đang ở một vị thế mà khi một hãng tìm vào thị trường Việt Nam luôn mong muốn nói chuyện, thảo luận cùng những đơn vị đứng đầu về thị trường, xem mình có idea (ý tưởng) gì không…nếu hợp nhau thì sẽ mở ra cơ hội”, ông Việt nói.

Quay trở lại với thương vụ hợp tác cùng Whirlpool, trong các thông điệp truyền thông mà Digiworld phát đi thời gian qua, nhấn mạnh việc hợp tác với Whirlpool còn mở ra vùng đất mới cho Digiworld chinh phục mảng thiết bị gia dụng có giá trị ước tính lên đến 2,4 tỷ USD – đồng thời ủng cố thêm nền móng cho mục tiêu tỷ USD ngay trong dịp sinh nhật 25 năm tuổi của Công ty. “Nếu 10 năm nữa làm gì tôi chưa biết chính xác, nhưng trong 3 năm tới, tôi biết rõ để có thể đảm bảo mức tăng trưởng 25%/năm, hướng đến tầm vóc doanh nghiệp tỷ USD”, CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt nói.

Tại sao lại là Whirlpool giúp Digiworld bước vào thị trường thiết bị gia dụng, thay vì Xiaomi? Ông Việt cho biết, đây là nhãn hàng số 1 Bắc Mỹ, với sản phẩm chính là máy giặt, tủ lạnh, máy sấy….khác với Xiaomi là phân khúc sản phẩm Small Home Appliances – chủ yếu là các sản phẩm máy lọc không khí, máy hút bụi… Whirlpool chính là thương hiệu đã giới thiệu đến người tiêu dùng chiến máy giặt tự động đầu tiên (năm 1948). Và trong hơn 1 thế kỷ phát triển, Whirlpool còn có rất nhiều đóng góp khác vào sự phát triển của ngành điện gia dụng.

Với quy mô khổng lồ như vậy, vì sao họ hứng thú với thị trường Việt Nam? Theo chia sẻ của ông Việt, thị trường Asean thì nhãn hàng này hầu như chưa gia nhập, và Việt Nam thì là đất nước 100 triệu dân, GDP tăng trưởng ổn định tốt hàng năm nên họ ưu tiên khai phá. Năm 2022, Digiworld sẽ phân phối luôn sản phẩm của nhãn này.

Về mục tiêu thị phần của các hãng bước đầu luôn là 10% với Whirlpool cũng thế, nhưng không phải ngay lập tức trong năm đầu tiên. Như Xiaomi cũng gần 3 năm mới đạt được mốc 10% - ngưỡng rất khó để đạt trong ngành này, và gần như phải tham gia tất cả phân khúc, còn 2-3% thì mình có thể chọn phân khúc ngách để tham gia, ông Việt cho biết.

Thị trường điện gia dụng nhiều ý kiến cho rằng đang tăng trưởng chậm lại và tiến dần đến bão hoà, nhưng với Digiworld lại xem đây là một trong các ngành hàng góp phần giúp công ty này có thể đạt mục tiêu tỷ USD.

Trong góc nhìn của ông Việt chính là sự khác biệt của DGW chưa làm gì ở trong ngành này, nên nếu có thì là mình được cộng thêm chứ không mất gì. Và nhìn vài năm trước, khi Xiaomi vào thị trường điện thoại mọi người cũng nhìn là gần bão hoà rồi còn gì nhưng kết quả đến nay là DGW đã cùng với Xiaomi để có được thị phần như hiện nay. Tức là hãng ngoài gia nhập, mở rộng thì còn lấy thêm thị phần của hãng khác. Với Retail (bán lẻ) thì họ bày lên kệ và bán tất cả mặt hàng, nên họ phải tăng theo tăng trưởng chung của ngành, còn DGW mô hình khác, làm được gì thì đều là phần cộng thêm cho công ty.

Như chia sẻ ở trên, Digiworld đồng hành cùng nhãn hàng khi mới “chân ướt chân ráo” vào thị trường cho đến khi trưởng thành và liên tục mở rộng porfolio. Cuối năm 2021, Digiworld chính thức được TCT Mobile Communication ủy quyền để trở thành nhà phân phối độc quyền chiến lược cho các sản phẩm của 2 thương hiệu TCL và Alcatel.

TCT Mobile Communication Co., Ltd là nhà sản xuất thiết bị cầm tay nổi tiếng ở Bắc Mỹ và hiện có mặt trên 160 quốc gia với 2 thương hiệu nổi bật: TCL và Alcatel. Cụ thể, Alcatel là thương hiệu cung cấp các thiết bị di dộng như máy tính bảng, điện thoại và các linh kiện khác. Còn về TCL, đây là thương hiệu đã được nhiều người Việt biết đến với sản phẩm nổi bật là Tivi, bên cạnh đó là loa, điện thoại, các sản phẩm tai nghe và cả những thiết bị hay một hệ sinh thái Home Appliance.

