Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét trên cả phương diện các nghiên cứu cấu trúc thị trường tài chính quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam.
Tổng quan nghiên cứu quốc tế
Ưu điểm và nhược điểm của hệ thống tài chính dựa trên ngân hàng hay dựa vào thị trường vốn đã được nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước nghiên cứu, nhưng vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Trong đó, đối với hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng, ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt trong việc huy động vốn tiết kiệm, phân bổ nguồn vốn, giám sát các quyết định đầu tư của doanh nghiệp và cung cấp các phương tiện quản lý rủi ro, điển hình của mô hình cấu trúc này là Đức và Nhật Bản.
Đối với hệ thống tài chính dựa vào thị trường vốn, như Anh và Mỹ, thị trường vốn (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp, kiểm soát doanh nghiệp.
Thông qua các nghiên cứu định tính và định lượng trong thời gian gần đây, hầu hết các tác giả cho rằng, không có mô hình cấu trúc nào thực sự có ưu điểm hơn so với mô hình còn lại xét trên khía cạnh tăng trưởng kinh tế và nhấn mạnh đến tính ổn định của hệ thống tài chính hơn là vấn đề cấu trúc.
Levine (2002) đưa ra thử nghiệm đầu tiên về mối quan hệ giữa cấu trúc hệ thống tài chính (dựa vào ngân hàng và thị trường) đối với tăng trưởng kinh tế bằng phương pháp OLS và chỉ ra rằng, không có đủ cơ sở để đánh giá mô hình nào hiệu quả hơn.
Tương tự, Beck và đồng nghiệp (2000) sử dụng dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để đánh giá tác động của cấu trúc tài chính đối với nền kinh tế cũng cho thấy, nền kinh tế không tăng trưởng nhanh hơn, doanh nghiệp không hoạt động hiệu quả hơn ở hệ thống dựa trên ngân hàng hay thị trường vốn.
Hai hệ thống khác nhau ở hai nước khác nhau nhìn chung có tỷ lệ tăng trưởng (bình quân đầu người) như nhau. Hơn nữa, phù hợp với bằng chứng thực tế, nhiều tác giả khẳng định, chất lượng các định chế tài chính và quy định pháp lý quan trọng hơn đối với sự phát triển của các quốc gia.
ThS. Đỗ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ tài chính - NHNN
Oima and Ojwang (2013) nhấn mạnh, ngân hàng và thị trường vốn có tính chất bổ trợ lẫn nhau trong tổng thể hệ thống tài chính và đều quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn được cung cấp chủ yếu do hệ thống ngân hàng hay thị trường vốn đều không quá quan trọng, mà chất lượng dịch vụ tài chính mới thực sự có ý nghĩa. Điều này dẫn tới sự nhấn mạnh tầm quan trọng tạo lập hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiệu quả và thị trường vốn hiệu quả hơn là lựa chọn cấu trúc tài chính.
Gambacorta, Ying and Tsatsaronis (2014) cho rằng, ngân hàng và thị trường vốn đều thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tới giới hạn tài trợ tổng thể nhất định. Vượt qua giới hạn này, mở rộng tài trợ của ngân hàng và thị trường đều không dẫn tới tăng trưởng thực. Nhưng trong giai đoạn biến động của chu kỳ kinh tế, ngân hàng và thị trường có tác động khác nhau. Khi suy thoái kinh tế diễn ra (theo sau khủng hoảng tài chính), tác động đối với GDP của các nền kinh tế dựa vào ngân hàng sẽ trầm trọng gấp 3 lần các nền kinh tế dựa vào thị trường.
Theo UNDP (2015), Bose, N and Neumann, R (2015), không có cấu trúc tài chính tối ưu nào cho tất cả các quốc gia. Để phát triển hệ thống tài chính nhằm đạt được hiệu quả kinh tế tốt hơn, cần quan tâm đến việc tăng cường nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm chi phí tài chính, tăng cường tính ổn định và khả năng phục hồi của hệ thống.
Theo Klaus Schwab (2015), hệ thống tài chính lành mạnh cần sự đóng góp hiệu quả của cả hệ thống tài chính ngân hàng và thị trường vốn theo các tiêu chí: sẵn có các dịch vụ tài chính; các dịch vụ tài chính phù hợp với khách hàng; các quy định giao dịch chứng khoán có hiệu lực cao và TTCK hiệu quả trong việc cung ứng các sản phẩm đầu tư dài hạn; dễ tiếp cận với nguồn vốn; sự sẵn có của các quỹ đầu tư mạo hiểm; sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng; quyền pháp lý được quy định đầy đủ và rõ ràng.
Mục tiêu phấn đấu đến 2020, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP
Cấu trúc của hệ thống tài chính Việt Nam
Ở Việt Nam, cấu trúc tài chính hiện nay dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Khu vực ngân hàng vẫn được xem là chủ đạo trong hệ thống tài chính, với tổng tài sản hơn 6,5 triệu tỷ đồng (165% GDP năm 2014), chiếm gần 95% tổng tài sản của cả hệ thống tài chính. Hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu góp phần vào mức tăng trưởng đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Dư nợ cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng tương đương 107% GDP năm 2014.
Trong khi đó, thị trường vốn còn nhỏ, chậm phát triển với quy mô vốn hóa toàn TTCK thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Thị trường trái phiếu Việt Nam mặc dù đã phát triển khá nhanh so với các nước châu Á, nhưng chưa thực sự cân bằng do trái phiếu chính phủ chi phối thị trường. Trong bối cảnh nợ công và hiệu quả đầu tư công đang là vấn đề lớn cần giải quyết, thì trái phiếu chính phủ không phải là kênh huy động vốn đáng khuyến khích.
Khu vực ngân hàng vẫn được xem là chủ đạo trong hệ thống tài chính, với tổng tài sản hơn 6,5 triệu tỷ đồng (165% GDP năm 2014), chiếm gần 95% tổng tài sản của cả hệ thống tài chính.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn quá nhỏ, chưa phát triển, trong khi đây là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp theo cách thức mang lại sự ổn định hơn cho hệ thống tài chính cũng như người đầu tư và giúp doanh nghiệp hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đồng thời tăng kỳ hạn tài trợ.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm phát triển là do sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chưa nhiều, chủ yếu do các DNNN hay tổ chức tín dụng phát hành, tập trung vào 2 loại hình chính là trái phiếu truyền thống và trái phiếu chuyển đổi (với công ty cổ phần). Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát hành, đặc biệt ở các khía cạnh như trình độ quản trị còn yếu, hệ thống công bố thông tin chưa minh bạch nên khó có được niềm tin của NĐT…
Bên cạnh đó, điều kiện phát hành khá khắt khe như Nghị định 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có 5 năm liền có lãi.
Về phía cầu đầu tư, cơ sở NĐT còn thiếu khi NĐT chủ yếu trên thị trường trái phiếu hiện nay là các ngân hàng thương mại. Các đợt phát hành trái phiếu cũng thường là phát hành riêng lẻ cho một số NĐT, trong khi NĐT cá nhân chưa tiếp cận được.
Về phía trung gian tài chính, Nghị định về việc thành lập và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm đang trong quá trình lấy ý kiến, vì vậy Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức định mức tín nhiệm chuyên nghiệp nhằm tạo niềm tin cho NĐT khi đánh giá về doanh nghiệp phát hành.
Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam
Trong giai đoạn 2016 - 2020, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vấn đề quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam là đạt được sự cân bằng trong 2 mục tiêu là ổn định tài chính và tăng năng lực cạnh tranh cho khu vực này thông qua thực hiện các cải cách cần thiết. Điều này thể hiện rõ trong các nghị quyết, quyết định của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung liên quan.
Nhu cầu cấp bách tăng cường ổn định tài chính hiện nay cũng rất phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia, dù cấu trúc hệ thống tài chính khác nhau, đều đặt mục tiêu ưu tiên cải cách thể chế để tăng cường giám sát an toàn vĩ mô cho hệ thống tài chính.
Các định hướng lớn nhằm phát triển hài hòa hệ thống ngân hàng và thị trường vốn Việt Nam đã được thể hiện trong các chiến lược phát triển của thị trường tài chính và trong từng cấu phần của thị trường. Quyết định số 450/QĐ-TTg năm 2012 và Quyết định số 224/QĐ-BTC ngày 30/1/2013 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Chương trình hành động của ngành tài chính triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 nêu rõ: phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP vào năm 2020; tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 3 - 4% GDP vào năm 2020.
Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đặt mục tiêu: phấn đấu giá trị vốn hoá TTCK đến năm 2020 đạt 70% GDP, dựa trên nguyên tắc xây dựng và phát triển thị trường vốn có cấu trúc hợp lý, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường.
Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu: phấn đấu tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vào năm 2020 đạt khoảng 70% GDP; đưa thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, quy mô của hoạt động ngân hàng được tập trung kiểm soát. Trong đó, ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án 254 cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Ngày 23/2/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.
Theo đó, số lượng các ngân hàng sẽ được giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như tổng tài sản được kiểm soát chặt chẽ để tăng cường chất lượng tài sản, siết chặt tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng.
Như vậy, những định hướng lớn về phát triển các cấu phần của thị trường tài chính đã khá rõ ràng. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để phát triển thị trường vốn còn khá non trẻ ở Việt Nam nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Một số Giải pháp đề xuất
Để thúc đẩy hoạt động của thị trường vốn, cần các giải pháp toàn diện và đồng bộ đối với cả bên cung, bên cầu trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và hạ tầng thị trường hiệu quả (bao gồm hệ thống pháp lý, hệ thống thanh toán, các cơ chế hỗ trợ thanh khoản và hệ thống thông tin thị trường công khai minh bạch với các tiêu chuẩn báo cáo kế toán và kiểm toán phù hợp với quốc tế).
Trước hết, tăng cường công khai, minh bạch thông tin doanh nghiệp theo tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các NĐT, bảo vệ quyền lợi của các NĐT, tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi làm lệch lạc thông tin hoặc dẫn đến hiểu lầm của các NĐT. Đây là nội dung quan trọng nhất để có thể lấy lại niềm tin từ NĐT, mà rất nhiều trong số đó đã chịu tổn thất nặng nề trong những đợt biến động giá quá mức trước đây, đặc biệt thời kỳ 2007 - 2008, cũng như thu hút NĐT nước ngoài trong thời gian tới.
Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu, tăng cường năng lực của các công ty chứng khoán; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho phép mở rộng các công cụ phái sinh; triển khai khuôn khổ an toàn vĩ mô để nâng cao năng lực quản lý rủi ro cả ở cấp độ vi mô và vĩ mô, tăng cường công tác cảnh báo sớm để ngăn chặn rủi ro hệ thống, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) để đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển các trung tâm/tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Cho phép các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có uy tín của nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam.
Đa dạng hóa các tổ chức đầu tư, khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia vào thị trường vốn Việt Nam; thúc đẩy thành lập và hoạt động của các quỹ tín thác bất động sản, quỹ ETF, quỹ hưu trí, quỹ chuyên đầu tư trái phiếu... Mở rộng sự tham gia của các tổ chức đầu tư sẽ đóng góp tích cực vào quá trình cân bằng giá trên thị trường tài chính, giảm bớt tính “phong trào” mà các NĐT cá nhân thường gặp phải.
Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn cung, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN; tăng cường khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu phát triển, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu cơ sở hạ tầng, trái phiếu có đảm bảo để giảm bớt gánh nặng chính sách cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Ngoài ra, mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tăng cường các biện pháp toàn diện để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu hiệu quả gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu ngân hàng, nhằm giải phóng các nguồn lực hiện đang không được sử dụng hoặc hoạt động dưới tiềm năng (do các doanh nghiệp vay vốn bị ngân hàng phong tỏa khi có nợ xấu, nhưng lại không thể nhanh chóng xử lý để trả nợ) để các nguồn lực này sớm tham gia vào các doanh nghiệp.
Tăng cường khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền chủ nợ, hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện mua bán nợ xấu theo cách thức dứt điểm trên cơ sở thị trường; tăng cường năng lực cho các Tòa án và xây dựng quy trình phá sản hiệu quả, đáng tin cậy để xử lý các doanh nghiệp và tổ chức tài chính yếu kém theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ đóng góp tích cực vào quá trình xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa khu vực tài chính.
ThS. Đỗ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ tài chính - NHNN