Ông Michael Stewart Elliott, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm PVI Sun Life
“Thời điểm thích hợp để hưu trí tự nguyện ra đời” Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, cùng với thời gian, nhu cầu của xã hội ngày càng tăng lên, đã đến lúc cần có thêm lựa chọn cho những người muốn có khoản lương hưu cao hơn và gần hơn với thu nhập của họ trước khi về hưu. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để hưu trí tự nguyện ra đời. Năm 2013 là năm đầu tiên PVI Sun Life đi vào hoạt động, nhưng Công ty đã đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với tổng doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng, đứng thứ 3 thị trường bảo hiểm nhân thọ về doanh thu khai thác mới. Mặc dù vậy, PVI Sun Life vẫn là một thương hiệu mới, nên gặp không ít khó khăn trong việc triển khai sản phẩm trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Năm 2014, PVI Sun Life sẽ xây dựng cơ chế bán hàng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tỷ lệ hoạt động của đại lý tương xứng với tốc độ bình quân của thị trường. Cùng với sự hỗ trợ từ Công ty mẹ PVI Holdings, PVI Sun Life sẽ tập trung phát triển mạnh các sản phẩm bảo hiểm mới cho cả 2 kênh bán buôn và bán lẻ, trong đó tập trung khai thác hiệu quả sản phẩm bảo hiểm hưu trí, đưa ra chiến lược bán hàng riêng cho sản phẩm này, phấn đấu trở thành nhà bảo hiểm hưu trí số 1 trên thị trường.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI
“Phi nhân thọ sẽ tập trung khai thác phân khúc bán lẻ”
Năm 2014, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được nhìn nhận sẽ tiếp tục tập trung khai thác phân khúc bán lẻ đi đôi với nâng cao dịch vụ khách hàng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống là xe cơ giới và chăm sóc sức khỏe con người, một số sản phẩm mới, độc đáo, đáp ứng nhu cầu theo mùa vụ cũng sẽ được các DN bảo hiểm quan tâm hơn.
Nền kinh tế bắt đầu có chuyển biến tích cực, một số dự án lớn tiếp tục được giải ngân cùng với các dự án đầu tư nước ngoài gia tăng, thị trường bảo hiểm công nghiệp sẽ ổn định trở lại. Đây là những tín hiệu tốt cho DN bảo hiểm. Về tăng trưởng, thị trường phi nhân thọ năm nay hứa hẹn sẽ đạt mức tăng trưởng 10%.
Với riêng PVI, kết thúc quý I/2014, Công ty đạt kết quả tương đối khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ 2013.
Thành công của Bảo hiểm PVI những tháng đầu năm này không chỉ dừng ở việc tăng trưởng từ những con số, mà còn thể hiện qua những dự án lớn, dự án trọng điểm ngoài lĩnh vực dầu khí - năng lượng, như Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1; hay trở thành đối tác cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho Vietnam Airlines…
Bên cạnh đó, việc được A.M. Best nâng hạng tín nhiệm năng lực tài chính an toàn từ B+ lên B++ (Tốt) sẽ giúp PVI thuận lợi hơn trong việc hợp tác với thị trường thế giới.
Ông Đào Nam Hải,Tổng giám đốc PJICO
Dự báo mức tăng trưởng GDP dưới 6%, năm 2014 tiếp tục là năm khó khăn đối với nền kinh tế cũng như thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường sẽ dần khôi phục vào cuối năm 2014 và trong 5 năm tới. Xu hướng chung của thị trường là hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững (tăng trưởng 5 - 6%), tập trung vào hiệu quả và chất lượng tăng trưởng.
Trên cơ sở kết quả hoạt động và tình hình thực tế của thị trường, giai đoạn 2014 - 2018, PJICO định hướng kinh doanh duy trì và từng bước tăng thị phần doanh thu bảo hiểm gốc 9 - 10%; tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 1.000 tỷ đồng thông qua việc lựa chọn đối tác chiến lược phát hành cổ phiếu, mức cổ tức chi trả hàng năm 10 - 12%; hoàn thành công tác đánh giá, xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với Tổng công ty.
