Tuy nhiên, với nội dung đã được ĐHCĐ thông qua, cổ đông nói chung của CDC có thể sẽ không mấy hài lòng khi DN phải chịu ảnh hưởng quá lớn: 25 năm từ một cổ đông hiện chỉ sở hữu 23,77% vốn của CDC.
Ngày 27/6/2014, ĐHCĐ thường niên năm 2014 của Chương Dương đã thông qua nhiều nội dung. Trong số này, có một nội dung đáng chú ý là sửa đổi điều lệ cho phép Tổng công ty Xây dựng số 1- TNHH 1 thành viên (CC1) có quyền can thiệp khá sâu vào hoạt động của Công ty.
Cụ thể, CC1 có quyền kiểm soát, xử lý khoản nợ vay tái cấu trúc tài chính từ vốn vay ADB như: sử dụng vốn vay, tài sản thế chấp, quản lý dòng tiền trả nợ. CC1 cũng có quyền yêu cầu báo cáo và kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính định kỳ tại Chương Dương để quản lý nợ vay. Đặc biệt, CC1 còn có quyền đề xuất nhân sự chủ chốt ở các chức danh như: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của CDC. Các quyền này của CC1 chỉ được thay đổi khi CDC trả hết nợ vay của ADB.
Đáng chú ý hơn là, khoản vay này kéo dài 25 năm, có thể được ân hạn 5 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sự phụ thuộc của Chương Dương vào CC1 không phải trong 1, 2 năm, mà có thể lên tới 30 năm, trong khi, không có cam kết chắc chắn nào về việc CC1 sẽ tiếp tục sở hữu cổ phần tại Chương Dương trong khoảng thời gian này.
Vậy khoản vay này có gì đặc biệt khiến Chương Dương phải “hy sinh” nhiều quyền tự chủ của mình đến vậy, trong khi cổ đông này chỉ nắm có 23,77% vốn điều lệ của Công ty? Theo thông tin đã được cung cấp, đây là khoản vay khoảng 4 triệu USD (thông tin tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra) hoặc 4,6 triệu USD (theo Báo cáo thường niên năm 2013 của Công ty), có lãi suất 3%/năm, được vay nhằm mục đích tái cấu trúc các khoản vay đến hạn của công ty này. Khoản vay này có được do CDC kết hợp với CC1 làm thủ tục vay.
Với khoảng 80 tỷ đồng vốn vay, chênh lệch lãi suất USD khoảng 4%/năm so với vay ngân hàng trong nước, và được giải ngân theo từng giai đoạn, Chương Dương phải chấp nhận giảm nhiều quyền tự chủ. Phải chăng, tình trạng tài chính của Công ty đã trở nên quá bi đát?