Theo ông Phạm Duy Khương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc không cho CTCK và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN là phù hợp với Luật Đầu tư. “Nghị định 108/2006/NĐ-CP không đưa lĩnh vực kinh doanh chứng khoán vào ngành nghề, lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư nên Bộ Tài chính không thể cho lĩnh vực này được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN như những lĩnh vực khác”, ông Khương giải thích.
Như vậy, CTCK và quỹ đầu tư chứng khoán mới thành lập cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN như các cơ sở kinh doanh mới thành lập khác (miễn thuế 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp cho 2 năm tiếp theo). Ngoài ra, theo dự thảo, công ty cổ phần được thành lập từ CPH DNNN cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN như cơ sở kinh doanh mới thành lập nếu nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau ngày 25/10/2006 và không thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn đặc biệt khuyến khích đầu tư. Nếu thuộc lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư, công ty cổ phần sẽ được hưởng mức thuế suất thuế TNDN 20% trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh hoặc chỉ phải chịu thuế suất thuế TNDN 15% trong vòng 12 năm kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động hoặc được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm kể từ khi đi vào hoạt động.
Năm 2006, ngân sách giảm thu khoảng 1.138 tỷ đồng do thực hiện chính sách miễn thuế TNDN 2 năm đầu sau khi DNNN CPH và giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo. Tổng số tiền ngân sách giảm thu do thực hiện chính sách này tính đến cuối năm 2006 lên gần 4.000 tỷ đồng. Năm 2007, chỉ tính riêng 26 DNNN lớn CPH, ngân sách giảm thu khoảng 3.000 tỷ đồng, còn nếu cộng cả các đối tượng đang được hưởng chính sách miễn, giảm thuế sau khi đã CPH thì ngân sách giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, có thể nói việc Bộ Tài chính thuyết phục được Chính phủ bãi bỏ ưu đãi về thuế đối với DNNN chuyển đổi sở hữu là một trong những phương án tăng thu ngân sách.
Mặc dù ông Phạm Đình Thi, Trưởng ban Chính sách thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, Thông tư thay thế Thông tư 128/2003 và Thông tư 88/2004 bảo đảm 3 yêu cầu: đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; đảm bảo các điều kiện cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết và đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đang vướng mắc. Tuy nhiên, nếu so với 2 Thông tư hiện hành thì Thông tư thay thế chưa giải quyết được yêu cầu thứ 3 là đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà hiện nay đang vướng mắc. Cụ thể, nếu như trong Thông tư 128/2003, Bộ Tài chính chỉ không tính vào chi phí hợp lý 8 khoản chi của DN thì dự thảo đưa ra 31 khoản chi phí không được tính vào chi phí hợp lý, trong đó có những khoản không khuyến khích DN thực hiện các nghĩa vụ xã hội như chi ủng hộ đoàn thể, tổ chức xã hội, ủng hộ địa phương, chi từ thiện; chi bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không theo chế độ quy định; chi trang phục bằng tiền cho người lao động… Một DN ở Hà Nội nhận định, những quy định chung chung kiểu này khiến DN “không biết đâu mà lần” vì không thể tra cứu hết tất cả “quy định” để thực hiện cho đúng.
Cũng theo dự thảo, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế vượt mức tiêu hao mà chủ DN đã xây dựng không được coi là chi phí hợp lý. Đối với loại nhiên liệu, vật liệu, hàng hóa mà Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo quy định. Đại diện một DN kinh doanh vận tải cho rằng, mặc dù pháp luật cho phép DN được định mức tiêu hao nhiên liệu, tuy nhiên, giữa cơ quan thuế và DN thường có cái nhìn rất khác nhau về vấn đề này dẫn đến sự mất công bằng trong môi trường kinh doanh. “Có DN vận tải được cơ quan thuế tính mức tiêu hao nhiên liệu bằng 40% doanh thu, nhưng tại địa phương khác thì cơ quan thuế lại tính mức tiêu hao nhiên liệu bằng 50% doanh thu, thậm chí có nơi còn tính bằng 55% hoặc 60% doanh thu. Với những quy định như vậy, DN không biết nơi nào tính đúng, nơi nào tính sai”, ông này phát biểu. Còn một DN khác lại bức xúc, trong khi tiền lãi vay của các tổ chức tín dụng, thậm chí vay ngoài cũng được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN thì tại sao cổ tức trả cho cổ đông, trên thực tế cũng là việc DN “trả lãi” cho phần vốn huy động lại không được tính vào chi phí?