Góp phần đưa chính sách tới gần hơn với cuộc sống
Truyền thông chính sách ngày càng được Chính phủ đề cao nhằm có một cầu nối cho sự đồng thuận giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg về việc “Tăng cường công tác truyền thông chính sách”. Trước đó, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, nhấn mạnh tới việc truyền thông ngay từ khi bắt đầu quá trình dự thảo chính sách mới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan truyền thông, báo chí, trong đó có cơ quan Báo Đầu tư đã tích cực, chủ động trong công tác truyền thông, góp ý, phản biện trong công tác xây dựng chính sách, giúp các chính sách xây dựng có tính thực tiễn cao hơn, nhận được sự đồng lòng của người dân, các đối tượng chịu tác động, qua đó dễ đi vào cuộc sống hơn.
Chẳng hạn, ngày 14/8/2024, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” với sự tham gia của nhiều bên, gồm nhà lập pháp, hoạch định chính sách, chuyên gia, nghiên cứu, doanh nghiệp, cùng trao đổi, thảo luận, góp ý về chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, liên quan đến ngành bia - rượu - nước giải khát, ngành đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4% thu ngân sách nhà nước trong năm 2023.
Tại hội thảo, có rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng ý với dự thảo sửa thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính đề xuất, tuy nhiên các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cũng nêu một số kiến nghị về mức độ, lộ trình áp dụng một cách hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên gồm Nhà nước - người dân - doanh nghiệp: Đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo khả năng chi tiêu và sức khỏe của người dân, đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau đó, ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về ba dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, Nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng đó, bảo vệ sức khỏe người dân…
Thủ tướng lưu ý việc điều chỉnh thuế tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp; đồng thời cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế. Việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất.
Hướng tới cơ quan báo chí giải pháp hàng đầu
Xuyên suốt chặng đường 33 năm phát triển, dù chỉ là tờ báo chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế, đầu tư, nhưng Báo Đầu tư được đánh giá là một trong những tờ báo lớn trong làng báo chí Việt Nam. Để có được điều đó, các thế hệ lãnh đạo, cũng như phóng viên, biên tập viên của cơ quan Báo Đầu tư đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, luôn thay đổi bắt kịp các xu hướng báo chí hiện đại và một trong những xu hướng nổi bật hiện nay là báo chí giải pháp.
Thông qua đội ngũ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn có kiến thức, trình độ, am hiểu lĩnh vực, cũng như đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, các nhà nghiên cứu uy tín cả trong nước và nước ngoài, các ấn phẩm của cơ quan Báo Đầu tư đã có nhiều bài viết phân tích được đánh giá là sâu sắc, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị khả thi, được cơ quan quản lý tiếp thu.
Bên cạnh các bài phân tích sâu sắc trên, trong những năm gần đây, cơ quan Báo Đầu tư được đánh giá là một trong những cơ quan báo chí dẫn đầu trong xu hướng báo chí giải pháp bằng việc tổ chức hàng loạt talkshow, diễn đàn, hội thảo khoa học. Các sự kiện này được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, nội dung phân tích, đánh giá các vấn đề thời sự của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là góp ý trong việc xây dựng chính sách...
Sau các hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị, giải pháp đã được tổng hợp gửi tới các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp và được đánh giá cao, trong đó nhiều ý kiến đóng góp được tiếp thu, chỉnh sửa.
Chẳng hạn, trước những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp ngành phân bón do phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nên gần 10 năm không được kê khai, hoàn thuế VAT đầu vào, Báo Đầu tư đã có nhiều bài viết phản ánh về thực trạng này. Đặc biệt, nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp ý kiến với cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế VAT sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024), ngày 14/6/2024, Báo Đầu tư đã tổ chức talkshow “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phân bón”.
Chia sẻ tại talkshow, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đã đến lúc phải đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT, bởi các bất cập đã thể hiện rõ. Việc phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT đã khiến các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào, đặc biệt là với hàng hoá, dịch vụ, thiết bị, máy móc đầu tư cho sản xuất phân bón, vốn chiếm tới khoảng 40 - 60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cũng cho rằng, sau 10 năm thực hiện Luật, có nhiều hệ luỵ từ thực tiễn kiểm nghiệm với bằng chứng thực tiễn cả về số thu, sản lượng, giá bán, đầu tư… khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Do đó, ông Phụng đề xuất, đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%.
Mới đây nhất, ngày 29/8/2024, Báo Đầu tư gây chú ý khi tổ chức Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” để đóng góp thêm ý kiến, kiến nghị giúp cơ quan soạn thảo Chiến lược Phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có góc nhìn đa chiều về giảm thải carbon từ ngành ô tô.
Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông - vận tải nói chung và lĩnh vực ô tô nói riêng đang nhận được sự quan tâm lớn của toàn thể xã hội, hướng tới mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26. Những chính sách để thúc đẩy hiện thực hoá mục tiêu này thế nào, hành động ra sao, chương trình hành động thiết kế thế nào cho phù hợp là các vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng thảo luận sôi nổi tại hội thảo.
Có thể nói, những sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức được đánh giá chất lượng với sự góp mặt của khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia uy tín, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được đề cập cùng thảo luận đưa ra các ý kiến đa chiều, thực tế, những bài học kinh nghiệm hay từ các quốc gia đi trước, những động thái chính sách đáng chú ý và những đề xuất, kiến nghị với các nhà quản lý, cũng như khuyến nghị với các doanh nghiệp trong ngành.
Thông qua bài viết thời sự, phân tích sâu sắc, các hội thảo chất lượng, đưa ra nhiều kiến giải hay, đã góp phần giúp cơ quan Báo Đầu tư tạo dựng được uy tín với độc giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cũng như cơ quan quản lý. Đây cũng là cách tạo lối đi riêng của Báo Đầu tư, thay vì chạy đua tin tức, tìm mọi cách để lôi kéo bạn đọc.