Trung Quốc khó có thể đáp trả trực tiếp bằng việc thiết lập hàng rào thuế quan đối với hàng hóa từ Hàn Quốc, bởi những vướng mắc về quy định khi cả hai bên đều tham gia WTO. Tuy nhiên, theo giới chức Hàn Quốc, tồn tại nguy cơ nền kinh tế thứ hai này có thể siết chặt hơn các quy định về kiểm định, yêu cầu khắt khe về giấy chứng nhận và gia tăng trở ngại bằng thói quan liêu đối với Hàn Quốc.
Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, một tổ chức có uy tín chuyên hoạt động hành lang phục vụ công việc kinh doanh xác định, có 26 biện pháp Trung Quốc sử dụng gây tổn hại tới các thành viên của Hội. Bất kỳ sự gia tăng trở ngại nào đều sẽ làm tổn thương tới giao dịch thương mại giữa hai bên.
Hiện tại, xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc đã giảm trong 19 tháng liên tiếp. Riêng doanh số bán hàng sang Trung Quốc đã giảm khoảng 9% trong tháng 7. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng ¼ lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Hai quốc gia đã ký thỏa thuận thương mại tự do năm 2015.
“Trung Quốc đã từng sử dụng các rào cản phi thuế quan đối với các quốc gia khác trước đây và có lý do để lo lắng điều này sẽ xảy ra với Hàn Quốc. Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra an toàn đối với sản phẩm như mỹ phẩm, tạo nên tâm lý bài trừ Hàn Quốc, từ đó tác động tiêu cực tới lĩnh vực du lịch của Hàn Quốc”, Jeong Hyung Gon, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc cho biết.
Những giới hạn mà Trung Quốc tạo ra đối với một số nhà xuất khẩu trên thế giới làm nổi bật ý chí có thể sử dụng thương mại để đạt được những mục tiêu khác. Quốc gia này đã đặt giới hạn nhập khẩu hàng hóa với một số quốc gia trong những năm gần đây và kiềm chế số lượng hàng xuất khẩu tới địa điểm nhất định, với lý do kiểm soát tình trạng cung cầu và bảo vệ môi trường, nhưng thực chất là để gia tăng áp lực với một số nền kinh tế khác.
Năm 2010, Trung Quốc từng giới hạn xuất khẩu một số nguyên vật liệu tới Nhật Bản khi xảy ra tranh chấp về lãnh thổ. Trung Quốc cũng từng tạm đóng băng các cuộc đối thoại với Na Uy, sau khi Hội đồng trao giải Nobel, được chỉ định bởi Quốc hội Na Uy, trao giải Nobel Hòa bình cho Liu Xiaobo (nhà hoạt động nhân quyền, nhà văn Trung Quốc, khi ông đang thi hành án tù 11 năm). Hành động này khiến hoạt động xuất khẩu cá hồi của Na uy tới Trung Quốc lao dốc trầm trọng.
Hiện tại, Hàn Quốc sẽ chỉ định người đứng đầu chịu trách nhiệm giải quyết các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc tại mỗi Bộ và ưu tiên những vấn đề này khi tiến hành thảo luận các thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung Hwan cho rằng, mặc dù ông không lo ngại việc sử dụng hệ thống tên lửa Thaad sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung – Hàn, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục quan tâm tới vấn đề này.
Tuy nhiên, giới lập pháp vẫn không khỏi lo ngại về tình hình hiện nay và cho rằng, Hàn Quốc có thể trải qua những áp lực thương mại như từng gặp phải năm 2000. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu mọi sản phẩm điện thoại di động và nhựa PE của Hàn Quốc, sau khi Seoul nâng thuế đối với tỏi nhập khẩu từ Đại lục. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu điện thoại di động và nhựa PE của Hàn Quốc sang Trung Quốc cao gấp 50 lần so với giá trị tỏi nhập khẩu, theo hãng tin Yonhap.
Bên cạnh đó, trong diễn biến mới nhất, chính quyền Trung Quốc đã có lệnh cấm tổ chức các buổi gặp gỡ của người hâm mộ phim Hàn Quốc, đồng thời sẽ tạm dừng hoạt động của các diễn viên Hàn Quốc đang quay phim tại Trung Quốc.
“Trung Quốc không hài lòng về thỏa thuận Thaad và chỉ nhắm mục tiêu vào Hàn Quốc. Đại lục có thể sử dụng các biện pháp quản trị để tạo nên tình trạng không thoải mái đối với hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc. Chúng ra cần phải chuẩn bị để đối mặt với các rào cản và đối phó với lợi ích kinh tế giảm sút trong ngắn hạn”, Shim Sang Ryul, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Kwangwoon cho biết.