Theo ông Việt, Digiworld sẽ đa dạng hoá sản phẩm, ngành hàng, tạo động lực tăng trưởng bền vững không phụ thuộc vào 1 vào khách hàng lớn, cam kết tăng trưởng 25%/năm. Và cho năm 2022, cũng là mục tiêu tăng trưởng 25% so với năm 2021.

Trò chuyện CEO Đoàn Hồng Việt

Điều gì làm ông nhớ nhất trong năm 2021?

Đợt Covid-19, mặc dù mình đã lo cho nhân viên tiêm đủ hết rồi và họ vẫn bị nhiễm, lúc đó không biết nặng nhẹ sẽ diễn tiến ra sao. Kho hàng thì hoạt động hạn chế vì phải tuân thủ 3 tại chỗ, khách hàng ở tỉnh khác thì cũng cứ than phiền sao chưa giao hàng.

Mấy chục cậu thanh niên ở với nhau trong một khoảng hẹp như vậy thì phát sinh rất nhiều vấn đề, có những stress mà mình stress theo.

Vậy ông xử lý như thế nào?

Thì cũng phải nghĩ ra đủ mọi biện pháp thôi.

Bọn anh cũng phải thuê cả container có gắn máy lạnh cho nhân viên ở tạm; kết nối với bác sĩ chuyên điều trị Covid thuộc bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Khi có nhân viên nhiễm Covid, bác sỹ không chỉ đưa ra phác đồ điều trị khi nhân viên không thể tiếp cận với bệnh viện/cơ sở y tế do quá tải, bác sỹ còn làm vững tin những nhóm F1, F2 còn lại với những phân tích, giải thích khoa học, tránh nhân viên hoảng loạn.

Dù miệt mài tải thông điệp về mô hình kinh doanh của công ty là dịch vụ Chiến lược phát triển thị trường MES (Market Expansion Services), nhưng nhà đầu tư vẫn có phần phản ứng thái quá với giá cổ phiếu, ông cảm thấy như thế nào?

Giá cổ phiếu giảm thì mình buồn, nhưng sau đó giá cũng đã hồi phục ngay cho thấy vẫn có bộ phận nhà đầu tư hiểu mình. Không có gì khác, chúng tôi sẽ tiếp tục minh bạch, thông tin rõ ràng và kịp thời, sử dụng nhiều kênh để giúp cộng đồng đầu tư hiểu hơn về Digiworld.

Ông có cảm nhận, dự báo gì về tình hình chung năm 2022?

Vĩ mô sẽ tốt hơn, kinh tế phục hồi, xuất khẩu tốt, tỷ giá ngoại hối ổn định, lãi suất có thể nhỉnh, nhưng vẫn là thấp.

Với Digiworld sẽ tập trung hơn vào mảng nào năm nay?

Trong năm tới, DGW tập trung hơn vào dược. Nền tảng để DGW có thể đẩy mạnh là apply những giấy phép nhập khẩu và phân phối dược trực tiếp – rất khó đạt được giấy phép vì có vô vàn các điều kiện nhỏ nhỏ đi kèm.

Về sản phẩm sẽ bổ sung thêm từ từ, không chỉ là thực phẩm chức năng, mà là dược phẩm. Thị trường dược phẩm khác với thị trường điện thoại chỉ cần xoè 2 bàn tay ra có thể đếm hết các brand lớn, còn dược phẩm rất nhiều hãng, mỗi nhãn hàng lại có các nhóm sản phẩm về cơ xương khớp, nhóm tim mạch, nhóm nội tiết…

Khó khăn nhất trong lĩnh vực phân phối dược phẩm thì cần chuyên môn cao, và thị trường không mass (đại trà).

Kênh phân phối thì khác hẳn ICT, Digiworld hướng đến kênh bệnh viện, tới các đại lý mạnh về kênh này – để đẩy mạnh bán những mặt hàng theo kê đơn của bác sĩ. Còn các nhà thuốc bên ngoài, chỉ bán các mặt hàng thông thường như cảm mạo, nhức đầu, …

Nhưng vào kênh bệnh viện không dễ, Digiworld cũng không làm gì quá to tát, mà do đặc trưng thị trường dược phẩm hiện nay khá phân mảnh nên để đạt doanh thu vài ngàn tỷ thì không khó.

Phan Hằng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục