Theo đó, 30% trong số 100 máy bay Airbus A321 mà hãng này vừa đặt mua hồi tháng 7 sẽ được phân bổ cho AAC, với hy vọng sẽ mang về cho AAC thêm nhiều hợp đồng cho thuê máy bay với các hãng hàng không khác, bên ngoài phạm vi Malaysia.
Trước đó, tại Triển lãm Hàng không quốc tế Farnborough diễn ra tại Vương quốc Anh, AirAsia đã mạnh tay chi 12,6 tỷ USD đặt mua 100 máy bay A321 của Airbus. Đồng thời, hãng cũng ký kết với Tập đoàn GE mua thêm 200 động cơ CFM LEAP-1A trị giá 2,7 tỷ USD để trang bị cho số máy bay này. CEO Tony Fernandes cho biết, sự hiện diện của dòng máy bay mới sẽ giúp AirAsia nâng cao hiệu suất chuyên chở và tận dụng được nhiều tiện ích hơn. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu tiến trình phát triển của AirAsia trên con đường theo đuổi những chặng bay dài tới London (Anh) hay Hawai (Mỹ).
AirAsia vẫn đang tiếp tục nở rộ và gặt hái thành công. Đặc biệt, nhờ hưởng lợi từ sự sụt giảm mạnh của giá nguyên liệu, lợi nhuận của hãng đã tăng gấp 6 lần trong quý đầu tiên năm 2016, đưa giá trị cổ phiếu AirAsia tăng lên gấp đôi và hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Để hái được quả ngọt như hôm nay, Tony Fernandes, CEO AirAsia, đã trải qua không ít chông gai. Tháng 9/2001, ông mua lại AirAsia với giá “tượng trưng” chỉ 1 ringgit (tương đương 25 cent khi đó), vào thời điểm hãng này đang phải gánh khoản nợ hơn 10 triệu USD và chỉ có 2 chiếc Boeing 737-300. Từ bỏ sự nghiệp kinh doanh âm nhạc mà mình đã gắn bó suốt 9 năm tại Warner Music, Fernandes đã lần đầu tiên bước chân vào ngành hàng không, với vị thế của một kẻ ngoại đạo. Khi ấy, nhận thấy thành công của các hãng hàng không giá giẻ như RyanAir hay EasyJet tại châu Âu, Fernandes đã nhìn ra cơ hội vàng để phát triển mô hình này ở châu Á.
“Du lịch giá rẻ là sản phẩm cạnh tranh nhất. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu, có một thống kê cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi, đó là chỉ có 6% số người Malaysia được đi máy bay. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mình đã nắm trong tay thị trường là 94% còn lại”, ông nói.
AirAsia đã xây dựng một khẩu hiệu riêng: “Now everyone can fly” (Giờ thì ai cũng có thể bay). Hãng này đã thực sự thành công khi tiếp bước và học hỏi từ mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ của RyanAir và EasyJet. Nhiều biện pháp cắt giảm chi phí được áp dụng như: sử dụng duy nhất một loại máy bay, bán vé trực tuyến qua mạng để loại bỏ các trung gian, bán đồ ăn, thức uống trên máy bay nếu hành khách có nhu cầu, giảm thời gian quay vòng máy bay trên mặt đất…
Trong những năm đầu, Fernandes đã mời cựu giám đốc Connor McCarthy của RyanAir làm cố vấn cho mình. Ông cũng làm việc với Bộ trưởng Đường bộ Malaysia khi đó là Datuk Pahamin A Rajab, lôi kéo đồng nghiệp cũ tại Warner Music và các “cựu binh” từ các hãng hàng không châu Á khác. Đặc biệt, Fernandes cho biết, tại AirAsia, không có chỗ cho sự phân biệt đối xử. Đa phần các quản lý cấp cao của công ty là phụ nữ.
“Tôi nghĩ đó là một thành công lớn cho một công ty châu Á”, Fernandes nói.
Chỉ một năm sau khi mua lại AirAsia, Fernandes đã trả hết nợ nần và đưa hãng trở về mức hòa vốn. Và sau năm thứ hai, ông đã thuyết phục được Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thúc đẩy hợp tác mở cửa không phận với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Singapore, góp phần đưa AirAsia phát triển thành một hãng hàng không quốc tế. Sau đó, AirAsia không ngừng mở rộng thêm các chi nhánh tại các quốc gia châu Á khác. Fernandes còn lập thêm AirAsia X, tập trung vào các chuyến bay giá rẻ với đường bay dài. Số hành khách tăng trưởng đáng kể. Năm 2002, hãng mới chỉ có 1 triệu lượt khách, thì tới năm 2015, con số này đã nhảy vọt lên đến 50,7 triệu.
Nói về các đối thủ cạnh tranh của mình, Fernandes nhắc đến những cái tên tiềm năng như CebuAir (Philippines) hay LionAir (Indonesia). Những hãng này có thể chiếm ưu thế so với AirAsia ở thị trường nội địa, song vẫn chưa đủ sức để có thể “phủ sóng” rộng rãi như AirAsia. Tuy nhiên, CEO 52 tuổi cho rằng “điều đó rồi cũng sẽ đến”, bởi “không ai có thể độc quyền cho bất kỳ ý tưởng nào”, cũng như cách mà ông đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
“Cạnh tranh là cách tốt nhất để tiến lên và hoàn thiện hơn. Tôi thích cạnh tranh. Điều đó giúp tôi không ngừng khát khao và không ngừng tiến về phía trước”, CEO AirAsia nói.