Tuy nhiên, khu vực kinh tế này lại đang chiếm tỷ trọng đóng góp lớn trong GDP, trong đó phần lớn nhờ khu vực kinh tế cá thể, đã chỉ rõ thực trạng thực sự của nền kinh tế còn manh mún. Đã đến lúc Việt Nam cần phải có thay đổi tư duy về xác định động lực mới, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, đó là khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
3 động cơ tăng trưởng “nội” đang trục trặc
Tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các loại hình DN trong những năm gần đây (xem bảng) cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các DN ngoài nhà nước là thấp nhất và có xu hướng ngày càng thấp. Điều này lý giải tại sao trong 2 năm gần đây, khi tỷ lệ để dành trên GDP và đầu tư trên GDP tương đương nhau nhưng nền kinh tế vẫn rất khó khăn về vốn và tại sao các DN ngoài nhà nước nếu không phải là sân sau của các DNNN thì “chết” hàng loạt.
Với tỷ suất lợi nhuận như vậy, không một DN ngoài nhà nước nào sản xuất - kinh doanh tuân thủ đúng quy định pháp luật chịu được mức lãi suất trên 20%/năm những năm trước đây và khoảng 10%/năm trong hiện tại. Như vậy, lượng kiều hối và lượng tiền trong dân thực chất chỉ là “tiền tệ”, không thành vốn để đi vào sản xuất do các DN ngoài nhà nước không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất do lãi suất huy động 7 - 8%/năm và lãi suất phải trả ngân hàng trên 10%/năm trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ 1 - 2%. Tỷ suất lợi nhuận sụt giảm do các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hầu hết đều mang tính ngắn hạn, đồng thời với chi phí vận chuyển tăng cao do giá năng lượng liên tục tăng vì các DN độc quyền về năng lượng luôn luôn kêu lỗ.
Hiện nay, hầu như các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách thường đánh đồng ý niệm tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP. Chỉ tiêu GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng quên rằng, điều một quốc gia thực sự được hưởng là tổng thu nhập quốc gia (Gross National Income - GNI) và thu nhập quốc gia khả dụng (National Disposable income - NDI) chứ không phải chỉ tiêu “có tính hình thức” như GDP. Nếu trong giai đoạn 2000 - 2006, tăng trưởng GDP và tăng trưởng GNI có độ chênh lệch chỉ khoảng 1% (tăng trưởng GNI trong giai đoạn này khoảng 7,4%), thì độ chênh lệch về tăng trưởng GDP và GNI trong giai đoạn 2007 - 2012 lên đến 6 điểm phần trăm (tăng trưởng GNI ước tính 5,3%).
Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự sụt giảm này là do các chính sách của Việt Nam xoay chuyển từ tinh thần trọng cung sang quản lý tổng cầu. Cùng với đó là tiềm lực được sử dụng hết cũng như những tiềm ẩn rủi ro do cấu trúc nền kinh tế lệch lạc từ trước và đầu tư không hiệu quả ngày càng có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, trong bốn động cơ tăng trưởng thì ba động cơ “nội” gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nông nghiệp đang trục trặc; chỉ có một động cơ “ngoại” - khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chạy tốt. Điều này có thể có lợi cho chỉ tiêu “ít ý nghĩa” là tăng trưởng GDP, nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của GNI ngày càng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, góp phần làm mức độ để dành (saving) trong nước ngày càng giảm và nếu loại trừ kiều hối thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20% GDP.
Tạo động lực cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại và lạm phát luôn bị “buộc tội” là rào cản của tăng trưởng kinh tế. Vấn đề tăng trưởng và lạm phát luôn làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, nhưng liệu giá cả có phải là “thủ phạm” chính?
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng đóng góp lớn trong GDP, trong đó phần lớn nhờ khu vực kinh tế cá thể, đã chỉ rõ thực trạng thực sự của nền kinh tế còn manh mún. Tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới khiến hàng loạt DN ngoài nhà nước phá sản, các DN còn trụ lại được cũng đang rất khó khăn, quy mô ngày càng thu hẹp, từ DN có quy mô vừa và nhỏ trở thành siêu nhỏ. Các DN ngoài nhà nước mặc dù có tỷ trọng đóng góp GDP cao nhất, tạo ra được nhiều việc làm, nhưng lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi vừa phải tìm cách sống sót trong điều kiện nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận với lãi suất cao, vừa phải cạnh tranh không bình đẳng bởi những ưu đãi từ các khu vực DN khác.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải có thay đổi tư duy về xác định động lực mới, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, đó là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Từ đó, cần tư duy lại về phương thức tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho tất cả các loại hình DN, tạo cơ hội cho các DN ngoài nhà nước tiếp cận đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không nắm giữ, với sự hỗ trợ đầu tư ban đầu của Nhà nước.