Cầu thế giới suy giảm, xuất khẩu của nhiều địa phương tăng trưởng âm

Các địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM đều đối mặt với tăng trưởng âm về xuất khẩu do cầu tiêu dùng hàng hóa trên thế giới sụt giảm.
Kết nối giao thương giữa DN Việt và nhà mua hàng tại Chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế diễn ra trung tuần tháng 9/2023 tại TP.HCM. Kết nối giao thương giữa DN Việt và nhà mua hàng tại Chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế diễn ra trung tuần tháng 9/2023 tại TP.HCM.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị ngành Công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI – năm 2023 do Sở Công thương Hà Nội tổ chức, với chủ đề: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, công nghiệp và thương mại, dịch vụ” giai đoạn 2023 - 2025.

9 tháng 2023, 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Số liệu 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố này đã chiếm tỷ trọng gần 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy vậy, 4/5 thành phố lại có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu âm. Trong đó, TP. Đà Nẵng giảm 14,1%; Hà Nội giảm 3,8%; Hải Phòng giảm 1%; TP. HCM giảm 15,4%.

Có 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải phòng, TP. HCM) nằm trong Top 10 địa phương có kim ngạch thương mại và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Trong đó, TP.HCM là địa phương có kim ngạch thương mại lớn nhất với 63,4 tỷ USD, xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam có kim ngạch trên mốc 60 tỷ USD.

Tiếp theo là Hà Nội với tổng kim ngạch thương mại đạt 34,33 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 10,95 tỷ USD; kim ngạch thương mại của Hải Phòng đạt 29,13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,59 tỷ USD.

Chia sẻ về xuất nhập khẩu suy giảm, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC), ông Trần Phú Lữ trước đó cho biết, xuất khẩu của Thành phố sụt giảm theo đà giảm chung của thương mại toàn cầu. ITPC nghiên cứu và tìm hiểu khó khăn thực tế, khả năng và năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp, tham mưu đề xuất UBND thành phố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam đều giảm tiêu dùng đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu. 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 259,6 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 23,3 tỷ USD).

Trong 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chỉ duy nhất có phương tiện vận tải và phụ tùng tăng trưởng dương 16,5%, đạt 10,3 tỷ USD, 5 nhóm hàng còn lại giảm từ 1,7 - 18,2%, trong đó điện thoại và linh kiện giảm 13,4%, giày dép giảm 18,2%, dệt may giảm 12,1%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 10,6% và điện tử, máy tính và linh kiện giảm 1,7%.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, 5 Sở Công thương Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ đẩy mạnh liên kết thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; triển khai Đề án "Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030".

Bên cạnh đó sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu, đề xuất các thị trường phù hợp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tiềm năng sản phẩm của 5 thành phố, phấn đấu phục hồi tăng trưởng dương xuất khẩu từ nay cho đến cuối năm.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục