Cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, chỉ sau khi công bố Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ít ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật) đã hoàn thành lấy ý kiến doanh nghiệp (hội thảo đầu tiên) và đại diện cả 63, tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trực tiếp chủ trì hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà được nhiều đại biểu đánh giá cao tinh thần cầu thị, coi sự lắng nghe của Bộ trưởng như một chất xúc tác cho góp ý của mình.
Ở hội thảo tiếp theo (lấy ý kiến đại diện 25 tỉnh, thành phố phía Bắc), Bộ trưởng Trần Hồng Hà không giấu được sự thất vọng, vì chỉ có 4/25 chiếc ghế dành cho lãnh đạo tỉnh có chủ.
“Sự thất vọng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà”, bài báo sau đó đăng trên Báo Đầu tư với thông điệp sự thiếu trách nhiệm (chữ được Bộ trưởng Hà sử dụng) ban đầu có thể sẽ dẫn đến sự thất vọng không của riêng Bộ trưởng Hà, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Ngay lập tức, một bạn đọc thường xuyên của Báo, cũng là đại biểu Quốc hội bày tỏ với người viết rằng, phải chăng, cách xin ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo khiến người được mời đến góp ý không thực sự quan tâm.
“Đăng tải lên mạng xin ý kiến nhân dân mà chỉ có Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật, không có báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành, không có đánh giá tác động chính sách... Như thế thì dân nào hiểu được mà tham gia ý kiến”, vị này bình luận.
Lời nói thẳng này, quả thật, rất đáng suy nghĩ. Bởi, sửa Luật Đất đai là công việc rất khó, rất phức tạp. Ngay cả khi có bộ hồ sơ đầy đủ (bao gồm báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành và báo cáo đánh giá tác động chính sách mới), thì việc góp ý vẫn là rất khó với cả chuyên gia và các vị đại biểu Quốc hội, chưa nói đến việc để đông đảo nhân dân có thể tham gia ý kiến.
Trong khi đó, với một số dự luật cùng được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, không những được đăng tải xin ý kiến nhân dân sớm hơn nhiều so với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), mà tài liệu đi kèm cũng đầy đủ hơn nhiều.
Đơn cử, Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được đăng tải lấy ý kiến nhân dân từ ngày 31/5/2022 gồm có tờ trình dự án luật, dự thảo luật, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật và báo cáo đánh giá tác động chính sách.
Những tài liệu này giúp người đọc có thể hiểu tương đối đầy đủ về những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, sự cần thiết phải sửa đổi, những chính sách nào cần sửa, sửa thế nào và nếu sửa như thế thì tác động tích cực/tiêu cực đến các đối tượng chịu sự tác động ra sao...
Đó là những thông tin đầu vào vô cùng cần thiết để những góp ý có thể dựa trên cơ sở chắc chắn, có số liệu chứng minh đi kèm, từ đó hình thành những góp ý thiết thực, không qua loa, chiếu lệ.
Ngay từ hội thảo đầu tiên, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đã quả quyết rằng, những góp ý cho Dự thảo sẽ được lắng nghe, tiếp thu và giải trình đầy đủ (nếu không thể tiếp thu).
Nhưng, để lắng nghe được những góp ý thực sự có chất lượng, thì trước hết, cần phải cung cấp thông tin có chất lượng cho những người muốn góp ý. Lắng nghe chỉ là việc tiếp theo, chưa phải là việc đầu tiên, cũng chưa phải là việc quan trọng nhất để thể hiện sự cầu thị của cơ quan xin ý kiến nhân dân, nhất là với việc sửa một đạo luật có tác động sâu rộng tới toàn thể nhân dân, như Luật Đất đai.
Sự cầu thị chưa bao giờ là muộn. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Vẫn còn cơ hội để cơ quan soạn thảo thể hiện đầy đủ hơn sự cầu thị của mình.