Để hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh năm 2014, PJICO đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, hoạt động đầu tư, hoạt động tái bảo hiểm và công tác quản trị DN.
Ông Trần Đình Quân, Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế năm 2013 đầy khó khăn và biến động, thị trường bảo hiểm tuy có tăng trưởng chậm lại, song vẫn đạt được kết quả khả quan. Với thị phần gần 8%, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2013 của Dai-ichi Life Việt Nam đạt gần 1.860 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2012, là một trong 4 công ty có mức tăng trưởng cao nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Trong năm 2014, dự báo nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng với nhu cầu bảo hiểm của người dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội ngày càng tăng, cộng với những nỗ lực tái cơ cấu thị trường của Bộ Tài chính, tôi tin rằng, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội bứt phá với mức tăng trung bình 14 - 15%. Những yếu tố tạo động lực mới cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ năm nay là việc triển khai các dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm mới như hưu trí tự nguyện, các sản phẩm bảo hiểm nhóm đối với DN, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và y tế.
Trung thành với nguyên lý “Kaizen” (không ngừng cải tiến), Dai-ichi Life Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng quyền lợi cho khách hàng bằng những sản phẩm ưu việt. Bên cạnh lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, việc thành lập Công ty Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam trong năm 2014 sẽ giúp tăng cường hoạt động kinh doanh cho Công ty, thông qua việc quản lý đầu tư chuyên nghiệp nguồn thu từ các dòng sản phẩm bảo hiểm, nhằm cung cấp thêm nhiều giá trị thiết thực cho khách hàng.
Ông Nguyễn Quang Hiện, Chủ tịch HĐQT MIC
Năm 2014, nền kinh tế có dấu hiệu chuyển biến tích cực, dự kiến GDP tăng 5,5 - 5,7%, CPI 7 - 8%, theo đó, mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự báo khoảng 8 - 10%.
Với mục tiêu trở thành Top 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam, năm 2014, MIC sẽ thực hiện phương châm “tăng trưởng nhanh, an toàn và phát triển bền vững”, đảm bảo các chỉ số hoạt động, quyền lợi cho cổ đông, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao thương hiệu MIC.
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo Minh
Năm 2013, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1993 đến nay, khi chỉ đạt gần 7%. Các chỉ số về doanh thu đầu tư tài chính, tỷ lệ bồi thường, lợi nhuận kinh doanh… đều không đạt. Đây là hậu quả tất yếu của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng với sự khó khăn chung của thị trường, sự cạnh tranh giữa các DN cũng ngày càng trở lên gay gắt. Khách hàng mới không tăng, buộc các DN phải giành giật khách hàng của nhau bằng những cách không lành mạnh, như không đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm, giảm phí, tăng hoa hồng, xây dựng các bài thầu bất hợp lý… Điều này sẽ bộc lộ các yếu kém của DN như lỗ, không đáp ứng biên khả năng thanh toán tối thiểu, nợ phí tồn đọng và khó đòi, công tác phục vụ khách hàng yếu kém, tiêu cực phát sinh, trục lợi bảo hiểm gia tăng… và đặc biệt đang nổi lên vấn đề yếu kém trong quản lý, trong kiểm soát nội bộ và thực hiện không nghiêm các chế độ chính sách về bảo hiểm của các DN.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhiều DN bảo hiểm đã lường trước được các rủi ro để phòng ngừa, thay vì cạnh tranh bằng tăng chi phí, giảm phí phi kỹ thuật… để lỗ, các DN tập trung vào tái cơ cấu mô hình tổ chức kinh doanh, cải tiến sản phẩm, phát triển kênh phân phối, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ… Kết quả là nhiều DN bảo hiểm đã đạt được lợi nhuận trong kinh doanh bảo hiểm gốc, đầu tư tài chính an toàn, hiệu quả, tình trạng nợ giảm nhiều.
Năm 2014, dự báo nền kinh tế sẽ hồi phục, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn phía trước, Bảo Minh kiên định mục tiêu kinh doanh “hiệu quả và phát triển bền vững”, tiếp tục tập trung tái cơ cấu DN về mọi mặt, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7 - 8%.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.
Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.