CEO Mambu: Thay đổi nào cũng có cơ hội và thách thức đồng hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, sau một thời gian giãn cách căng thẳng bởi dịch bệnh, thị trường khá bất ngờ trước thông tin Mambu - kỳ lân công nghệ Đức và Cake - ngân hàng số trong Top tăng trưởng nhanh nhất thị trường Việt Nam phối hợp thành công chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi (core banking) chỉ trong 74 ngày.

Chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi luôn là thử thách với nhiều ngân hàng trong bối cảnh cần tăng cường năng lực công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi trí tuệ, sức lực và khát vọng đổi mới cùng tinh thần hợp tác của các bên để BigBang “đồng loạt, một lần, duy nhất” trên toàn hệ thống và thay thế thành công.

Được biết, nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Mambu và Cake, quá trình chuyển đổi core banking tại Cake chỉ mất hai tháng rưỡi. Đây không chỉ là thành tựu của hai bên, mà còn là một kỷ lục mới đáng ghi nhận trong lĩnh vực công nghệ tài chính - ngân hàng (fintech) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho biết: “Dự án này chứng minh rằng, trên thực tế bạn có thể khởi động một ngân hàng kỹ thuật số mạnh mẽ, hiệu suất cao chỉ trong vài tuần nếu bạn có được nền tảng công nghệ phù hợp”.

Là đơn vị cung cấp giải pháp đám mây (SaaS) cho nhiều đối tác tài chính ngân hàng ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mambu đặc biệt có kinh nghiệm triển khai hệ thống tại Úc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, đó cũng là lợi thế cho Mambu khi bước chân vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, chặng đường phát triển được đánh giá không “trải hoa hồng”, bởi số lượng các công ty fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam cũng đã tăng mạnh.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các công ty fintech đã tăng gần 4 lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên gần 150 công ty vào năm 2020, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mặt khác, năm 2021, kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nên ít nhiều có tác động tới các doanh nghiệp, nhất là với các thương hiệu khá mới tại thị trường Việt Nam như Mambu.

Mặc dù vậy, ông Minh cho rằng, thị trường Việt Nam với trên 60 triệu người trong độ tuổi được sử dụng dịch vụ ngân hàng là cơ hội tiềm năng cho các fintech phát triển thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, nhưng ở góc nhìn tích cực thì một số ngành công nghiệp dịch vụ đã nắm bắt được cơ hội “bình thường mới” với sự điều chỉnh phù hợp cả về chiến lược phát triển lẫn mô hình kinh doanh, trong đó có ngành dịch vụ tài chính.

“Tăng trưởng tín dụng năm 2021 trên 14% so với hơn 12% của năm 2020. Mambu đánh giá, thị trường ngành ngân hàng Việt với chiến lược chuyển đổi số đang trong Top đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đây là cơ hội để Mambu có thể tham gia hợp tác, trợ giúp các ngân hàng trong nước phát triển chiến lược kinh doanh số và triển khai chuyển đổi số toàn diện”, ông Minh nói.

Theo Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, mặc dù mới tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn và công nghệ số vượt trội đã được các ngân hàng trong nước đón nhận tích cực, Mambu đã có những thành công ngoài mong đợi trong năm 2021.

Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng là nhiều thương hiệu lớn đã lựa chọn Mambu như một đối tác chiến lược, Công ty đã kịp thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam cho các nghiệp vụ kinh doanh và triển khai hỗ trợ khách hàng.

“Nhận dạng thương hiệu cũng đã đạt được kết quả ấn tượng là đơn vị cung cấp giải pháp ngân hàng lõi hàng đầu thế hệ thứ 4. Và không thể không đề cập tới việc phát triển hệ sinh thái với nhiều đối tác fintech mới tạo thành một kiến trúc ngân hàng kết hợp (composable banking) hoàn chỉnh phục vụ đặc thù cho thị trường Việt Nam”, lãnh đạo Mambu Việt Nam nhấn mạnh.

Mambu luôn coi thách thức là cơ hội để hoàn thiện và phát triển, đồng thời luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các fintech khác trên thị trường, bởi theo như ông Minh chia sẻ, mục tiêu cuối cùng mà Mambu hướng tới là liên tục hỗ trợ các ngân hàng đổi mới sáng tạo, đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường nhanh nhất, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như các thay đổi về quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số và tài chính toàn diện.

