Đằng sau một mảnh đất nhỏ bên ngoài cửa hàng Village Cigars ở ngã tư Đường Christopher và Đại lộ 7 là câu chuyện liên quan đến một chủ nhà cứng đầu, dự án mở rộng tàu điện ngầm tại Đại lộ 7 và chính quyền thành phố New York.
Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 1910, khi giới chức quyết định mở rộng đường và xây dựng tuyến tàu điện ngầm mới tại Đại lộ 7. Gần 300 tòa nhà trong khu vực bị dỡ bỏ. Một trong số đó là chung cư Voorhis, thuộc sở hữu của David Hess.
Theo New York Times, năm 1913, những cư dân và người chủ sở hữu khu đất tại Đại lộ 7, mở rộng từ Đại lộ Greenwich đến Đường Varick, đã sẵn sàng cho việc phá hủy các tòa nhà trong khu dự án. Tất nhiên, chung cư 5 tầng của Hess cũng thuộc số đó.
Tuy nhiên, sau khi máy móc nghiền nát những tòa nhà, Hess vẫn tìm thấy một mảnh đất siêu nhỏ hình tam giác có diện tích khoảng 0,32 m2 thuộc sở hữu của mình. Đây là kết quả từ việc khảo sát lỗi của chính quyền trên khu đất giải tỏa.
Thành phố New York từng yêu cầu gia đình quyên tặng mảnh đất này nhưng họ đã từ chối.
Sau đó, ngày 27/7/1922, Hess lát đá và đề dòng chữ: “Đây là mảnh đất thuộc sở hữu của Hess, thứ không bao giờ được hiến cho các mục đích công”.
Sự kiện đã gây xôn xao. New York Times cho biết mảnh đất này là bất động sản thuộc sở hữu tư nhân nhỏ nhất tại thành phố, tọa lạc trên vỉa hè ở góc tây nam của Đường Christopher và Đại lộ 7. Những viên gạch lát trên đó có màu vàng và đen khiến nó càng trở nên nổi bật. Bất động sản này bị đánh thuế 100 USD.
Đến năm 1938, Hess bán lại cho chủ cửa hàng Village Cigars với mức giá 1.000 USD.
Bất động sản nhỏ nhất tại New York này hiện là điểm nhấn của thành phố, thu hút nhiều người đến tham quan.