Thực tế, mục tiêu bao giờ cũng hướng tới những điều tốt đẹp nhất, nhưng để trở thành hiện thực, đòi hỏi phải giải được nhiều biến số mà trong đó, lợi nhuận tốt là bàn đạp vững chắc để con diều ước mơ được bay cao.

Theo báo cáo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, phần lớn các fintech tại Việt Nam là các công ty mới được thành lập, có quy mô nhỏ.

Về giai đoạn phát triển của các công ty fintech tại Việt Nam, 44,2% đang trong giai đoạn khởi động các hoạt động kinh doanh, nhưng chưa đến thời điểm điểm hòa vốn; 26,4% đang trong giai đoạn ra mắt sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) và có doanh thu bán hàng trong 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm khảo sát; 11,76% đã đạt đến giai đoạn hòa vốn; 2,94% đang trong giai đoạn chứng minh ý tưởng, nhưng chưa có doanh thu; 8,82% đã đạt được lợi nhuận; 5,88% đang trong giai đoạn phát triển mô hình kinh doanh.

Chat với ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Ông có thể chia sẻ kế hoạch hoạt động năm 2022 của Mambu?

Mambu đã ra đời và phát triển được 11 năm, hiện tại trở thành công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh trên khắp các châu lục. Mambu đã hoàn toàn chủ động độc lập về tài chính, nhưng với tham vọng phát triển nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu, chúng tôi vừa mới hoàn thành vòng gọi vốn series E với 265 triệu USD và giá trị Công ty hiện đạt 5,4 tỷ USD.

Với số tiền đầu tư mới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nền tảng công nghệ, đưa ra các tính năng mới cho các khách hàng hiện hữu trên 65 nước cũng như thu hút các khách hàng tiềm năng mới. Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi kinh doanh ra toàn cầu nằm trong kế hoạch phát triển năm 2022 và tại Việt Nam, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi so với năm 2021.

Cụ thể hơn, bước vào năm 2022, chúng tôi tiếp tục phát huy thế mạnh hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính đưa các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường. Chúng tôi cũng có kế hoạch tập trung vào các cơ hội tiềm năng với các ngân hàng truyền thống trong việc phát triển chiến lược số, trong đó, chuyển đổi hạ tầng truyền thống sang nền tảng ngân hàng điện toán đám mây SaaS là một phần không thể tách rời.

Từ Giám đốc Ngân hàng số TMRW của Tập đoàn UOB về làm Tổng giám đốc một Fintech với hình ảnh thương hiệu còn mới tại thị trường Việt Nam và trong một năm 2021 đầy khó khăn, chắc hẳn sự dịch chuyển này cũng có những khát vọng riêng, thưa ông?

Các công ty fintech có 2 phạm vi hoạt động chính. Thứ nhất, các fintech hoạt động với mô hình B2C cung cấp dịch vụ tài chính trực tiếp cho khách hàng, có thể cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng hoặc dưới hình thức hợp tác.

Thứ hai, các fintech hoạt động theo mô hình B2B cung cấp giải pháp dịch vụ cho ngân hàng và các tổ chức tài chính. Mambu là fintech theo mô hình B2B và để hợp tác được với các ngân hàng trên toàn cầu, tuỳ theo từng thị trường, Mambu phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, quy định của chính phủ, ngân hàng trung ương.

“Thay đổi để phát triển”, đương nhiên thay đổi nào cũng có cơ hội, rủi ro và thách thức đồng hành. Tôi tin tưởng vào năng lực của Mambu và kiến thức của bản thân sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển của nền kinh tế số nói chung và ngành dịch vụ tài chính nói riêng, thông qua việc hỗ trợ, hợp tác giúp các tổ chức tài chính hoạch định chiến lược số, thiết kế mô hình kinh doanh mới và chuyển đổi số thành công với kiến trúc ngân hàng kết hợp.

Nhìn lại, công việc của tôi trong năm 2021 thực sự thành công ngoài mong đợi. Năm 2022, công việc cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn là thực hiện tư vấn sâu hơn cho các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam, bởi còn nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng chuyển đổi số phải được bắt đầu từ vấn đề chiến lược.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục